Thông tin về Công ty Xi măng Hải Phòng trên website của Vicem |
Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý sử dụng tài sản, phòng, chống tham nhũng và các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng tại Vicem và các đơn vị thành viên, thanh tra Bộ Xây dựng cho biết đến thời điểm 31-12-2015 có hai đơn vị thành viên của Vicem vẫn còn lỗ luỹ kế lớn. Đó là Công ty Xi măng Hải Phòng, lỗ gần 400 tỷ đồng, Công ty Vật liệu xây dựng Đà Nẵng, lỗ gần 4,5 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Công ty Xi măng Hoàng Mai, tính tháng 8-2016, công ty này còn nợ cổ tức năm 2014 của các cổ đông khác hơn 2.000 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Xây dựng xác định, đến thời điểm 31-12-2015, Vicem còn vốn đầu tư tại 31 đơn vị với tổng số tiền đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tại hai đơn vị không thu được cổ tức từ khoản đầu tư này gồm Công ty Cổ phần Sông Đà 12 và Công ty Cổ phần tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai. Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Vicem cơ cấu lại các khoản đầu tư tại những đơn vị không đạt hiệu quả, hoặc hiệu quả quá thấp so với vốn đã đầu tư. Yêu cầu Vicem kiểm điểm trách nhiệm, chấn chỉnh và khắc phục kịp thời những sai phạm, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn. Trả lời Tuổi trẻ, ông Trần Việt Thắng, tổng giám đốc Vicem, cho biết: “Tôi không bàn luận về kết luận thanh tra nhưng khẳng định từ 2015 đến nay Vicem và các đơn vị thành viên đến nay đều hoạt động có lãi”. Theo ông Thắng, báo cáo kiểm toán hợp nhất của Vicem do kiểm toán độc lập thực hiện là “không có chuyện lỗ”. “Từ năm 2015 – 2016, các công ty con của Vicem không có công ty nào lỗ, có thể có thời điểm một số công ty vừa đầu tư và khủng hoảng lãi suất tăng cao, biến động tỉ giá bị lỗ kinh phí tài chính chứ không phải lỗ do sản xuất kinh doanh”, ông Thắng nói. Về các con số lỗ hàng trăm tỷ đồng tại Công ty Xi măng Hải Phòng, Công ty Xi măng Hạ Long, Công ty Vật liệu Đà Nẵng, ông Thắng cho hay đây là lỗ lũy kế dồn lại trong nhiều năm. Tại Công ty xi măng Hải Phòng, lỗ là do các chi phí di dời nhà máy từ năm 2005, do biến động tỷ giá và chi phí tài chính tăng, khủng hoảng vật liệu xây dựng. Tại Công ty Vật liệu xây dựng Đà Nẵng, lỗ là do vốn vay đầu tư thêm dây chuyền, mở rộng sản xuất kinh doanh. Do không có vốn tự có, phải đi vay toàn bộ nên khi lãi suất tăng đẫn tới lỗ. “Đó là lỗ từ ban đầu, còn sau này làm ăn có lãi và dần dần trừ khấu hao đi những khoản lỗ đó”, ông Thắng lý giải. Tại Công ty Xi măng Hạ Long, ông Thắng nói trước đó do Tổng công ty Sông Đà và Tập đoàn dầu khí đầu tư, tuy nhiên sau khi vận hành mỗi năm lỗ từ 400-600 tỷ. Sau khi công ty này tái cơ cấu, Vicem được giao quản lý phần thuộc Tổng công ty Sông Đà nên quản lý luôn cả phần lỗ lũy kế. Ông Thắng cho hay năm 2016, Công ty Xi măng Hạ Long lãi hơn 70 tỷ, còn trong năm 2017, Công ty vật liệu Đà Nẵng dự kiến lãi trên 7 tỷ đồng, công ty Xi măng Hải Phòng lãi khoảng 74 tỷ đồng. Về con số lỗ tại một số đơn vị như Công ty xi măng Tam Điệp, Công ty Xi măng Hoàng Mai, ông Thắng cho hay đây là lý do “khách quan” bởi hai đơn vị trên do địa phương đầu tư xong hoặc đang đầu tư dang dở nhưng khi nhận thấy khó khăn thì đề nghị Chính phủ giao cho Vicem.
Trước những thông tin về việc thua lỗ của Vicem, ngày 10-3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng kiểm tra, làm rõ thông tin, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-3. |
Nguồn: tuoitre.vn