Quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2 vì lo ngại dịch COVID-19 trong khi nhiều nước vẫn đảm bảo được các điều kiện để học sinh được đi học bình thường đã phát sinh không ít quan ngại trái chiều.
Học sinh nước nào vẫn đi học?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành xem xét cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 2. Quyết định này được người có điều kiện trông giữ con vui mừng và cảm giác yên tâm hơn.
Nhưng với đại đa số ông bố, bà mẹ ngày ngày vẫn phải đến công sở, đến nhà máy…, nỗi lo lắng càng thêm chồng chất vì không biết gửi con ở đâu trong suốt nửa tháng còn lại. Câu chuyện nghỉ hay học vì thế đã nổ ra cuộc tranh cãi quyết liệt trên mạng xã hội.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Tính đến ngày 18-2, Việt Nam không có trường hợp nào tử vong do dịch. Trong số 16 người mắc bệnh, 9 người đã được điều trị khỏi tính đến sáng 18-2.
Số người mắc bệnh tại Việt Nam ít hơn rất nhiều so với 519 người mắc tại Nhật Bản, 77 người mắc tại Singapore, 35 người mắc tại Thái Lan, 30 người mắc tại Hàn Quốc. Nhưng chẳng nước nào trong số này cho học sinh cả nước nghỉ học.
Tại Nhật Bản, không chỉ trường học mà các nhà máy, công sở, ga tàu điện, xe buýt vẫn hoạt động bình thường. Điều khác biệt duy nhất là những nơi này kiểm tra sức khỏe trước giờ làm, giờ học. Rửa tay và đeo khẩu trang được thực hiện chặt chẽ hơn trong ý thức cộng đồng. Thông tin về phòng chống dịch bệnh được dán ở những nơi công cộng để người dân theo dõi và áp dụng.
Tại Singapore, bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore lập luận học sinh ở nhà vẫn có thể nhiễm bệnh. Ngoài ra, nếu cho học sinh nghỉ, không ai dám chắc các em sẽ ở nhà, trong khi chương trình học bị gián đoạn, công việc của các phụ huynh xáo trộn. Do đó, các trường ở Singapore vẫn giảng dạy bình thường.
Tại Thái Lan, một trong những quốc gia thu hút khách du lịch bậc nhất châu Á, nhịp sống sôi động vẫn tiếp diễn như mọi khi trên các chợ nổi, chợ đêm, khu tham quan. Các trung tâm thương mại khách ra vào tấp nập, các trường học vẫn hoạt động bình thường. Hàn Quốc quy định chỉ ở khu vực có người nhiễm thì học sinh mới phải nghỉ học, còn những nơi chưa có người nhiễm virus, học sinh vẫn đi học bình thường.
Vận động là phòng dịch tốt nhất
Trước thông tin học sinh sẽ được nghỉ đến hết tháng 2, chị Phương Dung (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi có 2 cháu, cháu lớn năm nay lớp 9, cháu nhỏ mới 2 tuổi. Từ lúc các cháu nghỉ học, tôi phải nghỉ theo.
Không hiểu sao nhiều nước có người nhiễm bệnh nhưng học sinh vẫn đi học bình thường, trong khi Việt Nam lại cho nghỉ. Tôi thì tôi tin hệ thống giáo dục và y tế của chúng ta có thể đảm bảo an toàn cho con tôi. “.
Theo chị Kiều Thu (định cư tại Sendai, Nhật Bản), con chị đi học hằng ngày được chị trang bị thêm khẩu trang và được nhà trường đo thân nhiệt, sát khuẩn tay tại cổng trường.
“Vật dụng trong trường cũng được khử trùng vào các ngày nghỉ cuối tuần và mỗi cuối ngày. Giờ ra chơi, học sinh được khuyến khích ra sân, vận động dưới ánh nắng, bổ sung vitamin trong các bữa ăn để giữ thể trạng khỏe nhất. Đó là cách phòng bệnh hiệu quả nhất mà vẫn đảm bảo nhịp sống thường ngày”, chị Kiều Thu chia sẻ.
Tại Việt Nam, có lẽ chỉ duy nhất ngành giáo dục cho giáo viên và học sinh, sinh viên ở nhà, còn lại, nhiều lĩnh vực vẫn hoạt động bình thường. Trừ ngành y tế đương nhiên phải đương đầu với dịch, những ngành nghề khác có nhân viên làm việc phải tiếp xúc với nhiều người hay làm việc trong môi trường đông người nhưng đều áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt để duy trì công việc như hàng không, ngân hàng, các nhà máy sản xuất, gia công sản phẩm…
Dù có bất cứ lý do gì thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Nếu sợ dịch mà ngừng mọi hoạt động thì nền kinh tế sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng và người dân thì sống trong nơm nớp lo âu.
Nguồn: tuoitre.vn