Ngày 13-4, đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã làm việc với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Vũ Trọng Lâm, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật làm trưởng đoàn về việc thực hiện đề án trang bị sách ở cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Dự và làm việc với đoàn còn có đồng chí: Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

SÁCH CHƯA ĐẾN ĐƯỢC VỚI NGƯỜI DÂN

Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hiện được trang bị sách từ 3 nguồn: tủ sách pháp luật; sách ở nhà văn hóa cộng đồng và sách từ đề án trang bị sách ở cơ sở (gọi tắt là đề án). 3 tủ sách được quản lý và đặt tại nhiều vị trí, có nơi vì sợ mất phải đặt tủ sách thuộc đề án trong phòng bí thư đảng ủy xã, do đó sách chưa đến được với người dân, hiệu quả khai thác, sử dụng chưa cao.

Thành viên đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát việc thực hiện đề án tại xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản

Theo dự thảo báo cáo tại buổi làm việc, từ năm 2011-2016, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 13 đợt với 66.000 cuốn sách và đĩa CD-ROM của NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật. Phần lớn các ấn phẩm của đề án có nội dung thiết thực, trình bày dưới dạng hỏi – đáp dễ hiểu, dễ tra cứu, vận dụng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác dân tộc, tôn giáo… Tuy nhiên, việc trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn hiệu quả chưa cao. Số lượng người đến khai thác và sử dụng rất ít. Mặt khác, những sách nội dung về pháp luật, các quy định thường có thay đổi mà tài liệu của đề án chưa cập nhật được.

Xã Thanh Bình (Hớn Quản) có 3 tủ sách. Tủ sách pháp luật và tủ sách của đề án đặt tại hội trường và 1 tủ sách đặt tại nhà văn hóa cộng đồng. Khi đoàn khảo sát đến làm việc tại xã, chỉ tủ sách của đề án là mở sẵn, còn tủ sách pháp luật bên cạnh vẫn đang khóa. Ông Nguyễn Tất Hải, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thanh Bình cho biết: Tủ sách được khóa vì sợ thất lạc sách. Chỉ khi nào có hội nghị mới mở cho nhân dân đọc. Đối tượng đọc sách và các tài liệu chủ yếu là cán bộ, đảng viên ở xã. Từ năm 2011-2016, mỗi năm xã được nhận 4 đợt sách, mỗi đợt nhận 2 bộ với 279 đầu sách. Sau khi nhận các ấn phẩm từ đề án, xã chuyển 1 bộ sách cho tủ sách cơ sở, 1 bộ lưu giữ tại tủ sách Đảng ủy xã để khai thác, sử dụng.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Phường Phú Thịnh (Bình Long) chưa có phòng đọc sách riêng mà dùng chung với phòng tiếp dân. Ông Đào Xuân Thi, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường cho biết: Từ năm 2011 đến nay, phường được trang bị 20 đợt với 435 đầu sách, đĩa CD-ROM, CD Audio từ đề án sách. Sách của đề án hầu hết đặt tại trụ sở UBND phường, không thuận tiện cho nhân dân đến đọc và mượn sách. 5 năm qua có 220 lượt bạn đọc mượn sách. Việc khai thác sử dụng sách ở phường chủ yếu phục vụ công việc hằng ngày của cán bộ phường. Cán bộ quản lý, khai thác, sử dụng sách kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nên thiếu kinh nghiệm trong quản lý, không có chế độ phụ cấp.

Bà Nguyễn Thị Lũy, Bí thư Chi bộ khu phố Phú Nhuận, phường Phú Thịnh (Bình Long) kiến nghị: “Người dân tham gia các lớp tập huấn nhưng không nhớ được lâu, mong muốn được trang bị sách về kỹ thuật nông nghiệp”.

SẼ GỘP CÁC TỦ SÁCH?

Tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Tuyết Minh khẳng định đề án là rất cần thiết đối với cán bộ cấp cơ sở trong 5 năm qua. Tuy nhiên, có nơi tủ sách đặt trong phòng bí thư đảng ủy, không phải ai cũng sử dụng được. Để phát huy hiệu quả đề án, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Tuyết Minh đề nghị: Đoàn khảo sát giới thiệu thêm những mô hình làm tốt trên cả nước để Bình Phước học tập, phổ biến nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, đề nghị giảm sách lý luận, nghiên cứu, tăng cường thêm sách lĩnh vực kiến thức nông nghiệp, hỏi – đáp pháp luật. Khi thực hiện đề án, nên phát hành liên tục, tránh tình trạng không cấp sách như trong năm 2014 để phát huy hiệu quả tốt hơn.

Không phải ai cũng biết cách truy cập internet để xem thông tin. Chúng tôi vẫn cần sách nhưng không có để đọc. Người dân đi làm việc cả ngày, không thể đến phường đọc sách trong giờ hành chính, chỉ chờ bí thư chi bộ mượn sách về rồi luân phiên đọc, nhưng những sách về pháp luật rất ít đầu sách, chưa phục vụ đủ nhu cầu.

Bí thư Chi bộ khu phố Phú Hòa, phường Phú Thịnh NÔNG THỊ GIỚI

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật Vũ Trọng Lâm nhấn mạnh: Việc bảo quản, khai thác, sử dụng sách phải để chính quyền cơ sở quyết định cho phù hợp tình hình, không nên đưa ra quy định chung áp dụng rộng rãi. Nên để sách thuộc đề án chung với tủ sách pháp luật nhằm thuận tiện quản lý, nhân dân dễ tìm đọc. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp để khai thác, sử dụng sách hiệu quả, tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện đề án để đề xuất giải pháp thực hiện ngày càng tốt hơn. Quản lý sách nhưng phải làm sao phát huy hiệu quả, sách phải đến được với người dân có nhu cầu đọc. Tăng cường công tác tuyên truyền danh mục sách ở cơ sở, luân chuyển sách, copy đĩa CD để người dân đọc sách bằng nhiều hình thức. Đề nghị tỉnh chỉ đạo Thư viện tỉnh mở lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý sử dụng sách đối với cán bộ kiêm nhiệm thực hiện đề án.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền cảm ơn đoàn đã góp ý để tỉnh thực hiện đề án tốt hơn trong thời gian tới và cho biết tỉnh có hướng gộp tủ sách pháp luật với sách của đề án nhằm bố trí hợp lý, tăng cường hiệu quả sử dụng. Tăng cường trách nhiệm của bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn đối với đề án; luân chuyển sách cho cơ sở, khai thác sử dụng hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền thông qua các tổ chức chính trị, hội, đoàn thể nhằm phát triển văn hóa đọc trong đảng viên và nhân dân. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy và ngành để thực hiện nhóm giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đề án. Thanh lọc những cuốn sách không còn phù hợp theo thời gian để người dân dễ tìm và đọc sách khi có nhu cầu. Theo dõi, phát hiện cách làm hay ở cơ sở để nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh. Đề án rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi thông tin mạng xã hội mang tính đại chúng nhưng tính chính xác chưa cao, báo đảng và tủ sách ở cơ sở mới là kênh tuyên truyền, định hướng của Đảng đến các chi bộ, đoàn thể, nhân dân.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn

Từ khóa : 24h Bình PhướcsáchThư viêntran bị sáchvăn hóa đọc

Các tin liên quan đến bài viết