Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình thông tin với VietNamNet về 2 thuộc cấp cũ bị bắt tạm giam liên quan tới vụ án Nguyễn Xuân Đường.

Trong số 4 bị can bị CQĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” tuần qua có 2 cán bộ thuộc Sở Tư pháp: Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá Phạm Văn Hiệp (SN 1984) và đấu giá viên Vũ Gia Thành (SN 1977).

Ông Đinh Trọng Xá, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Thái Bình, hiện đang giữ chức Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ cho biết: “Một số cán bộ vừa bị bắt tạm giam, tôi chưa nắm được nội dung ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ’ là cụ thể ở vụ việc nào. Những vụ việc đấu giá trước kia, chúng tôi cũng không nhận được nội dung đơn thư, khiếu nại nào liên quan tới cán bộ chấm đấu giá”.

Nguyên GĐ Sở Tư pháp chia sẻ về 2 cán bộ bị bắt trong vụ Đường Nhuệ
Cơ quan CSĐT đọc lệnh bắt tạm giam bị can Trịnh Thị Minh Thúy (áo màu cam)

“Năm 2018, thời điểm anh Hiệp làm Phó giám đốc Trung tâm đấu giá có bị Nguyễn Xuân Đường có nhiều hành vi đe dọa, dọa dẫm…, những thông tin trên đều giao cho Thanh tra Sở Tư pháp xử lý” –  ông thông tin.

Câu kết tinh vi

Trao đổi với VietNamNet 1 ngày trước khi bị bắt, ông Phạm Văn Hiệp cho biết, năm 2018 ông đã từng bị Nguyễn Xuân Đường nhắn tin, đe dọa, khủng bố tinh thần. Sự việc được ông báo lên cơ quan công an.

Nguyên GĐ Sở Tư pháp chia sẻ về 2 cán bộ bị bắt trong vụ Đường Nhuệ
Một dự án bất động sản tại xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương

Lý do bị đe dọa, ông Hiệp cho biết: “Tôi làm công khai quá, minh bạch ai cũng biết thì họ ăn gì. Trung tâm tôi đã đấu giá bán được gấp 2 – 3 lần khởi điểm như bán ở Vũ Hội, tôi đấu từ 5 triệu/m2 lên 17 triệu/m2 nên họ phải bỏ cọc. Những thông tin họ mua được nhiều cũng là khoe khoang thôi, như chúng tôi đấu giá 46 lô đất ở Vũ Ninh, Đường khoe trên Facebook là vợ nó trúng hơn 30 lô nhưng thực tế, Dương chỉ trúng 5 lô”.

Chia sẻ về cách thức đấu giá của vợ chồng Đường Nhuệ, ông Phạm Văn Hiệp nói: “Họ thông đồng, bảo là bán hồ sơ đấu giá nhưng ỉm đi, chỉ bán cho độ 10 người nhà rồi nghe ngóng, nếu không lộ sẽ cho đặt cọc, tổ chức đấu giá luôn. Như vậy làm gì có ai biết mà đấu với họ và như thế, họ sẽ mua được đất với giá gần như bằng khởi điểm. Nếu lộ ra họ phải ‘đàm phán’ với người khác, cũng phải bỏ ít tiền để người khác rút… Thực sự họ câu kết với nhau rất tinh vi, tôi làm trong ngành mới hiểu được”.

Ông Hiệp nói, hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất rất phổ biến tại các địa phương trong tỉnh Thái Bình.

Nguyên GĐ Sở Tư pháp chia sẻ về 2 cán bộ bị bắt trong vụ Đường Nhuệ
Trụ sở công ty của vợ chồng Đường Nhuệ
“Thực ra, tôi không quan tâm đến việc đấu giá. Tôi không phải người địa phương, đây không phải chỗ làm ăn. Tôi dính vào tôi chết. Phải cực kỳ sạch sẽ mới khống chế được chúng. Chúng rất cay tôi. Nhưng tôi không nghĩ chúng (vợ chồng Đường “Nhuệ”) lại làm mạnh thế. Chúng đe dọa, bắt cóc vợ con, gây sức ép để tôi đi”, ông Hiệp nói.

Ông Hiệp nói: “Đường ‘Nhuệ’ tổ chức đấu giá ‘chui’, nhờ người khác đứng tên, không thông báo đấu giá, mua hóa đơn đài phát sóng…”.

“Làm ‘chui’ thì sẽ không mất tiền đàm phán với những người tham gia đấu giá, nguồn lợi thu được là rất lớn. Dân đến mua hồ sơ nó không bán rồi kêu đàn em đàn áp. Các huyện làm nhiều lắm, bán chui hết”, ông Hiệp nói.

Tuy nhiên, một ngày sau khi trao đổi thông tin với VietNamNet, ông Hiệp bị bắt giữ.

Những bất minh này trùng khớp với các cuộc đấu giá trúng của cặp vợ chồng Dương – Đường, như trúng nhiều lô đất đấu giá; giá đấu trúng rất sát với giá khởi điểm. Ví dụ, ở xã Lô Giang (huyện Đông Hưng), năm 2019, Nguyễn Thị Dương đứng tên đấu trúng 6 lô giá chỉ cao hơn giá khởi điểm từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng/m2; tại xã Đông Phương (Đông Hưng), năm 2018, Nguyễn Thị Dương đứng tên đấu giá trúng trọn gói 20 lô đất (tổng diện tích hơn 4.344 m2) với giá cao hơn giá khởi điểm cho 20 lô có 9,9 triệu đồng…

Trong một cuộc đấu khác cũng tại xã Đông Phương, năm 2018, Dương trúng đấu giá nhiều lô đất (mỗi lô 215 m2) với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm 10.000 đồng/m2. Cụ thể, giá khởi điểm là 1,5 triệu đồng/m2, nhưng Dương trúng với giá 1,51 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, mỗi khi tham gia đấu giá xong mà không “vừa ý”, băng nhóm Đường “Nhuệ” thường có hành vi côn đồ với người đấu giá trúng.

Lãnh đạo xã Song An (huyện Vũ Thư) cho biết, tháng 7/2018, xã có 44 lô đất đưa ra đấu giá. Nguyễn Thị Dương tham gia cả 44 lô, trúng 8 lô, thời điểm hiện tại mới nộp tiền 4 lô.

“Một người trúng đấu giá bị người của Đường ‘Nhuệ’ uy hiếp phải vào ủy ban xã trú chân. Một cô giáo tiểu học đấu trúng 2 lô  cũng bị người của Đường đe dọa, sợ không dám về. Chúng tôi phải nhờ Công an huyện về tăng cường an ninh”, lãnh đạo xã Song An cho hay.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đấu giáĐường NhuệNguyễn Xuân ĐườngSở tư phápThái Bình

Các tin liên quan đến bài viết