Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Trung ương cùng các tỉnh, thành trên cả nước đã có những biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngày 27/4, Thường trực Ban Bí thư ban hành Điện gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng; đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sự quyết liệt từ Trung ương
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu thực hiện nghiêm 6 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là
trong các ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng như chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tăng cường tuần tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển; ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, nhất là tại các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình nhập cảnh trái phép.
Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và thực hiện chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm; khẩn trương tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
Sáng 30/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tại đây, Chủ tịch nước đề nghị ngành y tế phải chủ động các phương án để không xảy ra tình trạng bị động. “Nếu khủng hoảng ngành y tế sẽ dẫn
đến khủng hoảng nền kinh tế. Ngành y tế từ Trung ương đến địa phương phải sẵn sàng trong lúc này. Tinh thần lúc này là phải 5K cộng với vắc- xin và thêm K thứ 6 là không xâm nhập trái phép”, Chủ tịch nước yêu cầu.
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tục họp khẩn đưa ra nhiều chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt.
Chỉ trong vòng 4 ngày, Thủ tướng đã chủ trì 2 cuộc họp khẩn về phòng chống dịch Covid-19. Các cuộc họp này đều diễn ra trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
Cuộc họp khẩn đầu tiên diễn ra vào ngày nghỉ lễ 30/4, Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 để đánh giá và các biện pháp trọng tâm, cấp bách phòng chống Covid-19 khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng lưu ý, khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế cần phải siết chặt hơn nữa, làm tốt, hiệu quả hơn nữa. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân phải vào cuộc tích cực hơn nữa.
Thủ tướng nhắc lại mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép. Trước mắt, phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa trong truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra với phương châm “chống dịch như chống giặc”.
“Đề cao cảnh giác, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước, chung tay với Chính phủ, nỗ lực cao nhất, gác lại việc chưa cần thiết, ngay lập tức thực hiện các quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch vì sức khỏe của mỗi cá nhân, vì sức khỏe của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; phải thực hiện “5K + vắc-xin”.
Cuộc họp khẩn thứ 2 diễn ra vào ngày 2/5, trong bối cảnh sau 2 ngày nghỉ lễ, nhiều địa phương lơ là chống dịch để diễn ra tình trạng tập trung quá đông người và không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Tại cuộc họp này, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu nêu rõ nguyên nhân chủ quan và xem xét trách nhiệm cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân đã lơ là, chủ quan, làm chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường phân cấp, giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt cần biểu dương, khen thưởng kịp thời; ở đâu, khâu nào, cá nhân nào chưa làm đúng thì cần xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã phê bình, nhắc nhở hàng loạt tỉnh chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. “Từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc, chỗ nào chưa vào cuộc, chưa làm thì phải xử lý trách nhiệm. Tinh thần là phải rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm cá nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 2/5, Thủ tướng ban hành Công điện gửi các bộ, ngành; các Bí thư, Chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQ các tỉnh, thành về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong 2 ngày 28, 29/4, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, Đồng Tháp, An Giang.
Tại các địa phương này, đoàn kiểm tra đi thực tế công tác phòng, chống dịch tại một số đồn Biên phòng, một số chốt chặn biên giới để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn nhập cảnh trái phép.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 ngày 27/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đáp ứng tình huống dịch bùng phát; hạn chế các sự kiện tập trung đông người; xử lý thật nghiêm hành vi tổ chức người nhập cảnh trái phép…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phải tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện phương châm ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.
Ông cũng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tình huống có 30.000 người mắc bệnh.
Các tỉnh, thành nhanh chóng vào cuộc
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, ngày 3/5, đã có công điện hoả tốc về tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu từ 17h ngày 3/5 tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè đến khi có chỉ đạo mới của UBND TP.
Ông Chu Ngọc Anh kiểm tra công tác phòng chống dịch tại sân bay Nội Bài vào ngày 3/5 |
Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Đến tối cùng ngày, Sở GD-ĐT Hà Nội thông báo, học sinh các cấp trên toàn thành phố sẽ nghỉ học tập trung từ ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới.
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu đóng cửa công viên nước Đầm Sen từ 18h chiều 3/5, sau khi nơi này xảy ra việc “biển người” không đeo khẩu trang.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã có công văn khẩn chỉ đạo dừng các dịch vụ văn hóa, giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ như: massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, kịch, rạp chiếu phim, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, sự kiện thể thao tập trung đông người từ 18h ngày 3/5.
Công viên nước Đầm Sen phải đóng cửa sau khi để nhiều người không đeo khẩu trang vào vui chơi. |
Tạm dừng tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo chưa cần thiết, đối với các hội nghị, hội thảo đã có chủ trương chấp thuận của UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện thì phải giảm quy mô, tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống Covid-19.
Sau khi Bộ Y tế công bố các nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo tỉnh đã họp khẩn và chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh về phòng, chống dịch, trong đó, cần phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm cá nhân đối với từng công việc; bố trí, chuẩn bị sẵn sàng các bệnh viện dã chiến.
Mở rộng các khu cách ly, cấp tỉnh bố trí ít nhất 2.000 giường, cấp huyện ít nhất 100 giường, riêng thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên bố trí ít nhất 300 giường bệnh và bố trí 10 – 15 máy xét nghiệm, bảo đảm đủ khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt, bố trí đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.
Vĩnh Phúc triển khai công tác phòng, chống dịch. |
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu tập trung truy vết các nhóm có nguy cơ cao tại các địa điểm đã phát hiện các ca dương tính, người dân đi ra khỏi tỉnh, người làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp đã có người dương tính.
Khẩn trương khoanh vùng, có biện pháp cứng rắn ngay với các địa bàn trọng điểm; tập huấn nhanh, bố trí đủ kinh phí cho các thành viên Tổ phòng chống dịch tại các khu phố, tổ liên gia.
Vĩnh Phúc cũng đã tạm hoạt động các cơ sở dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường từ 12h ngày 1/5/2021.Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo cho học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 4/5 đến hết ngày 8/5 để phòng, chống dịch.
Sau khi phát hiện thêm 2 ca dương tính mới ở thôn Thọ Lão (xã Đạo Lý, Lý Nhân), đến 14h chiều 3/5, ngành chức năng tỉnh Hà Nam đã điều tra bổ sung dược hơn 1.000 F1 và F2.
CDC tỉnh Hà Nam cho biết, đến 14h ngày 3/5, đã lấy được tổng số 3.837 mẫu xét nghiệm Covid-19. Kết quả cộng dồn, có 14 mẫu dương tính (12 bệnh nhân đã được Bộ Y tế công bố), 3.786 mẫu cho kết quả âm tính, còn 37 mẫu đang chờ kết quả. Tổng số F1 đã điều tra được 692 trường hợp, trong đó 687 trường hợp đã được cách ly tập trung.
UBND huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có quyết định phong tỏa cụm dân cư thuộc đội 10 thôn 3B, xã Việt Cường 15 ngày, kể từ 9h ngày 3/5, để phòng, chống dịch Covid-19. UBND huyện Lục Yên đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát chặt chẽ các trường hợp F1, F2 theo thông báo khẩn của Bộ Y tế; chỉ đạo dừng toàn bộ các đám cưới trên địa bàn kể từ 14h ngày 3/5. Cũng như, hạn chế tối đa người đến viếng tại các đám ma.
Trước đó, TP Yên Bái đã có Công văn hỏa tốc chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội tại các khu vực công cộng từ 0h00 ngày 3/5.
Sau khi nhận được thông tin nhóm chuyên gia người Trung Quốc đã xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và có kết quả xét nghiệm (của phía Trung Quốc) của một người dương tính với Covid-19, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Y tế truy vết, điều tra dịch tễ các trường hợp liên quan ca bệnh.
Qua rà soát, truy vết, có hai trường hợp F1 (đang được cách ly, theo dõi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn) và 50 trường hợp F2 liên quan bệnh nhân.
Qua xét nghiệm lần 1, các trường hợp F1, F2 đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Theo báo cáo nhanh từ CDC tỉnh Lai Châu, địa phương đã truy vết và xác định được trên địa bàn có 20 trường hợp F1 liên quan ca bệnh 2.911 và bệnh nhân người Trung Quốc. Ngoài các trường hợp F1 của bệnh nhân người Trung Quốc, tại Lai Châu cũng xuất hiện các F1, F2, F3 liên quan ca bệnh 2.911 và 2.899. Toàn bộ các trường hợp F1 trên địa bàn đã được lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, đã có kết quả âm tính lần 1.
Nguồn: vietnamnet