Theo hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần do dịch COVID-19, người bệnh, người bị nghi bệnh, người đi cách ly, nhân viên y tế… là những người có thể có sang chấn tâm lý do bị kỳ thị, xa lánh vì sợ bị lây bệnh.

Chữa di chứng từ COVID-19 - Ảnh 1.

Đoàn của Bộ Y tế thăm bệnh nhân từ chuyến bay VN0062 đang điều trị tại Thái Bình 

Bộ Y tế đã lập ra hội đồng chuyên môn về sức khỏe tâm thần để xử lý những chứng bệnh liên quan đến stress sau dịch COVID-19. COVID-19 và sức khỏe tâm thần có mối liên quan với nhau thế nào mà Bộ Y tế có hẳn một hội đồng chuyên môn quản lý, điều trị bệnh tâm thần trong bối cảnh dịch COVID-19?

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa – phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, không chỉ vụ dịch COVID-19 này mà các vụ dịch bệnh trước đó đã có nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa những rối loạn về sức khỏe tâm thần ở người bị cách ly, điều trị, ở người bị mất việc hoặc cả những người bình thường do tâm lý lo lắng, hoảng loạn: lo bị bệnh, lo mất việc làm…

Lo lắng dẫn đến trầm cảm nặng

Vốn có sức khỏe tốt, nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay ông H.H.Đ. (56 tuổi) bắt đầu có những biểu hiện lạ: gầy sút nhanh (sút 6kg trong vòng 4 tháng), ra nhiều mồ hôi, khó ngủ… Theo gia đình ông Đ., ban đầu ông lo lắng vì vợ bị bệnh (nghi bị ung thư), sau đó dịch COVID-19 xuất hiện và nhà hàng của gia đình ông vắng khách, hoạt động đình trệ, ông tiếp tục lo âu.

“Tình trạng mất ngủ kéo dài nên người nhà tôi càng ngày càng lạ hơn, ban đầu là sợ dịch, rồi sau này là sợ mắc bệnh, từ bất kỳ một bất thường dù nhỏ nhất trên cơ thể cũng tưởng là do nội tạng, do các cơ quan trong cơ thể bị hư hỏng và đang “phá” ra, tinh thần kém minh mẫn, hay giật mình hoảng hốt.

Đưa đi khám khắp nơi thì bác sĩ nói không có bệnh gì. Sau đó chúng tôi đưa đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán Đ. mắc chứng trầm cảm nặng” – người thân của ông Đ. chia sẻ.

Theo ông Khoa, những nghiên cứu trước đây về các loại dịch bệnh cho thấy có mối liên quan giữa dịch bệnh tới sức khỏe tâm thần của người dân, thể hiện bằng sự lo lắng, hoảng sợ thái quá, sau này lo lắng, mất ngủ kéo dài có thể dẫn đến chứng trầm cảm, rất nguy hiểm.

Theo hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần do dịch COVID-19, người bệnh, người bị nghi bệnh, người đi cách ly, nhân viên y tế… là những người có thể có sang chấn tâm lý. Điều này bắt nguồn từ việc họ bị kỳ thị, do bị cộng đồng và gia đình xa lánh vì sợ bị lây bệnh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến stress.

Giữ sức khỏe, giấc ngủ, thói quen…

Làm việc trong môi trường cường độ cao, tốc độ nhanh, lại phải ở nội trú xa gia đình hàng tháng, dễ làm stress xuất hiện. Các bác sĩ khuyến cáo chính những đồng nghiệp của mình, với bao nhiêu việc mới, người dân nên duy trì thói quen hằng ngày, những lúc căng thẳng hãy tạm dừng liên lạc với mạng xã hội để tránh đọc phải các thông tin nặng nề.

Với các bác sĩ, nguyên tắc là giữ sức khỏe. “Hãy quan tâm đến cảm xúc cá nhân của mình, đảm bảo nghỉ ngơi lấy lại sức sau các ca trực, ăn uống đảm bảo” – hướng dẫn của Bộ Y tế chia sẻ.

Với người bị cách ly, Bộ Y tế khuyến cáo giữ mối liên hệ với bạn bè qua mạng, bên cạnh đó hãy tham gia các hoạt động lành mạnh, bổ ích, không kỳ thị mà đồng cảm, tôn vinh nhân viên y tế, tình nguyện viên có thành tích trong dịch.

Với người cao tuổi, Bộ Y tế cho biết có thể sẽ xuất hiện trạng thái giận dữ, căng thẳng và kích động, cần hỗ trợ họ thiết thực cả về vật chất và tinh thần, bên cạnh việc minh bạch thông tin.

Ca bệnh tâm thần ở Ấn Độ tăng

Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Tâm lý học Ấn Độ thực hiện, chỉ trong tuần đầu tiên bắt đầu thực hiện đợt phong tỏa do dịch COVID-19 với quy mô lớn kỷ lục, ảnh hưởng tới 1,3 tỉ dân, từ ngày 25-3, số ca bệnh tâm thần ở Ấn Độ đã tăng 20%. Mặc dù lúc này lệnh phong tỏa phòng dịch đã được nới lỏng, song giới chuyên môn cảnh báo tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần do hệ lụy của phong tỏa chắc chắn còn tăng cao.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bộ Y TếCOVID-19phòng dịch

Các tin liên quan đến bài viết