Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết tới tối nay (11/10) mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã khiến 30 người chết và mất tích.
17 người chết, trong đó Quảng Bình 1, Quảng Trị 6, Huế 3, Quảng Nam 3, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đăk Lăk 1, Lâm Đồng 1. Số người chết tăng 8 người so với báo cáo nhanh ngày 10/11.
Hiện vẫn còn 13 người mất tích, trong đó Quảng Bình 1, Quảng Trị 6, Huế 1, Đà Nẵng 4, Gia Lai 1, giảm 1 người ở Quảng Trị đã tìm thấy thi thể…
Tại Thừa Thiên Huế, hầu hết các tuyến đường tỉnh đã ngập sâu, tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn hạn chế đi lại. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập.
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế vào vùng lũ thăm hỏi bà con. |
Do ảnh hưởng của triều cường bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng qua xã Vinh Hải, Giang Hải, Phú Thuận, Phú Diên, Hải Dương.
Sở GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo cho học sinh các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà nghỉ học từ 12-13/10.
Tại Quảng Trị, mưa lũ 5 ngày liên tiếp đã làm 6 người tử vong, 6 người mất tích. Vùng đồng bằng, trung du, TP Đông Hà và các huyện lân cận có nhiều nơi bị ngập nặng.
Lũ trên các sông đều lên nhanh và đạt đỉnh ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, riêng sông Hiếu (tại trạm Thủy văn Đông Hà) vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983. Trên địa bàn tỉnh có 39.741 hộ với 122.364 người bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.
Tại Quảng Nam, vào lúc 19 giờ tối nay, Công ty Thủy điện Sông Tranh vận hành hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nhằm cắt, giảm lũ cho hạ du. Thông số điều tiết tại hồ vào lúc 13h chiều nay với mực nước hồ 164,63m, lưu lượng nước về hồ 2.932,41m3/s. Công ty Thủy điện Sông Tranh sẽ vận hành xả lũ với lưu lượng dự kiến 200 – 2.000m3/s.
Ba thuỷ điện A Vương, Sông Bung 4, Đak Mi 4 cũng đã xã lũ trước đó.
Hàng chục ngôi nhà tốc mái ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam. |
Tỉnh Quảng Bình có 15.000 nhà bị ngập lụt, nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng nghiêm trọng. Huyện Lệ Thủy bị ngập lụt nặng nhất với hơn 9.100 nhà bị ngập nước, huyện Quảng Ninh với trên 4.800 nhà.
Tại Quảng Ngãi, tính đến tối nay các tàu bị sự cố đã được khắc phục, hiện ngư dân và các tàu nêu trên đều an toàn.
Mưa lũ làm cho 8 người dân trong tỉnh bị thương, một ngôi nhà bị sập; 71 nhà bị tốc mái, hư hỏng… Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, nước lũ phong tỏa nên chính quyền địa phương cắt cử lực lượng canh gác, không cho người và phương tiện qua lại.
Tránh để xảy ra sự cố thuyền viên gặp nạn như ở Quảng Trị
Văn phòng thường trực BCĐ TƯ về phòng chống thiên tai chiều tối nay đã có công điện gửi các tỉnh, thành, bộ ngành liên quan.
Yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển.
Kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện, quản lý chặt chẽ ra khơi, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống.
Hướng dẫn neo đậu và có phương án bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đặc biệt với các tàu vận tải, tàu vãng lai, tránh để lặp lại các sự cố đáng tiếc như tại vùng biển Cửa Việt, Quảng Trị những ngày vừa qua.
Chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.
Đối với các tỉnh Bắc Bộ: Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công hoặc bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ động phương án vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, bảo đảm an toàn công trình và hạ du.
Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, cây trồng, vật nuôi. Sẵn sàng phương án tiêu thoát nước tại các khu vực trũng thấp, các khu đô thị, khu dân cư tập trung đề phòng xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn.
Đối với các tỉnh Trung Bộ: Tiếp tục triển khai nghiêm túc công điện của Thủ tướng.
Nguồn: vietnamnet