Lợi dụng dịch Covid-19, một số tà giáo tuyên truyền ngày tận thế; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; quyên góp mang danh nghĩa tôn giáo.
Ban Tôn giáo Chính phủ vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng dịch bệnh để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Cảnh giác với quyên góp mang danh nghĩa tôn giáo
Văn bản nêu rõ, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 và chủ trương tạm dừng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người của Thủ tướng Chính phủ, một số giáo phái, hiện tượng tôn giáo cực đoan đang có biểu hiện đẩy mạnh hoạt động, tuyên truyền về ngày tận thế, hù dọa, lôi kéo người tin theo để trục lợi.
Các tổ chức này có ý định thông qua hoạt động từ thiện nhân đạo để xây dựng hình ảnh, gây dựng thiện cảm, tìm chỗ đứng trong xã hội. Tình hình hiện nay cũng dễ dẫn tới tình trạng “biến gia vi tự” xảy ra nhiều hơn ở một số tôn giáo và tín ngưỡng.
Một số cá nhân cực đoan trong tôn giáo đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gây mất an ninh trật tự.
Trước tình hình trên, Ban Tôn giáo Chính phủ kính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, chính quyền các cấp ở địa phương cùng với việc tạm dừng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người để phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Tạm dừng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung đông người để phòng chống dịch Covid-19 |
Cùng với đó nâng cao cảnh giác và tăng cường công tác tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện kịp thời và tổ chức đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các giáo phái Tin Lành cực đoan như “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”, “Ân điển cứu rỗi”, “Con đường ân huệ”, “Tân thiên địa” và các tổ chức, hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo cực đoan khác.
Đồng thời, xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi: Tuyên truyền, phổ biến các thông tin sai sự thật, gây hoang mang về dịch bệnh; hành vi lợi dụng dịch bệnh để hoạt động mê tín dị đoan và hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi.
Ban Tôn giao Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành cảnh giác với các khoản quyên góp, ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19 của các tổ chức, cá nhân mang danh nghĩa tôn giáo nhưng chưa rõ về nguồn gốc, giáo lý và tính hợp pháp của tôn giáo đó.
Trường hợp nghi ngờ, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương thẩm định, đề xuất nhằm đảm bảo vừa huy động được các nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng chống dịch vừa tránh sự lợi dụng của “tà giáo”.
Ngay sau khi hết dịch bệnh Covid-19, sớm đưa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thuần túy, hợp pháp trở lại bình thường theo quy định của pháp luật, ngăn chặn việc cố tình kéo dài hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại tư gia để biến nhà riêng thành nơi thờ tự.
Quá trình thực hiện nếu phát hiện vấn đề phức tạp, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành thông tin kịp thời về Ban Tôn giáo Chính phủ để phối hợp giải quyết.
Dừng ngay tất cả hoạt động tôn giáo tập trung đông người
Ngoài ra, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng gửi văn bản đến lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị lãnh đạo Giáo hội hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ và các cơ sở thờ tự, dừng ngay tất cả các hoạt động tôn giáo tập trung đông người.
Trường hợp lễ buộc, lễ trọng thật cần thiết thì không tổ chức tập trung quá 20 người, giữ khoảng cách 2m/người và đeo khẩu trang và các thiết bị y tế cần thiết khác để phòng dịch.
Việc này triển khai từ 0h ngày 28/3, thời gian duy trì tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh, cho đến khi Chính phủ có chỉ đạo tiếp theo.
Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị kiểm tra, rà soát nhanh các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thuộc tôn giáo có nguy cơ lây nhiễm cao, có các biểu hiện ho, sốt, khó thở… để phát hiện sớm, kịp thời báo cáo với cơ quan y tế và chính quyền địa phương để tổ chức theo dõi, điều trị và cách ly.
Đồng thời, vận động và chỉ dẫn tín đồ hạn chế di chuyển và chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết; không tổ chức tiếp tế cho người thân ở các cơ sở cách ly tập trung; không phân biệt đối xử đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế trở về địa phương hoặc do công việc phải đến các khu vực có nguy cơ nhiễm Covid-19, thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Cùng đó, tiếp tục vận động tín đồ và nhân dân ở địa phương rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh nghi có các biểu hiện nhiễm bệnh.
Tín đồ không mua bán tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang giã; không đầu cơ tích trữ lương thực, thực phẩm để đẩy giá, tăng giá; tăng cường sử dụng phương tiện công nghệ thông tin, liên lạc từ xa phục vụ sinh hoạt tôn giáo; Vận động và huy động sự ủng hộ kinh phí, vật chất, nhu yếu phẩm… để đồng hành cùng chính quyền phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Nguồn: vietnamnet