Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể giảm xuống còn 2,7% do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng sẽ tăng lên 7% năm 2021.
Theo Hãng tin Reuters, đại diện của IMF tại Việt Nam, ông Francois Painchaud, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay chỉ còn khoảng 2,7%, giảm mạnh so với mức trung bình khoảng 7% trong các năm 2018 và 2019.
“Một số lĩnh vực kinh tế dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là du lịch, giao thông vận tải và dịch vụ lưu trú”, ông Francois Painchaud nhận định.
Ông cho rằng có các nguyên nhân như áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phòng dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu và do nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu…
Tuy nhiên vị đại diện của IMF tại Việt Nam cũng cho rằng mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ khởi sắc hơn, tăng lên khoảng 7% trong năm tới, sau khi các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ và có thêm hỗ trợ từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính.
Tuần trước, ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á của Hãng tư vấn Capital Economics, nhận định với Đài CNBC (Mỹ) rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 0,5%, thấp hơn nhiều so với con số 7% năm 2019.
Ông Leather cho rằng nguyên nhân chính khiến tăng trưởng của Việt Nam suy yếu chính là tình hình ảm đạm chung của thế giới.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất của khu vực với xuất khẩu chiếm hơn 70% GDP, và vì thế sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn đa số” – ông Leather giải thích.
“Xuất khẩu của Việt Nam đã suy giảm 12,1% trong tháng 3-2020 so với trước đó một năm, còn ngành du lịch vốn đóng góp 4% cho GDP đang loay hoay tìm lối mới” – chuyên gia Leather nói.
Trước đó, sáng 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 là 5%.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau thời gian chống dịch bệnh, đây là cơ hội trăm năm cho doanh nghiệp Việt Nam, nên nếu không biết tận dụng, nắm bắt thì doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) sẽ giành cơ hội đó.
Ông dẫn chứng 4 tháng đầu năm cam kết FDI đạt 12 tỉ USD, tăng trở lại và cao hơn so với năm trước, cho thấy đầu tư của FDI tốt.
Thêm nữa là có hơn 80 tỉ USD rút khỏi quỹ đầu tư trái phiếu, thị trường mới nổi, nhưng Việt Nam vẫn được xếp hạng 12 thị trường mới nổi về tài chính, cho thấy tiềm năng của Việt Nam luôn bền vững ngay cả trong thời điểm rất nhiều khó khăn.
Nguồn: tuoitre.vn