Việc khi nào mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, một mình ngành du lịch không thể quyết định mà các bên ngồi lại cùng bàn và Chính phủ cần cầm trịch việc này.
Chiều 26/4, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV- thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách hành chính của Thủ tướng) và Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) chia sẻ với báo chí một số thông tin liên quan kết quả khảo sát khả năng chống chịu của doanh nghiệp du lịch trong dịch Covid-19.
Chính phủ cần cầm trịch
Trả lời câu hỏi của báo chí về thời điểm mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký TAB khẳng định: “TAB ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về việc không hy sinh, không đánh đổi sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế”.
Ông Chính bày tỏ ủng hộ Chính phủ và các bộ, ngành đã có những giải pháp khống chế dịch hiệu quả, giảm thiểu lây lan ra cộng đồng. Nhờ đó, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới về kiểm soát đại dịch Covid-19.
Kết quả khảo sát về “Khả năng chống chịu của doanh nghiệp du lịch trong Covid-19” |
TAB đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan chú trọng xem xét làm thế nào để Việt Nam tái mở cửa biên giới một cách an toàn và bền vững.
Tuy nhiên, ông Chính lưu ý, chỉ mở cửa cho du lịch quốc tế khi chúng ta đã yên tâm. Điểm đến phải yên tâm rằng, du khách không mang mầm bệnh tới và du khách cũng phải yên tâm họ không bị lây bệnh khi du lịch nước ngoài hoặc nếu rủi ro thì sẽ được chi trả bảo hiểm. Đảm bảo an toàn cho đi lại và hạn chế được rủi ro gây lây nhiễm ra cộng đồng, đồng thời cho phép từng bước mở cửa cho việc đi lại mà không phải cách ly.
“Việc quyết định mở cửa khi nào và mở cửa như thế nào cho khách quốc tế vào Việt Nam thì một mình ngành du lịch không thể nói được. Quan điểm của chúng tôi là tất cả các bên cùng ngồi lại, cùng bàn, phải nhìn lợi ích của các bên chứng không chỉ nhìn lợi ích của ngành du lịch”, Trưởng Ban thư ký TAB nhấn mạnh.
Theo ông Chính, việc này cần lắng nghe, học hỏi các bài học tốt của các nước, trong đó có cả bài học thành công và bài học thất bại của họ. Ngoài ra, Việt Nam sẽ cần phải sáng tạo cách làm riêng sao cho phù hợp với năng lực của chúng ta, có hiệu quả, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cộng đồng, nhưng sẽ không gây khó khăn cho khách du lịch quốc tế.
Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, chắc chắn việc mở cửa đón khách du lịch nước ngoài là khao khát của ngành du lịch hiện nay. Bởi vì mở cửa sẽ giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm doanh thu, thậm chí không bị chậm chân so với các nước khác. Nếu chậm chân, bỏ lỡ cơ hội, khách quốc tế họ quen với thị trường du lịch các nước khác rồi thì không đến Việt Nam nữa.
“Tôi tin phải có sự tham gia của các bộ ngành, các chuyên gia, các bên cùng ngồi với nhau và việc này Chính phủ cần cầm trịch”, ông Chính nhấn mạnh.
Kỳ vọng mở cửa dần từ quý 3
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV thông tin thêm, trước khi có dịch Covid-19, doanh thu từ khách quốc tế chiếm khá lớn. Cho nên du lịch nội địa có cố đến mấy cũng chỉ nằm trong khung 30%, tích cực lắm cũng chỉ lên 50%.
“Đấy chính là bài toán mà chúng ta phải đặt ra như Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nói: “du lịch phải đi 2 chân”, một chân là làm tốt du lịch nội địa, một mặt phải đánh giá mọi cơ hội để mở cửa du lịch quốc tế”, bà Thủy phân tích.
Năm 2019 ngành du lịch đóng góp 9,2% GDP, có khoảng 2,2 triệu lao động trực tiếp ngành, nếu tính cả lao động gián tiếp thì có khoảng 4 triệu. Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế với tổng doanh thu 18,3 tỉ USD, chiếm 56% trong tổng doanh thu ngành du lịch. Nội địa đón 85 triệu khách, tổng doanh thu 14,5 tỷ USD, chiếm 44%. |
Bà Thủy cũng lưu ý thêm, thiệt hại ngành du lịch hiện nay không chỉ từ việc không có khách mà số chi phí vận hành để duy trì các cơ sở lưu trú rất lớn. “Có những doanh nghiệp mở mắt ra đã mất 1 tỷ để duy trì, vận hành hệ thống khách sạn của mình”, bà Thủy dẫn chứng.
“Trong ngành du lịch, các ông chủ khách sạn thường gọi các bất động sản của mình là “hao sản”. Cứ mỗi một thời gian không có khách vào là giảm bớt giá trị”, ông Chính nói thêm.
Theo ông Chính, thời gian mở cửa đón khách quốc tế cụ thể khi nào còn phụ thuộc nhiều vào sự chuẩn bị và năng lực đón khách du lịch quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh Covid-19; phụ thuộc vào chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở Việt Nam và ở các nước thị trường nguồn cho du lịch quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cũng kỳ vọng có thể bắt đầu mở cửa dần từ quý 3/2021 và mở nhiều hơn từ quý 4/2021.
Để chuẩn bị mở cửa cho du lịch quốc tế, theo ông Chính cần phải thành lập một nhóm hoặc tổ chức gồm nhiều chuyên gia từ các ngành khác nhau, từ Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao Du lịch… để bàn thảo và đưa ra tiêu chí mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Ông Chính cũng lưu ý, bất kỳ sự mở cửa cho du lịch như thế nào cũng cần phải an toàn và có lộ trình. Từ đó nhóm tư vấn đưa ra một số công việc cần chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Đó là phải tiến hành đàm phán song phương với từng nước mà đã đạt được các tiêu chí về an toàn dịch bệnh; đưa ra các chính sách an toàn dịch bệnh như yêu cầu hộ chiếu tiêm chủng; xét nghiệm PCR Covid-19 trước chuyến bay và kiểm tra khi đến.
Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound). Bảo hiểm Covid-19 nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến du lịch, cũng như kiểm tra, điều trị, sơ tán y tế và hồi hương …
Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu, bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch bệnh Covid-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định của pháp luật. Ngành du lịch cần xây dựng một quy trình đón và phục vụ khách du lịch an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, khuyến cáo tất cả nhân viên của khách sạn, nhà hàng, cũng như những người làm việc trong lĩnh vực du lịch và các điểm di sản, các địa điểm du lịch khác được vào danh sách ưu tiên tiêm vắc-xin…
“Chúng tôi khẳng định hoàn toàn không coi hộ chiếu vắc-xin là giải pháp duy nhất và quan trọng nhất. Đây chỉ là một trong các giải pháp đảm bảo an toàn. Hiện nay WHO cũng chưa thừa nhận hộ chiếu vắc-xin. Vì vậy, chúng tôi không mong muốn Chính phủ Việt Nam xem hộ chiếu vắc-xin là biện pháp an toàn duy nhất mà phải có cái nhìn tổng thể”, ông Chính nhấn mạnh.
Nguồn: vietnamnet