Dự kiến hôm nay 9-11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ trả lời trước Quốc hội về vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chất vấn ở Quốc hội: Thách thức quy hoạch giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

Học sinh Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành tiện CNC

Có 5 nguyên nhân để có thể nhận định quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp là một thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay mà riêng một bộ khó có thể giải quyết được.

1. Trên bình diện quốc gia, không thể tách riêng quy hoạch lĩnh vực thuộc một bộ phụ trách quản lý mà không chú ý đến quy hoạch khác thuộc hệ thống. Muốn quy hoạch tốt thì phải chủ động hay dự báo được nhu cầu đầu vào và thông tin nhu cầu ở đầu ra.

Nhưng giáo dục nghề nghiệp không chủ động được do đầu vào học sinh thuộc giáo dục phổ thông, mà mạng lưới trường phổ thông thì do ngành giáo dục chịu trách nhiệm. Ngành giáo dục mở toang giáo dục phổ thông thì còn đâu chuyện học nghề sau THCS.

Tương tự, các trường đại học thực hiện tự chủ trong bối cảnh nhu cầu người học vẫn cao, thách thức cho tuyển sinh đầu vào giáo dục nghề nghiệp. Trong 3 dòng chảy: giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, bất cứ dòng chảy nào được mở rộng, khơi thông thì sẽ ảnh hưởng đến hai dòng chảy kia. Nói cách khác, tính đồng bộ và hệ thống trong quy hoạch bị mất đi, về bản chất quy hoạch sẽ trở nên quan liêu.

2. Bộ LĐ-TB&XH cũng khó xử khi các trường trung cấp và cao đẳng trực thuộc bộ ngành chủ quản đóng tại các địa phương, gây nên sự chồng chéo về ngành nghề đào tạo, dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai và con người. Còn quản lý theo kiểu bộ ngành chủ quản thì còn có nhiều lợi ích cho nhóm người nào đó về đầu tư và các lợi ích khác tế nhị.

3. Năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương rất yếu và không đủ sức tham mưu cho lãnh đạo địa phương triển khai quy hoạch hiệu quả. Chẳng hạn, tỉnh Nam Định “nhét” 7 trường trung cấp và cao đẳng vào một trường cao đẳng đa ngành và đưa một hiệu trưởng trường trung cấp nghề về làm hiệu trưởng.

4. Về công tác dự báo nhu cầu nhân lực, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết chỉ dự báo được nhu cầu ngắn hạn, còn nhu cầu dài hạn đang làm. Về lý thuyết người ta nói phải dự báo được cầu để có cung nhưng thực tế không như vậy, vì rất ít quốc gia có được dự báo nhu cầu nhân lực dài hạn.

Bản thân các doanh nghiệp còn không biết được mình sẽ sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm gì, thị phần là bao nhiêu, ở đâu… trong 5 năm tới thì ngành lao động rất khó dự báo theo ngành kinh tế để quy hoạch về quy mô theo ngành.

Tuy nhiên, dự báo nhu cầu kỹ năng có thể dự báo được, vì thế cần chú ý vào chương trình đào tạo và ngành nghề để đào tạo theo nhu cầu kỹ năng 5-10 năm tới. Điều này sẽ căn cứ vào định hướng chiến lược phát triển kinh tế của Đảng để hướng đến những ngành kinh tế nào được ưu tiên phát triển theo các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hay kinh tế số.

5. Xu hướng huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục nghề nghiệp sẽ phát triển và khó dự báo thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, cá nhân) đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp. Tư nhân hóa giáo dục nghề nghiệp mạnh hơn sẽ mang lại cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp năng động thích ứng nhanh với nhu cầu nhân lực trong bối cảnh thị trường nhiều biến động do nền kinh tế năng động mang lại.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Bài toán quy hoạch là bài toán có đặc điểm kinh tế, chính trị, văn hóa… không chỉ bó gọn trong một lĩnh vực hẹp như giáo dục nghề nghiệp. Điều đó đòi hỏi phải có tính toán hết sức khoa học, quán triệt sâu sắc nghị quyết 19 Hội nghị T.Ư lần thứ 6, khóa XII và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương cùng Chính phủ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chất vấngiáo dục nghề nghiệpQuốc hộiquy hoạch

Các tin liên quan đến bài viết