Nhằm gây sức ép lên nhóm các lãnh đạo dân chủ, quân đội Myanmar phát lệnh truy nã ông Sa Sa là đại diện quốc tế của Ủy ban đại diện chính phủ dân sự (CRPH) với tội danh phản quốc.

Quân đội Myanmar phát lệnh bắt đại diện nhóm chính phủ dân sự về tội phản quốc - Ảnh 1.

Ông Sa Sa bị cáo buộc tội phản quốc khi kêu gọi trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar 

Đài truyền hình quốc gia Myanmar MRTV ngày 17-3 cho biết, ông Sa Sa bị cáo buộc phản quốc theo luật hình sự khi làm đại diện cho CRPH.

Theo quân đội Myanmar, ông Sa Sa đã kích động các đại sứ quán Myanmar ở nước ngoài tham gia phản đối chính quyền quân sự và kêu gọi quốc tế trừng phạt các thủ lĩnh quân đội nước này. Cụ thể, ông Sa Sa bị cáo buộc đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ quy tắc Trách nhiệm bảo vệ (R2P), và thảo luận với các nhóm vũ trang để bàn việc lật đổ chính quyền quân sự.

Tờ Irrawaddy cho biết hơn 20 nhà ngoại giao Myanmar tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Na Uy và Thụy Sĩ đã tuyên bố sẽ không làm việc cho quân đội sau khi lực lượng này trấn áp mạnh tay biểu tình khiến nhiều người chết.

Sau cuộc đảo chính ngày 1-2, nhiều nghị sĩ, bao gồm các thành viên được bầu của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), đã thành lập CRPH để lên án chế độ quân sự đang nắm quyền tại Myanmar và kêu gọi người dân biểu tình.

Ủy ban đã có nhiều tuyên bố sau khi thành lập nhưng phong trào biểu tình hầu như không có thủ lĩnh, các hoạt động hằng ngày do các nhà hoạt động tại địa phương tổ chức.

Hội đồng Quản lý nhà nước của quân đội khẳng định việc thành lập CRPH được xem là “hành động phản quốc”, và sẽ nhận mức án tối đa 22 năm tù.

“Tôi tự hào khi bị quân đội buộc tội phản quốc, bởi vì phản lại chính quyền quân sự nghĩa là tôi đứng về phía người dân”, ông Sa Sa nói.

Myanmar rơi vào hỗn loại sau khi quân đội đảo chính ngày 1-2, bắt giữ nhiều lãnh đạo của chính quyền dân cử, trong đó bao gồm cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối đảo chính và yêu cầu thả các lãnh đạo bị bắt.

Cảnh sát và binh lính Myanmar đã dùng hơi cay, đạn cao su và đạn thật để đàn áp các cuộc biểu tình diễn ra hằng ngày. Theo số liệu Liên Hiệp Quốc xác thực, kể từ đảo chính quân sự ngày 1-2, đã có 149 người chết trong các cuộc trấn áp người biểu tình, tính đến ngày 16-3.

Nguồn: tuoitre.vn

 

Từ khóa : chính phủ dân sựmyanmarphản quốcquân đội

Các tin liên quan đến bài viết