Sáng 26-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo định kỳ Quý I năm 2019. Một trong những vấn đề khiến nhiều người quan tâm nhất là công bố danh tính, xử lý học sinh được nâng điểm và phụ huynh gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Những gì mà Bộ hứa với nhân dân về việc điều tra, xử lý những gian lận, tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã thành hiện thực. Đây là nỗ lực lớn của Bộ Công an, Bộ GD&ĐT với quyết tâm cao nhất.

Ông Trinh cũng cho rằng, về quan điểm chỉ đạo, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an khẳng định không dung túng cho sai phạm, xử lý nghiêm, xử lý đến cùng, những gì đã làm trong 8 tháng vừa qua là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Và việc xử lý kết quả sai phạm cũng sẽ được thực hiện theo quan điểm chỉ đạo đó. Kết quả chấm thẩm định là kết quả chấm chính thức, thay thế cho kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đó, dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học.
 Ông Mai Văn Trinh trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo của Bộ GD&ĐT ngày 26-3.

“Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn Sở GD&ĐT Hòa Bình, Sơn La, các trường đại học, quân đội, công an để có thể xử lý vụ việc một cách hiệu quả, khách quan để không ảnh hưởng đến những thí sinh khác. Đến hết ngày 25-3, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã cập nhật hết danh sách thí sinh sai phạm nhưng đến nay, Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo của Sở GD&ĐT Hòa Bình. Kết quả này chắc sẽ sớm được thông tin về Bộ”-ông Trinh nói.

Trước những câu hỏi về việc liệu Bộ GD&ĐT có công khai danh tính phụ huynh chạy điểm cũng như các thí sinh bị thay đổi điểm hay không, ông Mai Văn Trinh cho rằng việc này phải tuân thủ Hiến pháp 2013 và Luật Dân sự 2016.

“Việc công khai danh tính thời điểm nào, đến đâu là thẩm quyền của cơ quan chức năng điều tra là Bộ Công an. Nên việc công bố thời điểm nào, công bố đến đâu là thẩm quyền của cơ quan điều tra, cơ quan công an. Chúng ta muốn công bố danh tính của thí sinh và phụ huynh, nhưng phải tính đến công tác điều tra của cơ quan công an, trong khuôn khổ pháp luật, đặc biệt không thể nghĩ đến những tác động cực đoan đến học sinh”- ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

Liên quan đến câu hỏi những quy định hiện hành chưa đủ để xử lý vụ việc và những sai phạm liên quan, ông Mai Văn Trinh cho biết: Với những văn bản hiện hành đã đủ khung pháp lý để xử lý sự việc này. Riêng về kỳ thi THPT quốc gia 2019 chính thức bắt đầu từ 1-4 tới đây, ông Trinh cho biết đã có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để đảm bảo tổ chức theo quy trình chặt chẽ. Đặc biệt, các giải pháp căn bản nhằm chống gian lận, hạn chế tiêu cực đã được vận dụng vào thực tế.

Trong hai cuộc tập huấn gần đây, ngoài cán bộ của ngành giáo dục,  đã có sự hiển diện của các đơn vị chức năng Bộ Công an. Bên cạnh đó, phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng đã được tăng cường bảo mật theo hướng có muốn gian lận cũng khó mà gian lận được. Các khâu trong quá trình chấm trắc nghiệm cũng được mã hóa với công nghệ mới; tiến hành đánh phách điện tử, phân vai trách nhiệm các cá nhân tham gia kỳ thi cụ thể, rõ ràng.

Tuy vậy, ông Trinh cũng khẳng định, con người vẫn là khâu quan trọng nhất. Do đó, thông điệp mà Bộ GD&ĐT muốn gửi đến các địa phương trong kỳ thi THPT năm 2019 là dù kì thi diễn ra dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia nhưng đơn vị trực tiếp tổ chức là Ban chỉ đạo thi của các tỉnh, thành phố. Mọi thành công của kì thi đều để con em địa phương thụ hưởng nên Bộ GD&ĐT rất mong các địa phương nâng cao trách nhiệm để tạo niềm tin cho người dân địa phương, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm như vừa qua.

Theo Công an nhân dân

Từ khóa : kỳ thi THPT quốc gianâng điểmsai phạmthí sinh gian lậnxét tuyển

Các tin liên quan đến bài viết