Hết quý III phải tạm tính, tạm nộp thuế TNDN quý IV và cả năm không nhận được sự đồng tình của chuyên gia, DN. Trong lúc khó khăn vì Covid, nhiều DN sắp chết cần hỗ trợ thì quy định này dường như không quan tâm thực tế đó. 

Đề nghị giữ nguyên quy định cũ nhưng không được tiếp thu

Trao đổi với PV. VietNamNet, một thành viên Hội kế toán hành nghề Việt Nam (VICA) cho biết khi Nghị định 126 vẫn còn đang ở dạng dự thảo và lấy ý kiến, VICA đã có văn bản gửi cơ quan soạn thảo chỉ ra điểm bất hợp ý của quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời điểm đó, cơ quan soạn thảo dự kiến xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp theo quý.

“Nhưng chúng tôi đề nghị giữ nguyên như quy định cũ là hết quý IV doanh nghiệp mới xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải tạm nộp”, vị này nói.

Đại diện VICA nói thêm: “Sau lần góp ý đó, chúng tôi không nhận được đề nghị góp ý nào cho dự thảo này nữa. Thông thường, các văn bản dự thảo được gửi lấy ý kiến nhiều lần, nhưng lần này chúng tôi khá ngạc nhiên khi chỉ nhận được đề nghị góp ý 1 lần và sau đó Nghị định 126 được ban hành với quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm”.

Tiền chưa có vẫn phải ứng nộp thuế, đã khó khăn lại thêm gánh nặng

Doanh nghiệp đang chật vật để hồi phục, không nên tạo thêm gánh nặng.

“Số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp là 75% như tại Nghị định 126 hay 80% như quy định cũ không quan trọng. Quan trọng là việc hết quý III doanh nghiệp đã phải tạm tính và tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của quý IV là không hợp lý, vì doanh nghiệp khó có thể dự báo được doanh thu thế nào để ước tính con số sát, để không bị tính tiền chậm nộp”, đại diện VICA nói và cho rằng, nếu không thể nghĩ ra được quy định nào tốt hơn cho doanh nghiệp thì nên giữ nguyên như quy định cũ.

Đại diện một doanh nghiệp khác khi nhắc đến quy định này chỉ thốt lên: “Trên thế gian này có quốc gia nào đánh thuế đối với thu nhập trong tương lai không? Thuế Thu nhập doanh nghiệp đánh trên thu nhập chịu thuế, chưa biết có thu nhập hay không thì lấy đâu ra để đánh thuế. Cho nên Luật gọi là thu nhập tạm tính, mà đã là ‘tạm’ thì có trúng có sai chứ, sao lại bắt doanh nghiệp phải chịu tiền chậm nộp?”.

Hơn nữa, trong môi trường kinh doanh biến động, có thể có trường hợp kết quả kinh doanh trong quý 4 không tốt, làm kết quả kinh doanh cả năm thấp hơn kết quả kinh doanh lũy kế đến hết quý 3.

Như vậy, kể từ thời điểm 30/10 hàng năm, doanh nghiệp đã nộp thừa thuế và Nghị định 126 hiện tại không có cơ chế để doanh nghiệp nhận lại số thuế tạm nộp đã nộp thừa. Doanh nghiệp phải bù trừ số thuế nộp thừa với các nghĩa vụ thuế của năm sau, hoặc chờ 6 tháng không phát sinh nghĩa vụ thuế mới được xin hoàn theo các thủ tục phức tạp.

Không nên tạo thêm gánh nặng lên doanh nghiệp

Giám đốc một doanh nghiệp làm dịch vụ kế toán cho hay: Quý 3, doanh nghiệp chưa thể xác định được việc sản xuất kinh doanh của quý 4 đâu mà tạm nộp. Nếu bỗng nhiên quý 4 có một đơn hàng doanh thu 100 tỷ, lẽ nào doanh nghiệp không nhận. Còn nếu nhận đơn hàng đó thì chắc chắn làm doanh thu tăng vọt lên, như vậy doanh nghiệp sẽ đối mặt rủi ro bị tính tiền chậm nộp. Điều này là hết sức vô lý, trái với mọi khía cạnh của đời sống kinh tế.

“Cơ quan soạn thảo nghĩ rằng doanh nghiệp có thể tính được kế hoạch sản xuất kinh doanh. Thực tế doanh nghiệp nào cũng có kế hoạch kinh doanh, nhưng thực hiện được hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, có yếu tố nằm ngoài mọi dự đoán của doanh nghiệp. Dịch Covid-19 vừa qua là ví dụ. Cho nên, cần áp dụng như quy định cũ, hết quý 4 mới xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp”, lãnh đạo doanh nghiệp này kiến nghị.

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ) – chia sẻ: Quy định này đúng là gây khó cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện nay đưa ra quy định như vậy là không đúng thời điểm. Các doanh nghiệp đang cố gắng phục hồi, duy trì sau khi gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, quy định đó sẽ khiến doanh nghiệp thêm nỗi lo. Họ không thể biết việc phục hồi sản xuất kinh doanh như thế nào để tính được doanh thu của quý 4.

“Do đó, việc tính tiền chậm nộp như trên không phù hợp trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang rất khó khăn. Điều này cũng đi ngược lại cố gắng gần đây của nhiều cơ quan về hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp”, bà Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : doanh nghiệpnghị đinh 126nộp thuếthuế giá trị gia tăngthuế thu nhập doanh nghiệp

Các tin liên quan đến bài viết