“Chúng ta bỏ quên đường thủy, đường sắt trong phát triển hạ tầng giao thông”, đại diện một doanh nghiệp nói.

Phát biểu tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/11, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty MP Logistics, cho biết: Logistics đang phát triển 14-16%/năm nhưng tới đây sẽ tăng hơn nữa với các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký.

Theo bà Phương, chi phí trong ngành logistics còn cao nên cần có biện pháp cắt giảm. Ở góc độ vi mô, bà Phương chỉ ra thực tế là các DN Việt Nam có văn hóa tự làm hết tất cả mà không sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Trong khi đó, các DN FDI luôn luôn sử dụng dịch vụ thuê ngoài nên chi phí thấp hơn DN Việt Nam rất nhiều.

“Có nghĩa là họ dùng chung các phương tiện hạ tầng, nguồn nhân lực của doanh nghiệp logistics, nhờ đó giảm được giá thành sản xuất kinh doanh. Còn DN Việt tự làm tất cả, ngay cả xe tải cũng tự đầu tư, tự vận hành. Đó là một trong những yếu tố đẩy chi phí tăng cao”, bà Phương nhận định.

Bắc tới Nam hơn 2.000 km mà bỏ quên đường biển, đường sắt
Đường sắt Việt Nam lỗi thời, lạc hậu.

Từ kinh nghiệm của mình, bà Phương thấy rằng việc sử dụng vận tải đường biển chưa cao, 80% vẫn sử dụng vận tải đường bộ trong khi Việt Nam có đường bờ biển dài. Ngoài ra, việc kết nối hạ tầng giao thông giữa đường thủy, đường bộ, đường sắt còn hạn chế.

“Chúng ta bỏ quên đường thủy, đường sắt trong phát triển hạ tầng giao thông”, đại diện doanh nghiệp logistics chia sẻ.

Theo bà Stefanie Stallmeister – Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khảo sát của LPI năm 2018 cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có mức phí và lệ phí cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ví dụ, 80% DN tham gia khảo sát nói rằng Việt Nam có tỷ lệ vận tải đường bộ cao hoặc rất cao. Tương tự, 40% người trả lời khảo sát cho biết Việt Nam có phí cảng và sân bay cao, hoặc rất cao. Chi phí vận tải đường bộ đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, nơi hầu hết hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ giữa Bắc và Nam.

Việt Nam cũng bị xếp hạng thấp về hiệu quả của cảng biển và xếp thứ 83 trong số 141 quốc gia về hiệu quả của dịch vụ cảng biển, và xếp thứ 103 về hiệu quả của dịch vụ vận tải hàng không và chất lượng cơ sở hạ tầng đường bộ trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: Tính chung trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, bưu chính, chuyển phát, thị trường logistics Việt Nam đang thu hút trên 30.000 DN. Trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường bộ và đường ống (59,02%), tiếp đó là doanh nghiệp kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải (33,26%), còn lại là doanh nghiệp vận tải đường thủy (5,27%), vận tải hàng không (0,02%) và doanh nghiệp bưu chính chuyển phát (2,34%).

Theo Bộ trưởng Công Thương, mặc dù có nhiều tiến bộ, doanh nghiệp logistics vẫn gặp nhiều khó khăn do một số quy định còn chồng chéo, những thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn.

Bắc tới Nam hơn 2.000 km mà bỏ quên đường biển, đường sắt
Giảm chi phí logistics là yêu cầu tiên quyết để phát triển ngành này.

Giải thích chi phí dịch vụ còn cao, Bộ trưởng Công Thương chỉ ra nhiều nguyên nhân như: hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động, hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt,…

Theo ông Trần Tuấn Anh, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFA và sắp tới là RCEP sẽ tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và của nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, giảm được chi phí các yếu tố đầu vào bởi được chuyển giao công nghệ và nhập khẩu các yếu tố đầu vào rẻ hơn theo các điều kiện ưu đãi.

Nhận thức rõ vai trò của ngành logistics, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu rất cụ thể đổi với ngành dịch vụ quan trọng này, trong đó có yêu cầu phải giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế.

“Muốn vậy, cần phát triển logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin”, Phó Thủ tướng nói.

Cụ thể, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.

“Bộ GTVT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải và logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Doanh Nghiệp Vận Tảiđường sắtlạc hậulogistics

Các tin liên quan đến bài viết