Trong kháng chiến, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước luôn đoàn kết gắn bó với bộ đội, góp phần làm nên nhiều chiến thắng vang dội. Nghĩa tình với nhân dân nơi đây, những năm qua, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng (KT-QP) 778, Quân khu 7 đã chủ động phối hợp với địa phương xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng quốc phòng địa phương vững mạnh.
Mặt trời gác bìa rừng, mặc dù đã 60 tuổi, nhưng ông Điểu Lai, ngụ thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) vẫn miệt mài chăm sóc, hái hồ tiêu. Vui chuyện làm ăn, ông Điểu Lai nói: “Trước đây, gia đình tôi có gần 2ha đất, chủ yếu trồng rau màu, có khi còn bỏ đất hoang. Gia đình tôi có 5 người con, vì thiếu việc làm, các con phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Năm 2010, được cán bộ Đoàn KT-QP 778 hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi trồng được 900 trụ tiêu và gần 1ha cà phê, các con có việc làm, gia đình thu lợi gần 40 triệu đồng/năm”.
Trồng hồ tiêu, cà phê có lãi, ông Điểu Lai còn tích cực vận động mọi người trong thôn cùng làm. Mới đây, ông Điểu Lai được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Đại tá Nguyễn Thành Ruân, Chính ủy Đoàn KT-QP 778 cho biết, kết quả trên chính là một phần trong mô hình giúp dân trồng hồ tiêu, cà phê, cao su xóa đói, giảm nghèo của Đoàn.
“Là điểm cuối con đường Trường Sơn, trong kháng chiến, đồng bào S’tiêng, Nùng…ở huyện Bù Gia Mập luôn đoàn kết cùng các đơn vị quân đội vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công. Bù Gia Mập luôn tự hào có những người con giao liên ưu tú là người S’tiêng mưu trí, dũng cảm. Vì vậy giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo là thể hiện nghĩa tình sâu nặng với đồng bào”, Đại tá Nguyễn Thành Ruân tâm sự.
Sau năm 1975, Bù Gia Mập là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Bình Phước, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 34,7%, hệ thống giao thông, công trình thủy lợi chưa hoàn thiện; nhiều thôn, bản “trắng” đảng viên, tỷ lệ người mù chữ chiếm 40%…tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp.
Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng các cấp, thực hiện dự án KT-QP tại huyện Bù Gia Mập, Đảng ủy, Chỉ huy đoàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá đúng thực trạng. Trên cơ sở quy hoạch cụ thể, cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn chủ động gắn thực hiện dự án KT-QP với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, tập trung giúp dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Trước hết, đơn vị phối hợp với địa phương tập trung đột phá hoàn thành nhiều công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng: 2 hồ thủy lợi rộng 31,6ha; đường giao thông ĐT 741 dài 40km; đường điện trung thế dài 17km… xây dựng các khu tái định ổn định 3.432 hộ đồng bào S’tiêng với hơn 9.200 nhân khẩu, hình thành các thôn, sóc. Những hộ khó khăn, đơn vị, địa phương vận động các nhà hảo tâm xây tặng “Mái ấm tình thương”, tặng quà. Chỉ từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã vận động xây dựng được 48 “Mái ấm tình thương” và hơn 10.000 suất quà tặng đồng bào S’tiêng nghèo… Để bà con có cuộc sống ổn định tại các khu tái định cư, đơn vị đã phối hợp các ban, ngành địa phương xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất, như: “Trồng cao su, hồ tiêu”; “Chăn nuôi bò, lợn, gia cầm”; “Trồng cây ăn trái, rau sạch”…Để thực hiện hiệu quả, đơn vị phân công cán bộ, đội sản xuất phụ trách giúp dân từng địa bàn, thực hiện “3 cùng” với bà con: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Những hộ khó khăn, đơn vị, địa phương hỗ trợ giống, vốn. Hằng quý, đơn vị còn phối hợp với địa phương tổ chức giao ban già làng, trưởng thôn, bản, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, nhân rộng cách làm hay; phát huy tốt vai trò già làng, trưởng bản. Qua đó, đơn vị, địa phương không chỉ hướng dẫn bà còn sản xuất hiệu quả mà còn nắm vững tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của bà con. Đơn vị cũng chủ động phối hợp các doanh nghiệp bảo đảm bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, đến nay, nhân dân vùng dự án đã trồng được trên 17.400 ha cao su, hồ tiêu…Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 34,4 triệu đồng/người/năm, nhiều hộ sản xuất giỏi thu nhập tiền tỷ, hộ nghèo giảm còn dưới 11,5%. Đơn vị cũng tích cực giúp địa phương xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, thường xuyên tuần tra, kiểm soát; phòng, chống thiên tai, cháy nổ, hạn hán…Thông qua các phong trào, mô hình sản xuất, đơn vị chủ động phối hợp với địa phương làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% thôn, bản đều có chi bộ, ban điều hành thôn, xóm, các đoàn thể hoạt động nền nếp, hiệu quả, giúp địa phương phát triển bền vững. Trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, đơn vị phối hợp địa phương chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, nhiều sản phẩm có thương hiệu được xuất khẩu.
Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, vượt qua muôn vàn gian nan, vất vả, cán bộ, chiến sĩ đã cùng với địa phương xây dựng huyện Bù Gia Mập trở thành địa phương có kinh tế – xã hội phát triển, quốc phòng-an ninh vững mạnh, giữ vững bản sắc đậm đà dân tộc. Đánh giá vấn đề này, đồng chí Phùng Hiệp Quốc, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Bù Gia Mập, khẳng định: “Thời gần đây, mặc dù các thế lực thù địch, phần tử xấu dùng nhiều thủ đoạn kích động, lôi kéo đồng bào, nhưng chính nhờ Đoàn KT-QP 778 có những mô hình giúp dân hiệu quả, tình hình an ninh luôn ổn định, bà con phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương”.
Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN (QĐND Online)