Gặp gỡ phóng viên Dân Việt trong một ngày mưa, Dương Hồng Sơn – người mới dẫn dắt Trẻ Hà Nội thua Bà Rịa Vũng Tàu 0-1 trong trận chung kết giải hạng Nhì Quốc gia 2019, mất vé thăng hạng Nhất nở nụ cười hiền nói: “Bóng đá là vậy mà, không thể nói trước được điều gì. Mình vấp ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đó thôi!”
Nụ cười hiền mà chúng tôi nhắc tới ở trên không hề thiếu ở Dương Hồng Sơn. Nhưng nó sẽ là của hiếm nếu bạn là người lạ hoặc mới quen chàng “người nhện” từng cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Calisto ghi dấu son vô địch AFF Cup 2008.
Lại nói thêm về 2 chữ “người nhện” mà giới truyền thông yêu mến đặt cho Sơn “miền núi” kể từ sau AFF Cup 2008.
Dương Hồng Sơn cùng Như Thành, Công Vinh nhận Quả bóng Vàng, Bạc, Đồng Việt Nam năm 2008 sau khi cùng ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup. Ảnh: I.T
Ngoài tài năng bắt bóng, những pha cứu thua xuất thần như… siêu nhân mà minh chứng rõ nhất là những gì đã thể hiện trong 2 trận chung kết lượt đi-về với Thái Lan cách đây 11 năm; Dương Hồng Sơn còn có thú vui xăm hình.
Có lẽ điều đó cộng với gương mặt có cái gì đó lạnh lùng, phớt đời, “ngổ ngáo” lại quen biết rộng trong xã hội khiến anh từng nhận nhiều chỉ trích, hiểu lầm, từ những pha mắc lỗi trong màu áo đội bóng quê hương SLNA tới ĐTQG và cả sự cố mất hộ chiếu ngay trước khi lên đường sang Lebanon làm khách ở vòng loại ASIAN Cup 2011.
Trong sự nghiệp của mình, Dương Hồng Sơn nổi tiếng với những pha cứu thua xuất thần, đặc biệt ở trận chung kết AFF Cup 2008 gặp Thái Lan. Ảnh: I.T
“Vị trí thủ môn rất nhạy cảm, bạn chơi tốt 90 phút nhưng chỉ cần sai lầm trong phút bù giờ khiến đội nhà bị thủng lưới là lập tức bị nghi ngờ.
Sau tất cả, giờ là một HLV, một người làm công việc kinh doanh, nhớ lại những kỷ niệm cũ thời còn là cầu thủ tôi thấy nó giúp mình nhiều.
Mình trưởng thành, bản lĩnh và lì lợm hơn trên thương trường”, Quả bóng vàng Việt Nam 2008 bộc bạch.
Bắt đầu kinh doanh thời điểm cuối năm 2008, đầu 2009 khi song song cùng đồng đội và cũng là đồng hương Lê Công Vinh mở nhà hàng chuyên đồ hải sản, đồ rừng ở Vĩnh Phúc; kết hợp với Hữu Chương (cầu thủ Khánh Hòa và có thời gian khoác áo Hà Nội T&T cùng Hồng Sơn) kinh doanh yến sào, đến lúc này, Hồng Sơn bảo kinh tế mình cũng ổn:
“Nhà hàng ở Vĩnh Phúc của tôi và Công Vinh làm được hơn 1 năm. Doanh thu cao lắm nhưng không có người quản lý.
Bản thân chúng tôi do phải di chuyển đi lại nhiều trong khi vẫn còn chơi bóng nên không thể tiếp tục.
Ở Khánh Hòa hiện tôi có 2 nhà yến do Hữu Chương trực tiếp quản lý, có đội ngũ công nhân chế biến trước khi chuyển ra Hà Nội khoảng 3 tháng/lần theo kỳ thu hoạch để tiêu thụ.
Hiện nay tôi cũng chỉ đứng tên thôi, còn việc quản lý, tìm đầu ra cho “Yến sào Sơn Huệ” đều do một tay vợ cáng đáng, quán xuyến cả”, Hồng Sơn chia sẻ.
Dương Hồng Sơn trong vai một nông dân đích thực, sắn tay vào làm đầm tôm ở quê nhà Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ảnh: NVCC
Ngoài kinh doanh yến sào, ở quê nhà Quỳnh Lưu (Nghệ An), Dương Hồng Sơn còn có đầm tôm. Mỗi khi có thời gian anh lại về quê thăm người thân và sắn tay vào lao động như một nông dân đích thực:
“Cuối tuần này là đến kỳ thu hoạch tôm nên tôi sẽ về Quỳnh Lưu. Thuận lợi của tôi khi chuyển từ cầu thủ sang kinh doanh là bố mẹ hai bên nội, ngoại đều là dân trong nghề nên mình cũng học hỏi được nhiều.
Đã xác định kinh doanh mặt hàng nào đó thì mình phải tìm hiểu kỹ về nó. Phải biết rõ cung-cầu để có chiến lược hợp lý.
Mình cố gắng làm thật tốt công việc của mình, làm cho khách đến với mình cảm thấy thoải mái, vui vẻ, tin tưởng vào sản phẩm tốt, chất lượng.
Tất nhiên, cũng như bóng đá vậy, trong kinh doanh không thể nói trước được điều gì, có thành công, có thất bại.
Bản thân tôi luôn cố gắng tìm ra nguyên nhân thất bại để không mắc phải sai lầm tương tự lần thứ 2. Tôi luôn tự nhủ, mình làm việc bằng cái tâm thì trời sẽ thương. Vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở đó”, cựu thủ môn đội tuyển Việt Nam trải lòng.
Tổ ấm hạnh phúc của cựu thủ môn ĐT Việt Nam Dương Hồng Sơn. Ảnh: NCVV
Theo dòng tâm sự, Dương Hồng Sơn kể chuyện đời: “Trong sự nghiệp cầu thủ và sau này kinh doanh, tôi quen biết nhiều, chuyện được-mất cũng đã thấm.
Trước đây và bây giờ cũng vậy, tôi luôn muốn sống trọn tình với anh em. Nhiều khi vợ bảo anh chơi với anh em toàn chịu thiệt, tôi chỉ cười!
Từ thâm tâm, mình thấy mình có thiệt gì đâu khi bên cạnh có bao nhiêu bạn hữu trên khắp cả nước, làm đủ mọi ngành nghề.
Về nhà có tổ ấm hạnh phúc với vợ đảm đang, biết thu vén và 4 con ngoan, đang lớn lên, trưởng thành từng ngày trong vòng tay yêu thương của gia đình!”
Gặng hỏi mãi, Dương Hồng Sơn mới chịu giãi bày một vài vấp váp: “Vì bạn bè tôi cũng từng mất đến 4-5 tỷ.
Lúc họ khó hỏi chẳng lẽ mình không giúp. Xong rồi nhiều người quên đi. Đến khi họ có rồi không lẽ mình hỏi, tôi ngại lắm. Hỏi biết đâu lại mất anh em. Mình bây giờ cũng chẳng thiếu thốn gì mà!
Nhưng ngược lại, cũng có những anh em, đồng đội một ngày nào đó tự dưng đưa tiền cho tôi bảo trả. Tôi cũng không biết họ trả cái gì, không nhớ nổi nữa, tưởng họ đùa…
Nhìn lại, tôi cứ nghĩ mình sẽ sống tốt, thật tốt rồi trời sẽ phù hộ, không vấn đề gì cả!”
Giã từ sự nghiệp, Dương Hồng Sơn vẫn theo đuổi đam mê trong vai trò HLV đội Trẻ Hà Nội, đồng thời thử sức mình trên thương trường. Ảnh: I.T
Từ chuyện cá nhân mình, nói tới chuyện chung của bóng đá Việt Nam mà cụ thể là những thành công liên tiếp trong 2 năm gần đây dưới thời HLV Park Hang-seo, Dương Hồng Sơn gợi mở:
“Có lẽ thành công hiện nay phải nhìn tới công sức của lớp lớp thế hệ đi trước. Để có được lứa cầu thủ tài năng như hiện nay là công sức đào tạo của các “lò” HAGL, Hà Nội, Viettel, PVF…
Rất nhiều mồ hôi và cả máu đã đổ xuống. Chúng ta đã thất bại ở SEA Games 2017 – giải đấu mà theo tôi là chúng ta đã quá đen đủi dưới thời HLV Hữu Thắng – “đàn anh” mà cũng là ân nhân trong sự nghiệp của tôi.
Sau 10 năm kể từ ngày chúng tôi vô địch AFF Cup 2008, chúng ta mới lại vô địch AFF Cup 2018. Chúng ta trân trọng điều đó.
Nhìn các em như Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu… hiện nay, chúng tôi thấy mình còn thua họ nhiều về ý thức chuyên nghiệp cả trong và ngoài sân cỏ.
Ý thức chuyên nghiệp của các em cực cao và đó sẽ tấm gương cho thế hệ trẻ nối tiếp học hỏi, giúp bóng đá Việt Nam có sự phát triển bền vững.
Thành công không chỉ dừng ở một thế hệ, đó là sự tiếp nối, tôi luôn nghĩ vậy và cố gắng hoàn thành thật tốt, thật trách nhiệm công việc của mình dù ở vị trí nào đi nữa”.
Theo Dân việt