Đó là băn khoăn của nhiều người khi nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều từ 141 đến 147 của Bộ luật hình sự, có hiệu lực từ ngày 5-11-2019.
Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều từ 141 đến 147 của Bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, có hiệu lực từ ngày 5-11-2019.
Nghị quyết 06 hướng dẫn rõ các hành vi giao cấu, quan hệ tình dục khác, dâm ô và các quy định khi xét xử các vụ án xâm hại tình dục.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia pháp lý, vẫn còn nhiều vướng mắc và có thể gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế.
Ranh giới phạm tội rất mong manh
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch – Đoàn luật sư TP.HCM, nghị quyết 06 quy định hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi phải thỏa mãn đồng thời một số dấu hiệu: là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính, là hành vi tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi và hành vi nêu trên phải có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục.
Tuy nhiên không phải bất kỳ người nào đủ 18 tuổi trở lên, khi thực hiện những hành vi nêu trên đều bị coi là tội phạm. Bởi khoản 1, điều 5, nghị quyết 06 đã liệt kê các trường hợp không xử lý trách nhiệm hình sự về tội dâm ô. Theo đó, các trường hợp loại trừ này đều “không có tính chất tình dục”. Song như thế nào là “không có tính chất tình dục” thì nghị quyết lại không đề cập. Điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc xác định có hay không có tội phạm.
Mặt khác, chủ thể được loại trừ trách nhiệm hình sự là “người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật”. Song nghị quyết cũng không quy định rõ “trực tiếp chăm sóc, giáo dục” được hiểu như thế nào. Bên cạnh đó, đối tượng tác động của hành vi này cũng chỉ giới hạn ở “người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật” mà không tính đến những người dù không thuộc đối tượng này nhưng lại bị hạn chế khả năng tự chăm sóc bản thân, cần phải có người khác chăm sóc hộ.
Đồng thời, nghị quyết 06 cũng không loại trừ chủ thể thực hiện hành vi là người thân thích của người dưới 16 tuổi. Như vậy nếu người thân thích của người dưới 16 tuổi (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác ruột…) có hành vi cưng nựng, ôm hôn, vuốt ve bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi (ví dụ như mông, đùi…) theo tập quán của người Việt Nam thì cũng có khả năng phạm tội này nếu không chứng minh được hành vi của họ “không có tính chất tình dục”.
Luật sư Trạch cho rằng trong thực tiễn cuộc sống sẽ còn có nhiều mối quan hệ đan xen, trong gia đình, ông bà, cha mẹ, chú bác dì, anh em chỉ vì thể hiện tình yêu thương con cháu bằng các hành vi âu yếm, vuốt ve mà có thể dẫn đến nhiều cách hiểu và sự nhận thức khác nhau. Bên cạnh đó, sự nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật đối với từng trường hợp sẽ không thống nhất.
Nên bảo vệ trẻ em tối đa
Theo luật sư Nguyễn Văn Hoan – Đoàn luật sư TP.HCM, nghị quyết 06 đã hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết. Song pháp luật không thể liệt kê hết các trường hợp nên có thể có những trường hợp còn bỏ sót hoặc khi xã hội phát triển mà ở thời điểm ban hành pháp luật chưa thể dự liệu hết.
Bên cạnh những quy định về một số tình tiết định tội, nghị quyết này còn nêu ra các trường hợp loại trừ xử lý hình sự như: người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục; người làm công việc khám chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục; đối với trường hợp người làm công tác giáo dục, khám chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người vì mục đích giáo dục, khám chữa bệnh, chăm sóc y tế.
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp thường xảy ra trên thực tế không được nghị quyết loại trừ như: trường hợp cha mẹ gửi con cho hàng xóm và họ tắm rửa cho bé thì có phạm tội dâm ô hay không? Hay tại nơi công cộng đông người dẫn đến chen lấn xô đẩy có thể các bộ phận cơ thể người này tiếp xúc với người dưới 16 tuổi, hoặc có những trường hợp trẻ lười tắm rửa, mặc dù đã trên 10 tuổi, nhưng cha mẹ vẫn buộc phải tắm rửa cho…
Theo luật sư Hoan, với tính chất liệt kê thì rất khó có thể kể hết các hành vi. Điều cần lưu ý là tất cả các hành vi được liệt kê trên chỉ cấu thành tội phạm khi người thực hiện hành vi “có tính chất tình dục”. Tuy nhiên, điều này trong một số trường hợp ranh giới cũng rất mong manh và khó chứng minh. Vì tính chất của hành vi rất nhạy cảm và ranh giới mong manh như vậy nên việc tuyên truyền của Nhà nước là rất cần thiết để người dân hiểu đúng pháp luật và tránh những rủi ro, hệ lụy một cách đáng tiếc.
Còn luật sư Ngô Quang Nhật – Đoàn luật sư TP.HCM – cho rằng hiện nay còn nhiều ý kiến về các quy định trong nghị quyết 06. Tuy nhiên, quy định “khắt khe” như vậy nhằm để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra, bảo vệ trẻ em, người dưới 18 tuổi một cách tối đa. Việc này tốt hơn việc để hở, dễ bị kẻ xấu lạm dụng. Và việc tắm rửa, đụng chạm cơ thể như trên nên để cho cha mẹ, người có chức năng (bác sĩ, cô giáo mầm non…) thực hiện, và những người này được loại trừ xử lý hình sự.
Các trường hợp loại trừ xử lý hình sự
1. Không xử lý hình sự theo quy định tại điều 146 của Bộ luật hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non…).
b) Người làm công việc khám chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước…).
2. Không xử lý hình sự theo quy định tại điều 147 của Bộ luật hình sự đối với trường hợp người làm công tác giáo dục, khám chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người vì mục đích giáo dục, khám chữa bệnh, chăm sóc y tế.
Theo Tuổi Trẻ Online