Với 16 năm học tập, làm việc tại Nhật Bản, tôi cho rằng Sở Du lịch TP.HCM nên mở kho dữ liệu thống kê cho các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, các công ty du lịch và cả các start-up trong ngành du lịch.
Việc đầu tiên của đầu tiên khi muốn suy nghĩ về xây dựng, phát triển, cải tiến hiện trạng du lịch là phải nắm rõ được nhu cầu của khách du lịch, trong trường hợp này là người dân TP.HCM.
Trong thời gian 10 năm, 5 năm vừa qua, người dân thành phố đã đi những đâu, sử dụng những dịch vụ du lịch như thế nào, cách đi, đi với ai, tiêu tiền cho việc gì, tìm kiếm những trải nghiệm gì từ các chuyến du lịch – từ du lịch tự túc đến du lịch theo tour, du lịch cá nhân hay du lịch với gia đình, bạn bè, hoặc với người yêu, vợ chồng.
Thông thường, khách muốn tìm kiếm một không gian/thời gian khác biệt với không thời gian thường ngày của họ. Đó có thể là biển, rừng, cắm trại, khu resort, nghỉ dưỡng… Cũng có thể là trải nghiệm không khí của nông thôn, của tự nhiên, được hít thở không khí trong lành, có thể ngắn ngày hoặc dài ngày.
Nếu Sở Du lịch TP.HCM có dữ liệu thống kê này, việc để mở kho dữ liệu này cho các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các công ty du lịch và cả các start-up trong ngành du lịch được tiếp cận là rất quan trọng.
Dù cho mục đích gì, thời gian bao lâu, điều tối thiểu mà mọi du khách đều mong muốn có là những trải nghiệm không đem đến cho họ sự bực mình, khó chịu. Họ muốn có những kỷ niệm đẹp, đầy đủ cung bậc của cảm xúc hạnh phúc.
Những nhu cầu cơ bản nhất phải được đáp ứng đầy đủ để du khách cảm thấy thoải mái, có đầy đủ sức khỏe cho cả kỳ nghỉ của họ.
1. Món ăn phải ngon, hợp khẩu vị, hợp vệ sinh, với giá cả hợp lý. Khi cần, có thể tìm được nơi/món mình muốn ăn 1 cách nhanh nhất, phương tiện di chuyển dễ dàng, tiện lợi. Có nhiều hình ảnh, thông tin để xem xét, tham khảo.
2. Nơi ở sạch sẽ, tiện nghi, phù hợp với nhiều mức nhu cầu. Dịch vụ lịch sự, chu đáo, tận tâm. Để thúc đẩy nâng tầm dịch vụ tại địa phương, có thể tổ chức những chương trình đào tạo kết hợp cả online và offline cho đội ngũ tại địa phương để nâng cao năng lực, tầm của dịch vụ tại chỗ từ phía Sở Du lịch TP.HCM, từ các đơn vị chuyên nghiệp, và thậm chí từ cả các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.
3. Đa dạng trải nghiệm mang tính địa phương, vùng miền. Có thể tổ chức thu thập, đánh giá các nguồn tài nguyên du lịch của địa phương một cách bài bản, từ các làng nghề nhỏ, hoạt động văn hóa bản địa theo mùa, món ngon địa phương, trải nghiệm nông nghiệp (mùa lúa, mùa gieo mạ, mùa thu hoạch,…), thậm chí cả trải nghiệm về biến đổi khí hậu.
Sau khi đã có dữ liệu, cần huấn luyện, đào tạo để tạo thành các sản phẩm du lịch đủ chất lượng để triển khai tour, dán nhãn thương hiệu, đánh giá thường xuyên để duy trì chất lượng dich vụ, tránh phát triển manh mún, cá nhân dẫn đến loạn chất lượng.
4. Xây dựng cộng đồng du lịch của người địa phương, do người địa phương, vì người địa phương với những tiêu chí phát triển du lịch bền vững, gắn với cộng đồng, với kinh tế – xã hội của địa phương. Làm sao để gìn giữ, tôn vinh những nét văn hóa đẹp, nghề truyền thống tốt, giữ lại những tinh túy và loại bỏ những gì chưa tốt.
Cộng đồng phải mạnh, giao lưu thường xuyên trong nội bộ và bên ngoài để không ngừng nâng cấp chính mình.
Đổi mới, sáng tạo cách thức thực hiện, truyền bá sản phẩm du lịch nhưng vẫn luôn giữ được phần hồn của văn hóa, với mục tiêu xây dựng những con người biết yêu, tôn trọng và gìn giữ thiên nhiên.
Và điều quan trọng nhất là sau khi đã xây dựng được chiến lược lâu dài, phải kiên trì thực hiện một cách quyết tâm, mạnh mẽ, đồng thời phải liên tục cập nhật thông tin phản hồi từ phía khách hàng, người sử dụng dịch vụ, người cung cấp dịch vụ để có những thay đổi nhanh chóng, phù hợp.
Nguồn: tuoitre.vn