Hiện chưa có thông tin nào khẳng định Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo lớp vỏ bảo vệ chịu nhiệt cho các đầu tên lửa.

Một chương trình hạt nhân thâm niên

Với các mỏ uranium trữ lượng 4 triệu tấn chất lượng cao có thể khai thác được, Triều Tiên là nước đã quan tâm và chăm lo cho chương trình hạt nhân của mình từ rất sớm.

Theo một hiệp định ký giữa Liên Xô và Triều Tiên, vào giữa thập niên 1960, một trung tâm nghiên cứu hạt nhân được xây dựng cách Bình Nhưỡng 90km về phía bắc, gần thị trấn Yongbyon, và Triều Tiên đã gửi các chuyên gia sang học ở Liên Xô.

Năm 1965, một lò phản ứng nghiên cứu loại IRT-2M của Liên Xô được lắp ráp cho trung tâm này. Từ năm 1965 đến năm 1973, nhiên liệu được làm giàu tới 10% được cung cấp cho lò phản ứng này hoạt động.Trong thập niên 1970, Triều Tiên tập trung nghiên cứu chu kỳ chất đốt hạt nhân, kể cả thanh lọc, chuyển đổi và sản xuất.

Năm 1974, các chuyên gia Triều Tiên đã độc lập hiện đại hoá lò phản ứng IRT-2M của Liên Xô theo đúng như cách mà Liên Xô và các nước khác đã làm, nâng khả năng của nó lên tới 8MW và chuyển sang nhiên liệu được làm giàu 80%. Cũng thời kỳ này, Triều Tiên bắt đầu xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu 5MW, được gọi là “lò phản ứng thứ hai”.

Giải mã chương trình hạt nhân của Triều Tiên
Một tháp làm lạnh của Triều Tiên

Bước sang thập niên 1980, Triều Tiên bắt đầu vận hành các thiết bị chế tạo và chuyển đổi uranium, xây dựng một lò phản ứng hạt nhân 200MW cùng các cơ sở tái chế hạt nhân ở Taechon và Yongbyon, đồng thời tiến hành thử các vụ nổ công suất cao. Tháng 7/1990, các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, ở Yongbyon xuất hiện một cấu trúc có khả năng được dùng để phân tách plutonium từ nhiên liệu hạt nhân.

Cho đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử hạt nhân, lần lượt vào tháng 10/2006, tháng 5/2009 và tháng 2/2013. Lượng plutonium còn lại sau 3 lần thử (vào khoảng 40kg) đủ để sản xuất 10 đầu đạn hạt nhân. Theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ thì với vụ nổ ngày 12/2/2013, công suất từ 4 đến 15 kiloton, Triều Tiên đã thu nhỏ được vũ khí hạt nhân, nhờ đó, có khả năng lắp một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa Nodong với tầm bắn 1.280km, đủ bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và phần lớn lãnh thổ Nhật Bản.

Nhưng đó là với tên lửa tầm trung. Còn với tên lửa đạn đạo tầm xa thì mọi việc hoàn toàn khác.

Khả năng tên lửa đạn đạo tầm xa

Lần thử nghiệm tên lửa ba tầng Tekhodong-1 đầu tiên được Triều Tiên tiến hành vào tháng 8/1998 đã thất bại, mặc dù tầng 1 và tầng 2 của tên lửa hoạt động bình thường.

Tên lửa này có chiều dài khoảng 24 đến 25m, trọng lượng phóng khoảng 22 tấn và đã bay được 1.600km. Tầng 1 của tên lửa là Nodong-1; tầng 2 chính là động cơ của tên lửa phòng không Liên Xô SA-5 trong tổ hợp tên lửa phòng không S-200; tầng 3 cũng là tổ hợp tên lửa đã lạc hậu Tochkha của Liên Xô.

Chương trình Tekhodong-1 chủ yếu mang tính tuyên truyền, vì tầng 2 của tên lửa này không thích hợp cho việc mang vũ khí hạt nhân, sai số xác suất vòng tròn lên đến nhiều km, tầm bay tối đa của tên lửa chỉ trên 2.000km.

Với chương trình Tekhodong-2, lần thử nghiệm đầu tiên được thực hiện vào tháng 7/2006 cũng không thành công. Tên lửa chỉ bay được 42 giây và 10km. Có rất ít thông tin về các đặc tính kỹ thuật của tên lửa này, ngay cả trọng lượng phóng cũng chỉ được đánh giá trong khoảng 60 đến 85 tấn (theo tính toán của Nga là 65 tấn).

Tuy nhiên, qua phân tích kết quả các lần phóng Tekhodong-2 sau này, các nhà khoa học đã xác định được các tham số kỹ – chiến thuật của tên lửa Unha-2 phóng tháng 12/2012: dài 30m; trọng lượng phóng hơn 80 tấn; tầng 1 của tên lửa vẫn là khối gồm 4 động cơ Nodong; tầng 2 có vẻ giống như tên lửa xuất xứ Liên Xô R-27 và tầng 3 có lẽ là Khvason- 5 hoặc Khvason-6.

Như vậy, việc Triều Tiên nghiên cứu chế tạo tên lửa 2 tầng hoặc 3 tầng kiểu Tekhodong đã không còn là huyền thoại, và khả năng quốc gia này chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa là hoàn toàn có thể trong tương lai trung hạn.

Tuy nhiên, để chế tạo được tên lửa đạn đạo tầm xa thì rào cản kỹ thuật lớn nhất là vấn đề đảm bảo khả năng chịu nhiệt cho đầu tác chiến của tên lửa. Bởi, nếu không có lớp vỏ chịu nhiệt tốt bảo vệ thì khi nhiệt độ tăng cao do cọ xát với không khí, thân đầu tác chiến sẽ bị phá hủy.

Hiện chưa có thông tin nào khẳng định là Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ chế tạo lớp vỏ bảo vệ chịu nhiệt cho các đầu tên lửa. Ngoài ra, một tính năng quan trọng nữa của tổ hợp tên lửa là khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Trong trường hợp công tác chuẩn bị để đưa tổ hợp vào tác chiến kéo dài quá lâu thì xác suất bị phát hiện và bị đối phương tiêu diệt là rất cao, chính vì thế buộc phải hy sinh cự ly bắn tối đa để giảm thời gian chuẩn bị phóng tên lửa. Mặt khác, với sai số xác suất vòng tròn tới 2,5km (hoặc hơn) thì hiệu suất công phá của đầu tác chiến không lớn.

Theo các chuyên gia Nga, chương trình Tekhodong-2 của Triều Tiên đã thất bại, và hiện nước này chỉ có loại tên lửa Nodong và Skad của Nga với tầm bắn khoảng 1.500-2.000km.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chương trình hạt nhânLiên Xôtên lửaTriều Tiên

Các tin liên quan đến bài viết