Thủ đoạn giả mạo nhân viên của các ngân hàng hay các công ty tài chính như BIDV, MB Vietcombank, MSB… với những lời “có cánh” để lừa đảo lấy tiền của người dân nở rộ trong thời gian vừa qua.
Nghe lời có cánh, mất tiền thật
“Vay tín chấp chưa bao giờ dễ dàng đến thế, chứng minh thư hộ khẩu cầm luôn 50 triệu đồng;… chào mọi người mình hiện tại làm nhân viên tín dụng của ngân hàng X, trong thời buổi thắt chặt chi tiêu, mình giúp các các bạn giải quyết được vấn đề tài chính; hỗ trợ vay vốn toàn quốc – ai khó khăn về kinh tế thì đã có em…”.
Hình ảnh giả mạo cho vay được Ngân hàng Quân đội cảnh báo. |
Đây là những lời mời chào đã xuất hiện trên mạng xã hội Facebook trong thời gian qua dưới những tên gọi khác nhau như “Tài chính Bank”, The bank của bạn… Thậm chí, còn được quảng bá rầm rộ dưới tên thương hiệu của các ngân hàng.
“Trong hoàn cảnh khó khăn, không ít người nhìn thấy bất cứ “cái phao” nào họ cũng “vớt” mà không phân biệt được đó là chiếc “phao” thật hay giả. Đối tượng lừa đảo lợi dụng tình trạng khó khăn này của khách hàng mà cố tình đẩy ra những chiếc ‘phao” như thế để dụ khách hàng vào “bẫy”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh |
Những tài khoản mạng xã hội này, đa phần đều được giới thiệu là kênh hỗ trợ tài chính của ngân hàng A (hoặc B bất kỳ) chuyên nhận làm hồ sơ vay vốn, thậm chí nhận xử lý hồ sơ đang có nợ xấu. Nơi đây cam kết lãi suất ưu đãi, hồ sơ đơn giản, giải ngân trong thời gian ngắn, tối đa chỉ lên tới 3-5 ngày. Đặc biệt qua kênh này, khách hàng có thể vay hàng trăm triệu mà không cần chứng minh thu nhập.
Anh T.T.P – một khách hàng của Tài chính Bank cho biết: “Tôi cần tiền để làm vốn kinh doanh. Thấy thông tin đây là người của ngân hàng, người này gửi cả card visit (thẻ giới thiệu) là làm trong ngân hàng A nên tôi tin tưởng chuyển khoản 700.000 đồng để làm hồ sơ. Một thời gian sau khi chuyển thì không liên lạc được với đối tượng này nữa. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa và khoản phí 700.000 cũng không cánh mà bay”.
Đây cũng không phải trường hợp cá biệt. Theo chia sẻ của anh H.T.N – một công nhân may tại Thái Bình, vì cần tiền để góp vốn mở tiệm spa với bạn nhưng vì toàn bộ thời gian hành chính đều phải ở nhà máy nên anh N đã tìm các kênh hỗ trợ vốn của một tài khoản xã hội mang tên thương hiệu của một ngân hàng có tiếng hiện nay. “Sau khi được trao đổi với một người tự xưng là nhân viên của ngân hàng này và khai báo hồ sơ vay, tôi đã chuyển 5 triệu đồng tiền phí theo yêu cầu của đối tượng này được vay 100 triệu đồng mà hai bên đã cam kết. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, đối tượng đã cắt liên lạc và khoản vay 100 triệu cũng không thấy đâu” -anh N thông tin.
Đối tượng lừa đảo giới thiệu là cán bộ ngân hàng rồi yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí để làm hồ sơ |
Tương tự, chị Hoàng H (Hoài Đức, Hà Nội) cũng đã mất 10 triệu đồng khi tin vào những lời quảng cáo cho vay nhanh gọn, thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày hàng trăm triệu đồng. Thủ tục chỉ cần gửi ảnh chụp chứng minh nhân dân mà không cần phải ra trực tiếp ngân hàng.
Đường đi của chiêu thức lừa đảo
Theo đại diện một số ngân hàng, nắm bắt tâm lý của khách hàng có nhu cầu vay vốn với hồ sơ thủ tục đơn giản, nhanh chóng, các đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên ngân hàng hoặc tư vấn viên từ các công ty tài chính, có thể hỗ trợ khách hàng làm hồ sơ vay với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn khiến nhiều khách hàng “sập bẫy” trong thời gian qua.
Các khoản vay được các đối tượng mời chào phổ biến là các khoản vay nhỏ lẻ từ 30 – 50 triệu đồng; lãi suất khá hấp dẫn, chỉ khoảng 10%/năm; hồ sơ chỉ cần CMND, hộ khẩu, bằng lái xe…
Để tăng tính thuyết phục, các nhóm đối tượng trên gửi cho khách hàng một số thông tin, hình ảnh có logo biểu tượng của ngân hàng. Khi có được sự tin tưởng của khách hàng, nhóm đối tượng đề nghị khách hàng cung cấp thông tin hồ sơ vay vốn và yêu cầu đóng trước một khoản phí bảo hiểm khoản vay (dao động từ 1 – 2 triệu đồng) thông qua tài khoản của đối tượng. Hoặc yêu cầu khách hàng phải đóng tiền trước 1 khoản phí có thể lên tới vài triệu đồng gọi là “phí hồ sơ” tùy theo khoản vay.
Sau khi khách hàng đóng tiền bảo hiểm, phí hồ sơ, nhóm đối tượng sẽ chặn các kênh liên lạc với khách hàng, chiếm đoạt số tiền này và tiếp tục đi lừa đảo những người khác.
Lãnh đạo của một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội thừa nhận, thời gian qua xuất hiện một số đối tượng giả mạo cán bộ, nhân viên ngân hàng nhằm đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các nhà băng và các công ty tài chính đã nhiều lần khuyến cáo khách hàng về loại hình lừa đảo này, tuy nhiên do hình tức lừa đảo ngày càng tinh vi nên vẫn không ít khách hàng vẫn rơi vào “bẫy”.
“Cùng với sự phát triển của công nghệ, các ngân hàng cũng luôn phải đấu tranh với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi xuất hiện trên thị trường. Đáng chú ý là tình trạng giả danh cán bộ ngân hàng để chiếm đoạt tiền của khách hàng, làm tổn hại đến uy tín của ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng không hề có chính sách tiếp cận khách hàng nào như trên. Vì vậy, nếu có người tự xưng là nhân viên ngân hàng trong những trường hợp này chắc chắn đó là đối tượng lừa đảo” – vị lãnh đạo ngân hàng này thông tin.
Để đảm bảo an toàn, phía Vietcombank cũng khuyến cáo người dân hãy xác thực thông tin đối với người đề nghị khách hàng thực hiện giao dịch tài chính. Khách hàng chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật.
Ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng: “Coi chừng những khoản vay từ trên trời rơi xuống” Vay qua ngân hàng phải mất nhiều thủ tục nhưng vay qua đối tượng đó rất đơn giản và dễ dàng, chính tâm lý này khiến rất nhiều người rơi vào cái bẫy của những kẻ giả danh. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là các đối tượng lừa đảo còn có thể sử dụng thông tin cá nhân do chính khách hàng cung cấp cho đối tượng lừa đảo trong quá trình làm hồ sơ vay vốn trên mạng để lập hồ sơ vay vốn khống, mạo danh để vay tiền tại các ngân hàng, công ty tài chính, thậm chí vay tín dụng đen. Hậu quả là khách hàng phải gánh chịu các khoản vay từ trên trời rơi xuống. Bà Đỗ Hoài Linh – Chuyên gia tài chính – ngân hàng: “Hình thức tinh vi hơn nhiều, biến tướng rất đa dạng” “Bản chất là các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng luôn phức tạp và khó hiểu đối với đại bộ phận dân chúng. Đặc biệt, khi công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay thì những sản phẩm của ngân hàng càng phức tạp hơn và tính đa dạng cũng ngày càng cao. Trong khi đó, thông tin và sự hiểu biết của đại bộ phận dân chúng hạn chế nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng kẽ hở để lừa đảo. Những kẻ hở này sẽ không thể xóa đi được, hình thức lừa đảo cũng sẽ ngày càng tinh vi và biến tướng đa dạng hơn theo sự phát triển của công nghệ và sản phẩm của ngân hàng. Vì vậy, cái gốc của vấn đề là mỗi người dân, khách hàng luôn trong tâm thế thận trọng, đề cao tinh thần cảnh giác. Với bất cứ thông tin bất thường nào cũng nên thẩm định tại các nguồn tin tin cậy của ngân hàng”. |
Nguồn: vietnamnet