Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là một quyết sách chính trị kiên quyết và mẫn cảm, vượt lên những cảnh báo đó, có ý nghĩa đột phá mang tầm chiến lược thực thi toàn bộ quyết sách xây dựng Đảng do Đại hội XII của Đảng quyết định, trong tình hình mới.
Xét tổng thể, quyết sách chính trị lần này của Đảng không chỉ tiếp tục giải quyết những vấn đề thực tiễn nóng bỏng, không thể lùi bước, mang ý nghĩa sinh tử đối với Đảng, sự tồn vong đối với chế độ, thách thức trước Đảng cầm quyền, được đặt ra từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, mà còn đặt nền móng kiến tạo và phát triển những vấn đề lý luận cơ bản về khoa học xây dựng Đảng đặt ra từ Đại hội XII, hợp thành chỉnh thể hoàn bị khoa học về Đảng, đó là: Cùng với xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cần coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức trong bối cảnh hiện nay và tương lai.
1- Tự đổi mới, tự chỉnh đốn ngang tầm trọng trách lịch sử
Xác định nội hàm trên nhằm phát triển liên tục và bền vững, để Đảng tiếp tục xứng đáng hơn “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, “đứa con nòi của giai cấp lao động”…
Là một “cơ thể sống”, việc không ngừng xây dựng, chỉnh đốn của Đảng là công việc tự nhiên, nếu tự mình muốn phát triển và trưởng thành. Với tư cách là một đảng, ngay từ lúc chưa cầm quyền và hiện nay là một đảng cầm quyền, công việc đó càng tự nhiên, càng có vai trò quyết định trước trách nhiệm lịch sử dân tộc đã tin cậy và trao cho, để ngày càng xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, là “đứa con nòi của giai cấp lao động”.
Ảnh minh họa. |
Nhìn lại lịch sử hơn 87 năm của Đảng, qua 5 lần vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có thể nói, chưa lần nào như cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này, xét cả tầm vóc, quy mô, tính chất, chiều sâu và ý nghĩa của nó.
Xã hội xã hội chủ nghĩa mà dân tộc đang xây dựng, dưới ngọn cờ của Đảng, như Ph.Ăng-ghen từng nói, “không phải là cái gì đó nhất thành, bất biến, mà cũng như mọi chế độ xã hội khác, nó cần phải được xem xét như một xã hội được thay đổi và cải tạo thường xuyên”. Là người lãnh đạo sự nghiệp đó, một cách tự nhiên, Đảng không thể không tự đổi mới, tự chỉnh đốn ngang tầm trọng trách lịch sử dân tộc giao phó, nếu không, Đảng sẽ tự tụt hậu, không xứng đáng là người lãnh đạo.
Vì vậy, hơn 87 năm trong lịch sử của mình, Đảng ta đã 5 lần tiến hành chỉnh đốn lớn và không dưới 30 lần chỉnh đốn nội bộ mình và trên từng phương diện lãnh đạo đối với xã hội. Lần này, với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Đảng ta tiếp tục chỉnh đốn lớn, không chỉ về quy mô mang tầm chiến lược, mà còn giải quyết những vần đề về tính chất, mức độ ở những “tầng chìm thực thể” rất tinh tế nhưng nguy hiểm, về nhận diện và tẩy trừ các “căn bệnh” trong Đảng. Nếu không đủ bản lĩnh, không thể và không dám làm. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là dấu hiệu của một đảng mạnh.
Từ nghị quyết Hội nghị trung ương 4 khóa XII, lần đầu tiên, trong tầm vóc và ý nghĩa của một nghị quyết Trung ương, Đảng ta không chỉ định hướng, định tính mà còn định lượng, định danh 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Các quyết nghị của Đảng trước đó, dù đặt ra nhưng vẫn còn, hoặc chừng mực, hoặc dang dở. Đó là bước tiến mới về nhận thức và tổ chức thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng qua Nghị quyết lần này. Nó khắc phục tình trạng chung chung, phiếm chỉ, thậm chí né tránh khi bàn, nhất là công khai về những thói tệ, bệnh làm tổn hại vị thế, vai trò, năng lực và uy tín của đảng cầm quyền. Điều cần ghi nhận hơn, đó là sự đổi mới đột phá về phương pháp khoa học phát triển lý luận xây dựng Đảng ở tầm mức mới, như Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “… Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” và “nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đáp ứng yêu cầu mới”.
Xin được nhấn mạnh quan điểm đổi mới toàn diện và đồng bộ của Đại hội XII so với Đại hội VI của Đảng: Đó là đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới kinh tế, với khâu đột phá là đổi mới tư duy.
Với tư cách là người khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng lĩnh nhiệm về mình trọng trách to lớn, nặng nề của lịch sử, chịu trách nhiệm trước hết đối với dân tộc về vị thế, tầm vóc và sức mạnh của đất nước, bởi nghiêm túc nhìn nhận, trên nhiều phương diện lãnh đạo công cuộc đổi mới trong thời kỳ mới, Đảng chưa ngang tầm nhiệm vụ, do vậy cấp bách đòi hỏi phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn mình một cách nghiêm khắc và thành tâm, nhằm hóa giải không ít nguy cơ có ý nghĩa sinh tử đối với chế độ, thành bại đối với đất nước và sự tồn vong đối với Đảng.
Vấn đề quan trọng bậc nhất “đo lường” tính hiện thực và sức sống của một nghị quyết cấp ủy, với tư cách là một quyết sách chính trị, nằm ở tính hiện thực hóa, vì nó là cương lĩnh hành động chính trị. Vì Đảng là tổ chức chính trị hành động chứ không phải là câu lạc bộ. Điều đó góp phần lý giải vì sao số nghị quyết của cấp ủy các cấp chúng ta có khả năng hiện thực hóa chiếm tỷ lệ không như mong muốn, phần nào làm giảm uy tín chính trị của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII là cương lĩnh khắc phục điều đó; đã kết tinh ở đó không chỉ là tầm nhìn chính trị, quyết tâm chính trị, mà ở khả năng tổ chức hành động chính trị và hiệu quả chính trị; không chỉ ở định hướng, định tính mà còn định lượng và định vị vấn đề; không chỉ nhận diện vấn đề ở tầm vóc, chiều sâu mà còn giải quyết vấn đề cả chiến lược và sách lược một cách hiện thực, khả thi. Nó cung cấp không chỉ về nhận thức mà quan trọng nhất là phương pháp, giải pháp và cách thức xử lý vấn đề đặt ra. Đây là điều quan trọng nhất, xứng đáng là một quyết nghị chính trị bàn về công việc xưa nay khó nhất đối với Đảng, để không chung chung, trừu tượng; không đao to búa lớn, mà cụ thể, sinh động: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ tổ chức tới mỗi cán bộ, đảng viên.
Ở mỗi thời kỳ, nhất là ở những bước ngoặt của lịch sử, hay bước ngoặt trong sự phát triển và trưởng thành của Đảng, công việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn là lẽ thường, liên tục và thậm chí là những quyết sách đụng chạm tới toàn Đảng, không trừ một cấp bộ nào, không trừ một ai, nếu muốn Đảng xứng đáng với vị trí mà Đảng đang giữ, công việc mà Đảng đang toàn lực tiến hành, cao hơn hết là trách nhiệm lịch sử mà Đảng được dân tộc giao cho. Đó là pháp lý và đạo lý của Đảng hiện nay.
2 – Đột phá vấn đề rất cơ bản và thời sự: Vấn đề đạo đức
Qua các kỳ đại hội, công tác xây dựng Đảng được thực thi trên ba phương diện: Về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức.
Nhìn lại 5 năm trước, kể từ năm 2012, từ những kết quả bước đầu trong thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cho thấy, khi Đảng ta giữ vững được bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng gương mẫu đi đầu, thì niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được giữ vững, củng cố và tăng cường; sức mạnh của cách mạng nước ta vì thế mà được khơi nguồn, giữ gìn và phát huy cao nhất.
Đồng thời, trước những trọng trách mới và thách thức hiện nay, thực tiễn đã và đang cảnh báo những nguy cơ hiện hữu, những tổn thất khôn lường đe dọa vận mệnh đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và sức sống của Đảng. Đó là tệ tham nhũng, lợi ích nhóm tiêu cực, tư duy nhiệm kỳ, tệ lãng phí và tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch; lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước bị giảm sút; khối đại đoàn kết toàn dân tộc bị xâm hại… Sức mạnh nội sinh của cách mạng Việt Nam, của dân tộc, tầm vóc và sự ảnh hưởng của đất nước ta, vì thế cũng bị xâm hại. Khi Đảng cầm quyền, quyền lực ở nơi này, người kia đang bị tha hóa, bởi những cá nhân được trao quyền, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Khi lòng dạ họ không còn trong sáng nữa, họ không thường xuyên tự tu dưỡng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng…”, làm cho tình hình phức tạp, vị thế chính trị, vai trò lãnh đạo và uy tín chính trị của Đảng bị xâm hại. Nếu buông lơi vấn đề xây dựng đạo đức trong Đảng sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Thực tiễn đó cấp bách đòi hỏi, thách thức và nghiêm khắc yêu cầu, để Đảng tiếp tục xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thì việc xây dựng Đảng không thể không thực thi vấn đề đạo đức một cách ngang tầm và xây dựng Đảng về phương diện đạo đức phải là một trong những lĩnh vực cơ bản, đồng thời là một trong những giải pháp chủ yếu, quan trọng để xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch, củng cố và tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết nhân dân, đoàn kết quốc tế, trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát triển và nhân lên sức mạnh nội sinh của cách mạng nước ta.
Đại hội XII của Đảng quyết định bổ sung vấn đề “đạo đức”, cùng với ba phương diện trên, hợp thành mục tiêu bao trùm toàn bộ công tác xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Tháng 10-2016, nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là sự tiếp tục tự nhiên vấn đề cơ bản đó, đáp ứng nhu cầu phát triển tự nhiên đó.
Với vị thế Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân và của dân tộc, do vậy, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng và sức mạnh nội sinh của cách mạng, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng ngang tầm mục tiêu chính trị của dân tộc, của đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây không chỉ là lý tưởng chính trị, là chuẩn mực đạo đức cao nhất trước hết cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng, mà còn phải là suy nghĩ và hành động-hành động chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên. Đây không chỉ là trọng trách lịch sử “là người lãnh đạo” mà còn là lương tri, là đạo lý của Đảng “vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân”, “đứa con nòi của giai cấp lao động” Việt Nam.
(Còn tiếp)