Ngoài Foxconn vừa được cấp phép để làm nhà máy tại Bắc Giang sản xuất, gia công iPad, MacBook cho Apple, nhiều công ty khác cũng đang dành sự chú ý nhiều hơn tới Việt Nam.
Trung tâm sản xuất mới
EIU nhận định rằng Việt Nam đã trở thành “trung tâm mới cho sản xuất giá rẻ trong chuỗi cung ứng châu Á”.
Báo cáo của EIU cho rằng những yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn các quốc gia khác nằm ở lực lượng lao động giá rẻ đông đảo, sự nở rộ của các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian gần đây, cũng như các ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam dành cho doanh nghiệp ngoại đầu tư cơ sở sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại đây.
EIU đánh giá Việt Nam ghi điểm cao hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc trong chính sách về FDI. Ngay cả về mặt thị trường lao động, Việt Nam cũng ghi điểm cao hơn Ấn Độ trong khi dân số của chúng ta là 97,34 triệu người và bạn là khoảng 1,38 tỉ người.
VN cần tiếp tục cải cách
Trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, ông Jeounghoon (Jacky) Kang, giám đốc 3M Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp và giới đầu tư còn đánh giá cao Việt Nam nhờ thành công trong công tác chống dịch.
“Chỉ riêng về các chính sách và quyết định đúng đắn trong kiểm soát dịch bệnh, các doanh nghiệp đã có thể phát huy thế mạnh của mình, linh hoạt thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với trạng thái bình thường mới của kinh tế Việt Nam” – ông Kang cho biết.
Dù vậy, giám đốc 3M Việt Nam cảnh báo những thay đổi trong chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam còn khá phức tạp. Tuy các chính sách hỗ trợ cần được triển khai nhanh và kịp thời hơn nữa, ông cho rằng Chính phủ Việt Nam không nên chỉ dồn hỗ trợ thành một gói lớn.
Vì phía trước còn nhiều bất định, “cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững, cũng như thông tin kịp thời… để doanh nghiệp bắt kịp cơ hội tiếp cận và đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp” – ông Kang nhấn mạnh.
Về điểm này, 3M kiến nghị Việt Nam “củng cố các nguyên tắc kế toán nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu càng nhanh càng tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng và quá trình cổ phần hóa diễn ra thuận lợi”.
Khắc phục tình trạng doanh thu tăng vẫn lỗ…
Theo báo cáo từ đầu tháng 1 của Bộ Tài chính, một số doanh nghiệp FDI có đóng góp chưa cân xứng cho nền kinh tế Việt Nam so với những ưu đãi họ được hưởng. Bộ Tài chính ghi nhận một số doanh nghiệp có “tổng doanh thu vẫn tăng nhưng nộp ngân sách nhà nước lại giảm”.
Ông Jeounghoon Kang cho rằng muốn thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển, các nước được đầu tư cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng và chặt chẽ để đảm bảo được lợi ích của cả nhà đầu tư cũng như lợi ích lâu dài cho chính mình.
Trước việc dịch chuyển chuỗi đầu tư, cung ứng, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa khả năng hấp thụ đầu tư, tăng cường đào tạo công nhân lành nghề, nhân lực có chất lượng cao.
Tăng kết nối với doanh nghiệp Việt
Tại một nhà máy có nhận được sự hỗ trợ của Samsung Việt Nam để tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Bộ Công thương cho hay đang chủ động phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp (DN) FDI đa quốc gia để tăng cường kết nối các DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Tính đến hết năm 2020, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 DN năm 2018 lên 50 DN. Số nhà cung ứng cấp 2 cũng đạt tới 191 DN.
Thêm doanh nghiệp vào chuỗi toàn cầu
“Chúng tôi đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng cường cơ hội hợp tác giữa DN Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia” – đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay.
Tập đoàn Samsung khẳng định với Tuổi Trẻ rằng trong chiến lược phát triển của mình, Việt Nam đóng vai trò quan trọng không chỉ trong sản xuất mà còn với các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Samsung đang xây dựng trung tâm R&D với quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội với quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD.
Sau khi mở nhà máy lớn ở Việt Nam, Samsung đã chủ động đi kết nối và hỗ trợ các DN Việt để nâng cao năng lực hoặc trở thành nhà cung ứng cho họ.
Đại diện của Samsung Việt Nam cho hay các chương trình tư vấn cải tiến sản xuất, chất lượng do chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn đã được thực hiện từ năm 2015, tư vấn cho 260 DN, giúp tăng năng suất lên 30%, thậm chí có DN tăng đến 90%.
Nhiều hoạt động triển lãm, hội thảo về công nghiệp phụ trợ được tổ chức thường niên hằng năm có mục đích để tìm kiếm, kết nối DN nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với Panasonic, một hãng điện tử lớn của Nhật Bản, ông Morita Ken – giám đốc phụ trách nhân sự, kế hoạch, pháp chế, truyền thông và công nghệ thông tin của Panasonic Việt Nam – cho hay có 5 ngành sản xuất kinh doanh chính thì tại Việt Nam có 4 công ty hoạt động trong 4 lĩnh vực. Đến nay, tỉ lệ nội địa hóa của Panasonic đã đạt khoảng 30%.
Doanh nghiệp phải nỗ lực
Hiện đang là nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung và cung ứng linh kiện cho một số tập đoàn đa quốc gia như Brother (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan), ông Bùi Minh Hải – chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (sở hữu Công ty An Trung Industries thuộc Tập đoàn An Phát Holdings) – cho hay con đường để trở thành DN có khả năng cung ứng linh kiện nhựa kỹ thuật cao, An Trung phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Công ty đã đầu tư máy gia công cỡ lớn để có thể gia công những chi tiết lớn lên đến 5m. Song song máy gia công khuôn, công ty đầu tư máy đúc nhựa để sản xuất những linh kiện, các thiết bị phụ trợ như máy đo 3D cỡ lớn… Đồng thời cũng phải xây dựng hệ thống quản lý sâu sát đến từng bộ phận nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nhấn mạnh việc ngăn ngừa lỗi…
Cùng với sự đầu tư mở rộng của nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực điện tử, công nghệ… chuỗi cung ứng linh phụ kiện nhưng cũng dần được hình thành trong đó có sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn