Câu chuyện giá điện một lần nữa lại nóng bỏng trong tuần qua khi nhiều người chợt nhận ra rằng: Nếu áp dụng chính sách điện một giá, đa phần người có thu nhập chưa cao sẽ rất thiệt.
Không hiểu từ đâu, trong khoảng 3 tháng qua, có một luồng quan điểm trên mạng xã hội, thậm chí cả trên báo chí cổ vũ cho phương án: Điện một giá. Tức là, khá nhiều người đã cho rằng nên bỏ biểu giá điện hiện nay (6 bậc, mỗi bậc tương ứng với mức giá điện khác nhau theo hướng lũy tiến) đi và chỉ áp dụng một mức giá điện thôi. Dùng nhiều hay dùng ít chỉ một giá.
Phương án này đúng là hoàn toàn mới so với nhiều đề xuất về biểu giá điện trước đây: Có người đề xuất 5 bậc, có người đề xuất 3, có nơi đề xuất 4…
Các ý kiến ủng hộ đề xuất này đều cho rằng, phương án “điện một giá” đơn giản, dễ áp dụng và dễ theo dõi, thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát, bình đẳng đối với tất cả các khách hàng cùng mua một loại hàng của cùng một nhà cung ứng.
Trước sức ép của dư luận, Bộ Công Thương, trong một nỗ lực tìm kiếm các phương án sửa đổi, điều chỉnh biểu giá điện phù hợp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Người tiêu dùngcũng đã bổ sung phương án “điện một giá”.
Tuy nhiên, ngay từ khi có phương án bổ sung này, người tiêu dùng điện lại một lần “ngã ngửa” vì nếu áp dụng cách tính tiền điện mới này, giá điện phải cao hơn giá bình quân hiện hành (1864,44 đồng/kWh), và có thể lên tới mức gần 3000 đồng/kWh. Bởi vì, mức giá điện áp dụng cho các hộ tiêu thụ nhiều điện (trên 500 kWh) chẳng hạn phải kéo xuống và mức giá điện thấp áp dụng cho các nhà dùng điện ít lại phải tăng lên.
Điều này để đảm bảo đạt được mức giá điện sao cho cân bằng được nhu cầu đầu tư, phát triển nguồn điện mới, khiến nhà đầu tư điện phải có lợi nhuận, cân bằng được tài chính… Nếu để giá điện thấp hơn, nhà đầu tư, sản xuất điện (không chỉ có Tập đoàn Điện lực Việt Nam) thua lỗ thì không ai đầu tư, nguồn cung điện có thể sẽ thiếu hụt nghiêm trọng trong tương lai.
Ai cũng muốn một mức giá điện thấp, thật thấp bởi qua một mùa hè nắng lửa như năm nay, nhiều hộ gia đình đã phải “nghiến răng” trả nhiều tiền điện hơn cho những hóa đơn ghi những chỉ số tiêu thụ điện “choáng váng”. Có hàng ngàn bản hóa đơn bị ghi sai, ghi ẩu và hàng loạt cán bộ, nhân viên ghi chỉ số công tơ điện sai đó bị kỷ luật, bị đình chỉ chức vụ.
Cũng không thể phủ nhận thực tế là nắng nóng cao độ, nhiều gia đình phải chạy điều hòa nhiều hơn nên số tiền phải thanh toán cao hơn mùa hè năm trước cũng là điều họ phải chấp nhận.
Nhưng mặc dù vậy, người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo để lựa chọn phương án giá điện hợp lý nhất, trên cơ sở thực tế tiêu thụ của hộ gia đình mình và đặc biệt là những tư vấn của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng độc lập.
Bởi vì, hiện nay, cơ quan nhà nước đã đưa ra các phương án giá điện khác nhau, trong đó có cả những phương án giá điện bậc thang khác nhau và phương án “điện một giá”. Người tiêu dùng điện hoàn toàn có thể lựa chọn một cách tính phù hợp cho mình và trong vòng 12 tháng, nếu thấy phương án đó không phù hợp thì năm sau đề nghị chuyển đổi sang phương án khác phù hợp hơn.
Đây là điểm khá tích cực trong dự thảo phương án giá điện mới vì thực tế, không phải gia đình nào cũng tiêu thụ giống như gia đình nào. Nếu là một hộ nghèo, dùng ít điện thì rõ ràng nên chọn phương án giá điện bậc thang, theo đó, nếu họ dùng ít thì được áp dụng mức giá thấp nhất, thấp hơn giá điện bình quân nhiều, thậm chí còn được nhà nước trợ giá.
Còn nếu hộ gia đình nào tiêu thụ lượng điện rất lớn hàng tháng, do chạy nhiều điều hòa, nhiều việc khác nhau, lên tới cả 10-20 triệu đồng/tháng thì có khi đăng ký áp dụng phương án ít bậc thang hơn: Có thể là 4 hay 5 bậc, thay cho 6 bậc hiện nay thì tiền điện họ phải đóng có nhiều khả năng cũng thấp hơn rất nhiều.
Theo Dân Trí