Tình yêu áo dài của chị Nguyễn Thị Hiền (khu phố 5, phường Long Phước, TX. Phước Long) bắt đầu từ năm chị vừa tròn 10 tuổi – lúc đó, gia đình có chị gái làm nghề may. Sở thích lớn dần và như một cơ duyên, khi vào Bình Phước lập nghiệp chị ở chung nhà với người chị dâu làm nghề may. Đến năm 2014, chị Hiền mạnh dạn mở tiệm may riêng để thỏa sức sáng tạo. Nghề chính là giáo viên, nghề phụ là thợ may nhưng từ lúc nào nghề phụ đã trở thành đam mê, cuốn hút chị Hiền không hay.

GÌN GIỮ VĂN HÓA MẶC CỦA DÂN TỘC

Áo quần là nhu cầu thiết yếu của con người nên may mặc được đánh giá là ngành nghề phù hợp với xu hướng mọi thời đại. Hơn nữa, lĩnh vực này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và sáng tạo nên khó có thể thay thế bằng công nghệ. Đó chính là lý do nghề may được xếp vào nhóm những công việc ít lỗi thời. Tùy vào khả năng tiếp thu cũng như năng khiếu của mỗi người mà thời gian hoàn thành 1 khóa học may sẽ dài, ngắn khác nhau. Thông thường 1 học viên may sẽ mất từ 3 đến 5 tháng để hoàn thành khóa học cắt may cơ bản và khoảng 1 năm để thành nghề.

 Nghề may áo dài cũng vậy. Theo chị Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng may Hiền Nguyễn và nhiều thợ may áo dài khác thì kiểu dáng áo dài trải qua các thời kỳ tuy có sự thay đổi nhưng về cơ bản vẫn được giữ nguyên. Muốn may 1 chiếc áo dài đẹp, quan trọng là khâu chọn chất liệu, màu sắc vải phù hợp vóc dáng từng người. Sau đó đo kỹ, cắt vải thật khéo, rồi may thật “mướt”. Chiếc áo dài khéo khi người mặc vừa vặn, không chùn, nhăn. Ngày nay, để bắt kịp xu hướng thời trang áo dài, nhiều người chọn mặc áo dài cách tân trẻ trung, năng động. Để phục vụ khách hàng tốt hơn, tiệm may áo dài Hiền Nguyễn còn bán kèm vải đa dạng mẫu mã, chất liệu để khách lựa chọn. Đồng thời, chị dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, cập nhật các kiểu dáng, họa tiết áo dài đang thịnh hành; đặt thợ làm phụ kiện đi kèm áo dài như các loại mấn truyền thống, hiện đại hay thêu áo, kết cườm.

Mẫu áo dài Thiên thanh (núi Bà Rá) là một trong 5 mẫu của bộ sưu tập di sản Phước Long được chị Nguyễn Thị Hiền tâm đắc

Nói về kỹ thuật cắt may trang phục áo dài, chị Hiền cho rằng, đường may rất khó học. Bởi vậy, không phải người thợ nào cũng đủ kiên nhẫn và tâm huyết để vượt qua khó khăn khi mới làm quen với nghề may áo dài. Mặc dù hiện nay nghề may đã có nhiều phương tiện hỗ trợ nhưng muốn áo dài mềm mại, thướt tha, có những công đoạn người thợ phải khâu tay để tạo được độ rũ cần thiết cho tà áo. Đây là kỹ thuật rất khó, phải mất nhiều thời gian mới học được. Vì vậy, áo dài luôn có sức hấp dẫn đặc biệt, vẫn được nhiều người ưa chuộng và đó cũng là điều kiện giúp nhiều thợ may sống ổn định với nghề.

VƯƠN TỚI THƯƠNG HIỆU “ÁO DÀI PHƯỚC LONG”

Để thỏa lòng đam mê với áo dài, tháng 2-2020, chị Hiền đăng ký khóa học nâng cao tay nghề online của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Trong thời gian tham gia khóa học, chị Hiền đã gặp và được trực tiếp hướng dẫn các công đoạn quan trọng để may áo dài, như nhìn dáng người, đo, cắt, may… mang phong cách đặc trưng của nhà thiết kế nổi tiếng này. Chính sự đầu tư này đã lần nữa thổi bùng đam mê trong chị, khiến những chiếc áo dài do chị may “có hồn” hơn và được nhiều khách hàng đánh giá cao. Chị Nguyễn Thị Diễm Trúc, một khách hàng may áo dài của Hiền Nguyễn cho biết: Mặc áo dài Hiền Nguyễn may, tôi rất tự tin. Mặc vô người rất thoải mái, vừa vặn và “có dáng” hẳn, tôn được điểm mạnh, che được điểm yếu của cơ thể. Tôi rất thích may áo dài ở địa chỉ này còn do chị Hiền chu đáo, tỉ mỉ và tư vấn khách thuyết phục.

“Tiếng lành đồn xa”, cửa hàng may áo dài Hiền Nguyễn ngày càng tấp nập khách, nhất là vào mùa tựu trường, hiến chương nhà giáo, mùa xuân… Mỗi mùa, chị đều cất công nghiên cứu, học hỏi để chọn vải, tìm đặt phụ kiện phù hợp và sáng tạo những kiểu dáng riêng, độc đáo phục vụ khách hàng. Cuộc thi áo dài đẹp qua ảnh vừa qua do Hội LHPN tỉnh tổ chức, thí sinh Trần Thị Thanh Vi đoạt giải khuyến khích (cá nhân) cũng đặt may áo dài tại Hiền Nguyễn để tham gia dự thi. Đặc biệt, chị Hiền đã hoàn thành bộ sưu tập “Áo dài – di sản Phước Long” để tham gia cuộc thi thiết kế áo dài Việt do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động. Bộ sưu tập gồm 5 mẫu mang tên Thiên thanh (núi Bà Rá), Tâm ngọc (viên ngọc quý của trung tâm thị xã Phước Long), Thạch thủy (vẻ đẹp của đá và nước thượng nguồn Phước Long), Khúc sen quê (kết đá pha lê trên áo dài) và Địa long thiên khúc (vùng đất thiêng Phước Long). Chị Hiền chia sẻ: Với mong muốn giới thiệu Phước Long đến với mọi người nên tôi sẽ cách điệu những danh lam thắng cảnh đặc sắc của quê hương Phước Long lên áo dài. Trong bộ sưu tập, mỗi mẫu sẽ có một thiết kế riêng về cổ, dáng áo, hình vẽ, phụ kiện… nên sẽ tạo ra những bức tranh riêng, chỉ có ở Phước Long. Tôi mong chờ kết quả cuộc thi để có thêm điều kiện quảng bá áo dài nói chung và áo dài mang thương hiệu Phước Long nói riêng.

Cửa hàng áo dài Hiền Nguyễn nằm nép mình dưới chân núi Bà Rá. Ở đó có một người thợ dành trọn tâm huyết để thực hiện bộ sưu tập di sản áo dài Phước Long, vừa để lưu giữ hồn dân tộc và góp phần tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : áo dàiphước long

Các tin liên quan đến bài viết