Vụ án bán độ của nhóm cầu thủ tại giải vô địch quốc gia năm 1997 có thể xem là án điểm đầu tiên mà cơ quan điều tra đã phanh phui làm rõ. Sau ngần ấy năm, nỗi đau đó vẫn chưa thật nguôi ngoai với những người trong cuộc bởi nó để lại nhiều di chứng lâu dài.
Cảm giác cứ vẫn là tội phạm
Khi nhắc lại chuyện được xem là đau buồn nhất trong cuộc đời mình, dù không muốn nói đến những tháng ngày sóng gió này, nhưng cựu tiền vệ Trương Văn Dưỡng vẫn tâm sự: “Đó là một quá khứ đen tối, một vết nhơ mà tôi sẽ khó thể quên. Thời gian buồn và khổ tâm nhất lúc đó là khi tôi bị kêu lên điều tra. Lúc đó tôi gần như như muốn trốn tránh tất cả mọi người. Vì đi đâu cũng bị mọi người săm soi bàn tán với cái nhìn xem mình là một tội phạm”.
Dưỡng nhớ lại, những ngày phải xa sân cỏ giống như cực hình, nhất là khi phải thấm thía gặm nhấm nỗi đau dính líu đến đường đây mua bán độ. Thời đó Dưỡng quen với Sơn “cao” và hay được tay trùm này đưa tiền trực tiếp hoặc thông qua Trần Minh Trung, mỗi trận từ 20 – 40 triệu đồng. Địa điểm trao tiền thường ở quán cà phê trên đường Huỳnh Văn Bánh. Số tiền này được chia cho một số anh em trong đội khi làm độ, riêng Dưỡng được khoảng 2 – 5 triệu đồng tùy trận. Trong cả mùa giải năm 1997, Dưỡng cho biết anh nhận tổng cộng khoảng vài chục triệu đồng. Ngoài việc “bắt tay” với Sơn “cao”, Dưỡng không chơi với bất cứ một tay trùm nào khác. Tuy nhiên trong một số trận như Hải Quan thua Công an Hải Phòng trên sân Lạch Tray hay Hải Quan – Khánh Hòa trên sân Thống Nhất, do thua quá đậm nên Sơn “cao” nghi ngờ Dưỡng nhận tiền của thế lực ngầm khác để phản kèo ăn độ hai đầu. Chính từ sự hăm dọa của Sơn “cao” và đàn em mà Dưỡng đã cùng với đồng đội ra khai báo với cơ quan điều tra.
Chấp hành xong án phạt với 4 tháng ở Chí Hòa và 4 tháng ở Bố Lá cùng 4 tháng tạm giam trước đó, Dưỡng trở về cuộc sống với 2 bàn tay trắng và không có việc làm mấy tháng trời. Tuy nhiên, đây lại là lúc đầu óc của Dưỡng trở nên nhẹ nhàng và thanh thản hơn bao giờ hết. Sau những ngày tháng bôn ba, với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, Dưỡng đã tìm được công việc giao nhận hàng của một công ty. Dưỡng đang cố gắng làm việc thật tích cực để không phụ lòng tốt của những người giúp đỡ mình trong những ngày tháng cay đắng nhất. Với dòng máu bóng đá vẫn còn chảy trong người, vào chủ nhật hằng tuần Dưỡng vẫn xách giày ra sân để tranh tài và gặp gỡ những người bạn cũ trên sân bóng.
Lấy đi rất nhiều
Cùng nằm trong nhóm cầu thủ đội bóng đá Hải Quan “dính chàm” tiêu cực vào năm 1997 còn có tiền vệ trái có đôi chân khéo léo Nguyễn Anh Trung. Tuy nhiên, cầu thủ này chỉ nằm trong nhóm bị cảnh cáo và cấm thi đấu 1 năm. Chỉ bị án nhẹ nhưng Anh Trung vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống trong quá trình điều tra vụ tiêu cực này.
Đó là sự nơm nớp lo sợ khi một cầu thủ bị công an điều tra kêu lên xét hỏi, dù chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng từ đàn anh trong đội của mình cho sau trận đấu. Lúc đó Anh Trung suy nghĩ đó chỉ là phần thưởng của “thắng sân nhà và thua sân khách” trong bóng đá Việt Nam thời bấy giờ chứ không nghĩ là phạm pháp. Chính sự lo lắng khi bị điều tra đã khiến cầu thủ này mất ăn mất ngủ và sa sút phong độ khá nhiều. Không những vậy, khi ra đường Anh Trung còn phải tránh những ánh mắt soi mói của những người hâm mộ bóng đá. Cả gia đình người yêu của Anh Trung lúc đó cũng có cái nhìn không thiện cảm với anh.
Trở lại sau án phạt, dù nỗ lực hết mình nhưng Anh Trung vẫn không thể lấy lại được phong độ đỉnh cao. Nhưng cái mất lớn nhất chính là sự tin tưởng của các HLV và dư luận dành cho anh. Mặc dù vẫn được đánh giá rất cao và gọi vào đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Calisto, nhưng cầu thủ này chỉ sau thời gian tập huấn đã phải rời đội vì vẫn còn chịu nhiều di chứng và áp lực khiến anh không thoải mái đôi chân và tỉnh táo trong cái đầu.
Sau khi đội bóng Hải Quan giải thể và chuyển giao cho Bưu điện TP.HCM, Anh Trung đã cùng những đồng đội của mình giúp cho đội bóng này từ giải hạng ba lên thi đấu ở giải hạng nhất, rồi sau đó giã từ bóng đá chuyên nghiệp. Sau đó, anh trở thành nhân viên thu nợ cước của ngành bưu điện. Vẫn còn đam mê bóng đá, Anh Trung đã cùng với cựu trung vệ thép Đỗ Khải mở một lớp năng khiếu bóng đá cho các trẻ em vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần để vừa truyền lại cho các em những kỹ năng bóng đá vừa đỡ nhớ nghề. Nhớ lại những ngày sóng gió, Anh Trung nói: “Bóng đá sẽ đem lại cho bản thân một cầu thủ rất nhiều cả về danh tiếng, tiền bạc lẫn các mối quan hệ. Nhưng cũng sẽ lấy đi rất nhiều và quan trọng nhất là lòng tin của mọi người nếu sa vào con đường bán độ và không giữ được mình trước những cám dỗ luôn giăng đầy xung quanh”.
Cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra thôi Trương Văn Dưỡng tâm sự: “Dù đã nhiều năm rồi, nhưng nhiều khi tôi vẫn rất buồn. Có những lúc nằm suy nghĩ tôi luôn tự trách mình lúc đó sao dại dột quá, dính vào chuyện bán độ để mỗi khi ra đường nhìn ai cũng dè dặt, khép nép, có cảm giác giống như mình là tội phạm. Khi đã bước vào cuộc chơi này rồi thì thú thực rất khó dứt ra vì nó như “cơn nghiện”, càng bán độ càng say, cứ nghĩ làm được một rồi hai trận trót lọt rồi cứ thế mà lao theo như “thiêu thân”. Do vậy với sai lầm của bản thân mình, tôi có lời khuyên các em cầu thủ hiện nay không nên dính vào cá độ và bán độ. Bởi nó sẽ làm tan tành sự nghiệp và đời cầu thủ của mình, nó sẽ hủy hoại tương lai và đánh mất nhân cách của mình. Khi đã “dính chàm” thì ngoài chuyên môn sẽ ngày một đi xuống thì mọi việc trước sau rồi cũng sẽ được phanh phui vì cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra thôi”. |
Theo Dân việt