Là xã cách xa trung tâm huyện Bù Đăng, giáp ranh tỉnh Đắk Nông nhưng đến Phú Sơn ai cũng dễ dàng cảm nhận được cuộc sống bình yên nơi đây. Kinh tế – xã hội phát triển, an ninh trật tự ổn định, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang, đời sống người dân nâng cao. Dù chưa được đưa vào lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 nhưng Phú Sơn đã đưa ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành NTM vào năm 2018.
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN
Toàn xã có 1.480 hộ/6.500 người, trong đó 40% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thị trường, thời tiết khắc nghiệt nên bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện đa canh trên cùng đơn vị diện tích, trồng xen cà phê, tiêu trong vườn điều kết hợp chăn nuôi. Từ trồng đơn canh 4 ha điều không mấy hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Xanh, thôn Sơn Thành mạnh dạn trồng xen cà phê, tiêu dưới gốc điều, cây ăn trái, kết hợp nuôi heo rừng lai, nhím, gà rừng, dê. Toàn bộ khu vườn được gia đình ông lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nên cây phát triển xanh tốt, cành lá xum xuê. Với mô hình này dù mất mùa hay mất giá thì mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông vẫn thu lợi ít nhất 1 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Cao Ngọc Quang cho biết, đến nay phần lớn các hộ dân trong xã đã thực hiện đa canh trên cùng đơn vị diện tích với thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/người/năm.
Sơn Quý được xem là thôn tỷ phú, với nhà cao tầng, nhà mái Thái mọc lên như nấm
Trưởng thôn Sơn Quý Nguyễn Thị Lài cho biết: Thôn có 232 hộ, trung bình mỗi hộ có từ 3,5-4 ha đất sản xuất. Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên điều mất mùa, còn những năm trước thôn có hàng chục hộ trong câu lạc bộ 20 tấn điều/vụ. Thôn hiện có khoảng 1/3 hộ dân làm nhà cao tầng, số còn lại là nhà mái Thái, cấp 4 kiên cố và có khoảng 10 hộ có xe hơi đời mới trị giá hàng tỷ đồng. Kinh tế phát triển, người dân tích cực đóng góp kinh phí làm đường giao thông, kéo điện thắp sáng và các công trình dân sinh khác với khoảng 80-90% tuyến đường ở thôn được nhựa, bê tông hóa và có đèn điện thắp sáng.
Xã Phú Sơn giáp ranh với 3 xã của tỉnh Đắk Nông, gồm Đắk Ru, Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp và xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Vì thế, việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, do có sự phối hợp tốt giữa lực lượng vũ trang các xã trong tuần tra đảm bảo an ninh trật tự nên không có vụ việc nóng, nổi cộm xảy ra trên địa bàn. Năm 2016, xã được Bộ Công an tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Năm 2016, xã có 3/5 khu dân cư đạt văn hóa, 93% gia đình đạt văn hóa và phấn đấu cuối năm 2017 có 5/5 khu dân cư đạt văn hóa, 97% gia đình đạt văn hóa.
ĐỘT PHÁ TRONG XÂY DỰNG HẠ TẦNG CƠ SỞ
Chủ tịch UBND xã Cao Ngọc Quang cho biết, từ đầu nhiệm kỳ (năm 2015) đến nay, Đảng ủy xã đã cụ thể hóa vận động nhân dân đóng góp 350 triệu đồng làm gần 8km đèn đường chiếu sáng dân sinh. Hiện đèn đã phủ kín các trục đường liên thôn, liên xã, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, an ninh trật tự được đảm bảo. Phú Sơn còn là xã điển hình thực hiện tốt vốn đối ứng, vận động nhân dân đóng góp kinh phí làm đường giao thông vượt chỉ tiêu. Năm 2015, xã vận động nhân dân 2 thôn Sơn Phú và Sơn Quý làm 0,5km đường nhựa, trị giá 500 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp giao thông 200 triệu đồng, số còn lại dân đóng góp. Năm 2016, Nhà nước đầu tư 200 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 300 triệu đồng làm 0,5km đường thâm nhập nhựa ở thôn Sơn Thành. Năm 2017, từ vốn sự nghiệp giao thông 485 triệu đồng, xã vận động nhân dân 3 thôn Sơn Phú, Sơn Quý, Sơn Thành làm 1km đường nhựa. Ngoài ra, năm 2017, nhân dân thôn Sơn Quý đóng góp kinh phí bê tông hóa 1,3km; 2 thôn Sơn Phú, Sơn Quý làm 2km giao thông nội đồng. Cách làm áp dụng công thức, quy cách theo chương trình xây dựng NTM, trong đó nhà nước hỗ trợ xi măng (khoảng 35% vốn), số còn lại chia đều các hộ dân. Nhân dân tự thuê nhà thầu san lấp, giải phóng mặt bằng và thi công. Mỗi tổ dân cư bầu ban giám sát chất lượng công trình.
PHẤN ĐẤU NĂM 2018 CÁN ĐÍCH NTM
Phú Sơn chưa đưa vào lộ trình xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, nhưng qua khảo sát thực tế về khả năng huy động sức dân, nhu cầu vốn, Huyện ủy, UBND huyện Bù Đăng quyết định đầu tư đưa xã hoàn thành NTM vào năm 2018. Tổng nhu cầu vốn hơn 35,1 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 27,7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 7,4 tỷ đồng (thấp nhất trong 4 xã được đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020). Hiện xã đạt 13/19 tiêu chí, trong đó 3 tiêu chí cần nhiều vốn là giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Xã có 4 trường học, trong đó 1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 1 trường mẫu giáo, hiện cả 4 trường đều chưa đạt chuẩn quốc gia. Do số lượng học sinh ít, vì thế sắp tới sẽ sáp nhập Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân vào Trường tiểu học Phú Sơn. Sau khi sáp nhập xã còn 3 trường, trong đó 2/3 trường đạt chuẩn là đạt tiêu chí trường học. Trong 2 năm (2017 và 2018), xã sẽ đầu tư xây dựng khu hiệu bộ cùng các công trình phụ để Trường THCS Quang Trung và Trường mẫu giáo Hướng Dương đạt chuẩn, tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Đến nay, 4/5 thôn của xã có nhà văn hóa, vì thế xã đang huy động nhân dân đóng góp mua đất làm 1 nhà văn hóa còn lại trong năm 2018.
Nguồn Báo Bình Phước