Đinh lăng từng được cây giảm nghèo, thậm chí cây làm giàu, giúp nhiều hộ dân ở Nam Định ăn lên làm ra nhờ loại cây dược liệu này.
Nhưng khoảng gần 2 năm trở lại đây cây đinh lăng rớt giá thê thảm và chưa có tín hiệu “ngóc đầu” đi lên.
Bán hơn 10kg đinh lăng không mua nổi 1 cân thịt lợn
Đang chán nản nhìn vườn đinh lăng ngày càng tàn lụi đi vì không được chăm sóc, anh Nguyễn Văn Thế (37 tuổi) xóm Tây Cát, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu (Nam Định) ngao ngán cho biết, hiện giá đinh lăng chỉ còn có 11.000 đồng/kg.
Với giá bán đinh lăng rẻ như thế, tiền anh Thế thu được chưa chắc đủ trả tiền công cho người làm cỏ. Giá đinh lăng rẻ đã đành nhưng người mua đinh lặng lại “kén cá chọn canh, quét nhà ra rác”. Nào là, đòi phải đinh lăng đúng 3 năm tuổi và chỉ mua củ, rễ đinh lăng phần cách mặt đất 20cm trở xuống thay vì từ gốc đến ngọn như trước đây.
“Với giá đinh lăng và cách mua củ, rễ đinh lăng như hiện tại thì người trồng như chúng tôi bị lỗ nặng. Trồng đinh lăng 3 năm trời mất bao nhiêu công sức mà mỗi kg cũng chỉ bán được hơn chục ngàn. Chả bù cho giá lợn hơi. Với giá 12.000 đồng/kg thì phải bán 14 kg đinh lăng mới mua nổi 1 kg thịt lợn…”.
Theo anh Thế, trước kia ở xã Hải Đông trồng rất nhiều đinh lăng, nhà nhà trồng đinh lăng, người người trồng đinh lăng. Vào thời kì hoàng kim thì mỗi sào trồng “sâm người nghèo” sau khi trừ hết chi phí cũng lãi được 10 triệu/năm. Lúc bấy giờ, chưa có cây trồng nào hiệu quả như cây đinh lăng.
Thấy bà con làm ăn được, đầu năm 2017, gia đình anh Thế mua cành đinh lăng về trồng với giá 40 ngàn đồng/kg và tốn mất gần 80 triệu đồng tiền đinh lăng giống để trồng trên diện gần 2 mẫu.
Chưa hết, anh Thế còn phải đầu tư lắp hệ thống tưới tự động trong vườn đinh lăng và tốn kém mất 40 triệu đồng. Rồi tiền phân bón, tiền công làm đất, công trồng…..Tính đến thời điểm hiện tại anh đã chi mất hơn 60 triệu đồng tiền làm thuê người làm cỏ.
“Do chán nản, không được chăm sóc lên năng xuất cây đinh lăng cũng kém. Mỗi sào cũng chỉ thu được khoảng mấy tạ. Giờ bán hết đi chắc cũng chỉ đủ tiền thuê người làm cỏ. Sau gần 3 năm trồng, tôi mất bao công sức lại bị lỗ hơn 100 triệu đồng. Từ cây làm giàu, đinh lăng giờ như cây “chết dở”, anh Thế thở dài.
Chán nản vì đinh lăng rớt giá nhiều hộ dân trồng đinh lăng ở xã Hải Đông để cỏ mọc um tùm, không ngó ngàng tới… |
Lý giải về giá bán đinh lăng giảm sâu, chủ một cơ sở thu mua đinh lăng ở tỉnh Nam Định cho biết, trước kia chỉ có ở huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng trồng nhiều và là vùng dược liệu chính của tỉnh nên có giá ổn định. Đinh lăng luôn có giá trên 20.000 đồng/kg (chỉ bỏ mỗi lá). Với giá bán như vậy thì ít có cây trồng nào hiệu quả như đinh lăng.
Chính vì lợi nhuận tốt nên nhiều nơi nông dân đổ xô đi trồng đinh lăng, thậm chí trung du miền núi phía Bắc và cả vùng Tây Nguyên đổ xô trồng nhiều gây sốt giá cây giống. Có thời điểm cành cây đinh lăng giống lên tới 45.000 đồng/kg.
“Theo đó, giá đinh lăng nguyên liệu cũng bị đẩy lên cao tới 27.000 đồng/kg. Sau vài năm trồng ồ ạt, đinh lăng tới kỳ thu hoạch giá giảm sâu cũng là điều tất yếu, theo quy luật cung cầu của thị trường…”, chủ cơ sở thu mua đinh lăng nhận định.
Dân loay hoay tìm hướng đi mới
Ông Phạm Văn Thịnh ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định), từng trồng đến hơn 2 mẫu đinh lăng trong một thời gian dài nhưng từ khi giá rẻ ông bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây màu khác hiệu quả hơn.
Ông Thịnh chỉ giữ lại diện tích trồng đinh lăng chưa đến tuổi thu hoạch. Hiện tại, do chưa tìm được loại cây có thể gắn bó lâu dài nên trước mắt ông trồng các loại cây màu theo mùa như: lạc, hành củ, dưa….để có thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Nói về cây đinh lăng ông Thịnh cho hay, với giá bán đinh lăng như hiện tại thì trồng chỉ đủ tiền thuê người làm cỏ chứ chưa nói đến tiền đầu tư ban đầu khác nên người dân không thiết tha và chuyển sang loại cây khác như ông.
Người thì tiếc giá rẻ muốn giữ lại đinh lăng đợi giá tăng lên. Trong lúc chờ thì trồng xen cây ăn quả vào. Nhiều người mới trồng đinh lăng thì phá bỏ hết chuyển sang trồng các loại cây màu khác….
Vì giá đinh lăng rẻ, quá bèo bọt lại hay bị chết vì sâu bệnh nên nhiều người dân huyện Hải Hậu (Nam Định) chuyển sang trồng cây ăn quả. |
“Nhiều lần công ty dược liệu Traphaco cũng về tập huấn kỹ thuật trồng đinh lăng và thu hoạch đinh lăng, tôi cũng được mời đi thăm dự. Khi thắc mắc sao công ty lại mua cho bà con với giá thấp như thế thì phía công ty cho biết vẫn thu mua với giá như cũ và thậm chí còn cao hơn…Sau đó chúng tôi mới té ngửa ra là các cơ sở thu mua đinh lăng về sơ chế đã cố tình hạ giá…”, ông Thịnh tiết lộ.
Theo ông Thịnh, cây đinh lăng ở trồng ở huyện Hải Hậu có dược tính cao. Nhưng do hiện tại giá đinh lăng rẻ mạt nên bà con ở đây bỏ diện tích đến 80%. Qua báo Dân Việt, ông Thịnh và nhiều hộ trồng đinh lăng mong muốn các công ty dược nên xem lại khâu trung gian, khâu đứng ra thu mua đinh lăng. Nếu xác định xây dựng vùng nguyên liệu lâu dài, nên thu mua đinh lăng cho nông dân với mức đảm bảo bà con có lãi…
Nguồn: vietnamnet