Hình ảnh dòng người ken đặc hòa mình giữa bãi biển Vũng Tàu những ngày nghỉ lễ khiến cộng đồng không khỏi lo sợ.

Khách ken đặc khu du lịch: Đừng thả gà ra để đuổi - Ảnh 1.

Du khách tắm biển Vũng Tàu lễ 30-4-2021 

Hình ảnh đó cũng dễ làm nhiều người liên tưởng đến biển người chen lấn ngâm mình “rửa tội” trên dòng sông Hằng (Ấn Độ) của những tín đồ Hindu giáo.

Hậu quả Ấn Độ đã phải trả giá rất đắt, có ngày ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục, hơn 400.000 ca. Và nếu tính từ đầu dịch, quốc gia trên 1,3 tỉ dân này có hơn 19,5 triệu ca dương tính với 215.523 người tử vong (cập nhật đến ngày 2-5).

Tương tự Campuchia, từ “sự kiện cộng đồng ngày 20-2” đẩy nước này đứng bên bờ vực vỡ trận. Đến nay số ca nhiễm từ sự kiện này tăng lên trên 13.000 người.

Còn ở Việt Nam có thể khẳng định ca bệnh 2899 (28 tuổi, Hà Nam) là trường hợp “siêu lây nhiễm” trong cộng đồng. Người này vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly. Đáng lẽ sau khi rời khu cách ly tập trung phải tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà, bệnh nhân lại gặp gỡ nhiều người, đi hớt tóc và cả uống bia (!). Chính điều này là nguồn cơn gieo rắc dịch bệnh khắp cả nước.

Cho đến nay đã có ít nhất 15 người ở Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP.HCM lây bệnh, cùng hàng trăm người khác thuộc diện tiếp xúc gần phải cách ly. Và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại…

Mới đây, ngày 1-5 dư luận lại vô cùng bức xúc khi một thành viên tổ tuần tra kiểm soát COVID-19 ở Lào Cai làm “nội gián” tiếp tay đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép.

Càng bức xúc hơn, sự việc này xảy ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực “giải quyết hậu quả” của chùm bệnh liên quan đến bệnh nhân 2899; đang tập trung mọi nguồn lực ngăn chặn nguy cơ xâm nhập COVID-19 từ các tỉnh biên giới Tây Nam và đặc biệt khi mà trong một tháng qua liên tục có các văn bản chỉ đạo “tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác” của Ban Bí thư, công điện của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Vi phạm của một cá nhân đã khiến cả cộng đồng phải trả giá; sự vô trách nhiệm của một người đẩy muôn người vào một cuộc chiến chống dịch với muôn vàn rủi ro; trực tiếp phá vỡ thành quả chống dịch của toàn cộng đồng xã hội. Đó là chưa kể đến những thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần khó có thể nào đong đếm.

Tất nhiên để xảy ra hậu quả nghiêm trọng này còn có trách nhiệm của các tổ chức khi không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Đây đang là điểm yếu, là kẽ hở chết người trong cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam. Và nếu không kiểm soát chặt thì cũng giống như nhiều chuyên gia từng cảnh báo sẽ như “thả gà để đuổi”.

Chúng ta đã mạnh tay xử lý các cá nhân gây ra ổ dịch trong cộng đồng. Như trường hợp nam tiếp viên của Vietnam Airlines vừa bị kết án 2 năm tù (án treo). Và phải tiếp tục xác minh, xử lý nghiêm trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân gây ra ổ dịch ở Hà Nam như đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Chính phủ ngày 30-4.

Chỉ khi các tổ chức, cá nhân có chung quan điểm “chống dịch như chống giặc”, thực sự đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trước hết, lúc ấy mới thôi điệp khúc “lỗ nhỏ đắm thuyền lớn”, vốn đang là bài học đau xót, đắt giá từ Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : covidCOVID-19Du lịch kỳ nghỉ lễnCoVNgăn dịch

Các tin liên quan đến bài viết