Ở nhà chống dịch COVID-19 có thể là một khoảng thời gian tuyệt vời để ‘sống chậm’ và dành thời gian cho những người thân yêu. Nhưng cũng có thể là địa ngục đối với những người chịu cảnh bạo lực gia đình.
Ngày 5-4, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Manuel de Oliveira Guterres viết trên Twitter kêu gọi các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để chống lại sự gia tăng bạo lực gia đình, đặt sự an toàn của phụ nữ và trẻ em lên hàng đầu.
Thông báo này xuất hiện sau khi có những báo cáo về sự gia tăng tình trạng bạo lực gia đình một cách đáng báo động, đặc biệt từ sau khi các quốc gia áp dụng quy định cách ly tại nhà chống COVID-19.
Thống kê của Bộ lao động và phúc lợi Hồng Kông cho thấy, năm 2019 có 2.920 báo cáo về các vụ lạm dụng trong nước. Trong đó, 2.13 trường hợp lạm dụng thể chất, 311 trường hợp lạm dụng tâm lý và 20 trường hợp lạm dụng tình dục, 276 trường hợp liên quan đến nhiều loại lạm dụng. Phụ nữ chiếm 84,2 % nạn nhân.
Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng 243 trường hợp báo cáo, nhưng riêng năm 2020, chỉ tính riêng trong tháng 3 đã có tới hơn 900 cuộc gọi.
Trong khi đó, các tổ chức xã hội Tây Ban Nha nhận số cuộc gọi báo cáo tăng hơn 18% trong hai tuần đầu tiên phong tỏa quốc gia.
Cảnh sát Pháp cũng đã báo cáo mức tăng đột biến tới 30% các bạo lực gia đình trên toàn quốc. Tình trạng gia tăng bao lực gia đình xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới bất kể được đánh giá là quốc gia phát triển hay không.
Đây đang là một vấn đề được báo động trên toàn thế giới, song song cùng cuộc chiến chống COVID-19.
Bạo lực gia đình đến từ rất nhiều nguyên nhân, ở mọi đối tượng. Phần lớn nạn nhân là phụ nữ. Họ phải chịu cảnh bạo lực tình dục, bạo hành thể chất, ngôn ngữ và nhiều cách thức tra tấn tinh thần khác.
Thông thường, những nạn nhân vì nhiều lý do thường bị che giấu với xung quanh bằng vỏ bọc gia đình hạnh phúc. Có nhiều người chịu đựng trong nhiều thập niên.
Nếu trước đây khi COVID-19 chưa xuất hiện, cả hai vợ chồng đi làm không gặp nhau nhiều nên số lần bị bạo hành không nhiều thì trong thời gian nghỉ việc ở nhà tránh dịch việc này trở nên tồi tệ hơn. Nhiều ông chồng dành thời gian uống rượu, đánh đập, chửi bới và tấn công tình dục vợ mình.
Khi không thể chịu đựng thêm, những nạn nhân của bạo lực gia đình mới tìm đến cảnh sát hoặc các trung tâm cứu trợ.
Mandy Wong Nga-sze, một chuyên viên tại Liên đoàn Phụ nữ Hồng Kông cho biết những người phụ nữ đến đây sẽ được chăm sóc sức khỏe và tư vấn về chuyện ly hôn. “Để làm chậm sự lây lan của virus, mọi người được khuyên nên ở nhà. Sự thay đổi này giống như thể nhốt con thú dữ và nạn nhân trong chuồng”, Wong nói.
Một đối tượng khác dễ bị tổn thương nhất trong bạo lực gia đình là những đứa trẻ. Tổ chức Chống lạm dụng trẻ em Hồng Kông cho biết họ đã nhận được nhiều cuộc điện thoại báo cáo trường hợp hàng xóm đang lạm dụng trẻ em về thể xác và lời nói ở nhà.
Tình hình báo động tới mức Cục phúc lợi xã hội Hồng Kông và các tổ chức phi chính phủ phải điều chỉnh cách xử lý, công bố đường dây nóng để hỗ trợ người dân.
Tại một số quốc gia, nạn nhân được khuyên chuẩn bị sẵn hành lý với vật dụng cần thiết để rời khỏi nhà và sẽ không bị xử lý nếu ra đường với lý do này.
Tuy vậy, bao lực gia đình vẫn đang là một vấn đề nhức nhối. Các chuyên gia cảnh báo rằng đối với các nạn nhân của bạo lực gia đình, việc phải dành nhiều thời gian ở nhà với những kẻ lạm dụng càng làm tăng thêm căng thẳng vì sợ bạo hành, sự cô lập xã hội liên quan đến COVID-19, cũng như các vấn đề thất nghiệp, khó khăn tài chính và phải chăm sóc họ bọn trẻ.
Không ít người nộp đơn ly hôn nhưng trong tình hình mọi nơi đều tạm ngưng hoạt động để chống dịch thì việc phán quyết bị hoãn lại vô thời hạn.
Và vì nhiều lý do, thanh danh họ hàng, muốn con đủ cha đủ mẹ, phụ thuộc kinh tế, thủ tục chậm… họ lại tiếp tục chịu đựng bạo lực từ người từng thề non hẹn biển với mình.
Nguồn: tuoitre.vn