Triều Tiên có thể sẽ tỏ ra không sẵn sàng thỏa hiệp về hạn chót, nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu nước này nhận thấy lợi ích của mình trong cách đối xử khéo léo.
Kể từ hồi tháng 4 khi Chủ tịch Kim Jong Un công bố thời hạn cuối năm 2019 cho đàm phán hạt nhân, Triều Tiên đã có những hành động tự tin hơn.
Phóng hàng loạt tên lửa mới cả tầm trung và tầm ngắn, trì hoãn đối thoại cấp độ làm việc và không thỏa hiệp, Bình Nhưỡng tỏ ra sẵn sàng từ bỏ tiến trình phi hạt nhân hóa với Mỹ và Hàn Quốc nếu Washington không đưa ra thêm nhiều nhượng bộ nữa. Bầu không khí tích cực xung quanh các hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đang dần tiêu tan khi hai bên tiến đến hạn chót này.
Rõ ràng, Chủ tịch Kim Jong Un biết rõ Triều Tiên đang ở một thời khắc đặc biệt, khi cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae In đều mong muốn đàm phán. Cơ hội đạt được một thỏa thuận với ông Trump cao hơn so với các ứng viên tổng thống Mỹ khác, thậm chí ông còn sa thải Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, một quyết định được cho là để đảm bảo thiện chí với Bình Nhưỡng.
Triều Tiên tỏ vẻ sẽ chờ ông Trump hết nhiệm kỳ, và theo những tin tức mới nhất, nước này còn dự tính phá hủy khu nghỉ mát Kumgang chung với Hàn Quốc.
Những bước đi đó dường như rất khó hiểu vì chúng có nguy cơ làm tổn hại đến triển vọng của Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán tương lai.
Có thể hiểu Triều Tiên ra thời hạn chót là để tăng đòn bẩy cho mình, nhưng chưa rõ liệu ông Kim Jong Un có chơi quá tay và ông sẽ thực hiện đe dọa thế nào nếu thời hạn chót cứ thế trôi qua. Để tìm hiểu những bước đi hiện tại và tương lai của Kim Jong Un, cần phải mổ xẻ các thành tố trong thời hạn chót mà ông đã đặt ra.
Trong các nghiên cứu về đàm phán, thời hạn chót được đánh giá tương tự một cuộc khủng hoảng, trong đó chủ thể phát đi lời đe dọa nghiêm trọng nhưng ngắn hạn là sẽ phá hỏng một thứ gì đó rất có giá trị với đối phương. Mục đích là buộc đối phương phải nhượng bộ.
Thời hạn chót của Triều Tiên cũng đi theo mô hình tương tự khi nước này dọa đóng cánh cửa đàm phán, tạo ra một đường chân trời ngắn hạn trong viễn cảnh phi hạt nhân hóa dài hạn. Đường chân trời này tiềm tàng giết chết những gì có giá trị nhất với ông Trump và ông Moon, bao gồm tiếp tục tạm ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và nối lại hợp tác chính trị – kinh tế giữa hai miền.
Nhìn theo cách này, nhà lãnh đạo Triều Tiên không hề chơi quá tay hay định từ bỏ cơ hội hiếm có để đạt được thỏa thuận. Thay vào đó, thời hạn chót càng trở nên có giá hơn bằng cách hạ thấp cơ hội và tăng đòn bẩy. Thời hạn chót đó đã đặt ông Kim vào vị thế thuận lợi, vì ông vừa giữ được các yêu sách của mình trong các cuộc đàm phán ở Stockholm, vừa có thể đổ lỗi cho Washington cứng nhắc, kể cả khi Mỹ đã đề xuất hoãn 3 năm cấm vận Liên Hợp Quốc đối với xuất khẩu than và dệt may của Triều Tiên để đổi lấy giải giáp tổ hợp hạt nhân ở Yongbyon.
Bên cạnh đó, bằng cách tạo cảm giác sẵn sàng chờ Tổng thống Trump hết nhiệm kỳ, Triều Tiên hy vọng sẽ buộc nhà lãnh đạo Mỹ phải chấp nhận các yêu cầu về nới lỏng cấm vận ngay lập tức để đổi lấy kéo dài thời gian ngừng thử nghiệm hạt nhân và ICBM, đặc biệt là khi ông Trump bước vào mùa bầu cử.
Còn với Hàn Quốc, bằng cách nhắm tới hy vọng của Tổng thống Moon muốn hồi sinh vùng xuyên biên giới ở Kumgang, Triều Tiên tìm cách gia tăng áp lực buộc Seoul phải xoay lưng với Washington.
Nếu hạn chót cứ thế trôi qua, Bình Nhưỡng vẫn có thể kiểm soát hoàn toàn những gì mình làm tiếp theo. Bình Nhưỡng không tuyên bố rõ có quay trở lại với thử nghiệm hạt nhân và ICBM hay không, thay vào đó nước này chọn thử các tên lửa tầm ngắn và tầm trung nhằm để cho Mỹ và Hàn Quốc phải suy đoán.
Còn có một khả năng nữa, đó là Triều Tiên có thể chơi nước đôi, vẫn thử nghiệm ICBM nhưng tuyên bố sẵn sàng dừng lại nếu Mỹ trở lại bàn đàm phán với một bộ điều khoản mới. Vì muốn gặt hái thành quả từ mong muốn đạt được thỏa thuận của ông Trump và ông Moon, nên ông Kim sẽ không định từ bỏ toàn bộ tiến trình ngay lập tức.
Triều Tiên có thể sẽ tỏ ra không sẵn sàng thỏa hiệp về hạn chót, nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu nước này nhận thấy lợi ích của mình trong cách đối xử khéo léo. Liệu Mỹ và Hàn Quốc có đáp ứng hạn chót đó hay không không quan trọng, vì Bình Nhưỡng sẽ vẫn chiến thắng vì có thể cải thiện chương trình tên lửa và hạt nhân trong lúc điều chỉnh tốc độ đàm phán.
Nguồn: tuoitre.vn