Hơn 33 triệu người Mỹ nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 7 tuần qua, và con số này chưa dừng lại. Phía sau số liệu thống kê lạnh lùng đó, biết bao người lần đầu đối mặt với tình huống chưa từng có trong đời.

Bi kịch từ thất nghiệp ở Mỹ - Ảnh 1.

Một người vô gia cư đi qua khách sạn Hyatt ở Washington, Mỹ ngày 8-5-2020, khi khách sạn này đang đóng cửa hoàn toàn vì COVID-19

Một trận “đại hồng thủy” đang quét qua thị trường lao động Mỹ, và sự hủy diệt của nó vẫn đang tiếp diễn.

Ông Nick Bunker (giám đốc nghiên cứu kinh tế của trang thông tin việc làm Indeed chia sẻ nhận định với tờ USA Today)

Tỉ lệ người bị rơi vào cảnh thất nghiệp ở Mỹ liên tục thiết lập các kỷ lục mới những ngày qua khi nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang loay hoay xử lý đại dịch COVID-19, cho đến chiều 9-5 (giờ Việt Nam) đã cướp đi mạng sống của gần 79.000 người.

Những câu chuyện nhói lòng

Dù mức độ ảnh hưởng không đồng đều giữa các lĩnh vực ngành nghề, song gần như rất ít mảng trong nền kinh tế Mỹ thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Phụ nữ, người trẻ và người da màu là những người chiếm tỉ lệ cao hơn trong số người thất nghiệp.

Báo USA Today trích dẫn một số nghiên cứu đánh giá cho thấy mặc dù bang nào cũng phải cắt giảm số việc làm kỷ lục, song những bang có thế mạnh về du lịch và sản xuất chứng kiến mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn.

Sau vài chục năm làm việc trong mảng kinh doanh cho các khách sạn và trung tâm hội nghị, ông Tim Yabor – 55 tuổi, ở Philadelphia – lần đầu tiên nhận thông báo bị sa thải trong đời chỉ sau “vài phút trao đổi với sếp qua ứng dụng Zoom”.

Chia sẻ với Đài CBS, Tim cho biết ông mất ngủ khi phải đối mặt với quá nhiều nỗi lo cùng lúc như thanh toán tiền ăn, các hóa đơn dịch vụ và tiền trả góp mua nhà mà chưa biết phải tính sao sau khi bất ngờ không còn thu nhập.

Người đàn ông này thậm chí cũng đã chần chừ đứng lại trước một ngân hàng thực phẩm dành cho người nghèo nhưng rồi không thể vào vì nghĩ “mình vẫn chưa khó khăn như những người đang xếp hàng chờ ở đó”. Dù sao lúc này vợ ông vẫn còn giữ được việc làm trong ngành bảo hiểm và cả nhà vẫn còn có thể trông cậy vào đó.

Cũng như ông Tim, sau 20 năm làm trợ lý cho một văn phòng luật sư, chị Saleena Temple không hề chuẩn bị cho tình huống một ngày nhận được điện thoại của cấp trên nói văn phòng luật này sẽ đóng cửa vĩnh viễn. Hai tuần sau đó, chị nhận được thông báo bảo hiểm y tế (được văn phòng luật mua cho nhân viên) cũng bị cắt từ cuối tháng 3.

Chị Saleena Temple vốn mắc chứng thiếu sắt trong suốt một thời gian dài và bệnh này kéo theo trục trặc ở tim. Tháng 11 năm ngoái, chị đã phải vào viện. “Tôi không thể lấy thuốc nữa vì không có bảo hiểm y tế. Tôi cũng không thể tiếp tục điều trị với bác sĩ ban đầu vì không có tiền trả phí”, chị chia sẻ.

Tình thế của chị Erin McCahill cũng éo le không kém. Chị từng là giám đốc kinh doanh cho một hãng viễn thông lớn và mới đây chị cũng đã phải tìm việc trên một hội chợ việc làm trực tuyến ở Philadelphia vì tới giờ chị vẫn chưa nhận được cả tiền bảo hiểm thất nghiệp lẫn khoản tiền hỗ trợ của chính phủ, trong khi mọi thứ cần phải chi tiêu vẫn dồn tới mỗi ngày.

Bi kịch từ thất nghiệp ở Mỹ - Ảnh 3.

Nguồn

Tỉ lệ thất nghiệp choáng váng

Bộ Lao động Mỹ ngày 8-5 thông báo tỉ lệ thất nghiệp trung bình toàn nước Mỹ trong tháng 4 là 14,7% với 20,5 triệu việc làm bị mất. Riêng trong tuần qua có thêm 3,2 triệu người Mỹ nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sự suy sụp của nền kinh tế vì đại dịch COVID-19 ở Mỹ đã diễn ra với tốc độ thực sự choáng váng.

Nếu trong tháng 2, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,5%, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, thì chỉ tới tháng 4, tức là sau 2 tháng, tỉ lệ này đã vọt lên 14,7%. Đó là tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trước nay, kể từ khi Bộ Lao động Mỹ có những thống kê dữ liệu này. Đây cũng là tỉ lệ cao hơn mọi thời ở Mỹ, kể từ sau giai đoạn Đại khủng hoảng (cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng toàn thế giới chủ yếu diễn ra trong những năm 1930, bắt đầu từ Mỹ).

Báo cáo theo tháng của Bộ Lao động Mỹ đã phần nào cung cấp bức tranh rõ ràng nhất về quy mô cũng như chiều sâu của tổn thất kinh tế, và cả tốc độ càn lướt quá nhanh của “bão COVID-19” trên toàn lãnh thổ Mỹ.

Nhưng dù thế, theo giới quan sát, số liệu này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế vốn còn ảm đạm hơn nhiều. Trang Politico cho biết dữ liệu công bố trong báo cáo chính phủ mới chỉ cập nhật tới hết tuần thứ 2 của tháng 4. Trong khi đó, căn cứ vào gần 33,5 triệu người thất nghiệp trong 7 tuần qua, sẽ thấy con số tăng thêm trong 2 tuần cuối tháng 4 sẽ còn nhiều hơn nữa.

Ông Ernie Tedeschi, chuyên gia kinh tế học về thị trường lao động tại Washington, ngày 8-5 cho rằng những dữ liệu cập nhật theo thời gian thực cho thấy tỉ lệ thất nghiệp hiện tại ở Mỹ thực sự phải là 20% chứ không phải 14,7%. Tờ New York Times cho biết liên quan tới cách phân loại người lao động, Bộ Lao động Mỹ cũng cho rằng tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 4 rất có thể đã tiệm cận mức 20%.

Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ dự đoán tỉ lệ thất nghiệp thường niên năm nay ở Mỹ sẽ là 11,4% và sẽ còn duy trì ở mức trên 10% trong năm 2021.

Dù vậy, cơ hội để nền kinh tế hồi phục nhanh chóng vẫn còn nếu dịch bệnh thuyên giảm và các doanh nghiệp vốn có tiềm lực vững ở giai đoạn trước dịch sẽ mở cửa trở lại và dần lấy lại đà hoạt động bình thường. Điểm sáng đáng chú ý nhất trong báo cáo ngày 8-5 của Bộ Lao động Mỹ là gần 80% những người từng bị tạm thời thất nghiệp cho biết sẽ trở lại công việc trong vài tháng tới.

Nhiều công việc có thể mất vĩnh viễn

Bà Diane Swonk, chuyên gia cố vấn kinh tế người Mỹ và là nhà kinh tế trưởng tại Công ty Grant Thornton chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính doanh nghiệp, nhận định nhiều công việc có thể bị mất vĩnh viễn sau đại dịch.

“Đây sẽ là một thực tế khó khăn. Những công việc đã mất này là mãi mãi, không phải tạm thời”, bà Swonk nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bi kịchhưởng trợ cấp thất nghiệpkhách sạnMỹ

Các tin liên quan đến bài viết