Nghị sĩ quốc hội Malaysia và cũng là một luật sư, ông Ramkarpal Singh, cho rằng bị cáo Đoàn Thị Hương cũng nên được hủy truy tố, trả tự do như bị cáo Indonesia Siti Aishah trong nghi án sát hại công dân Triều Tiên tại Kuala Lumpur.
Đoàn Thị Hương tại phiên tòa ngày 14/3. (Ảnh: AP)
“Quan điểm của tôi là nên hủy truy tố đối với ĐoànThị Hương như với bị cáo Siti Aisyah. Buộc Đoàn Thị Hương phải tiếp tục quá trình tố tụng mà không có đồng phạm dù ngay từ đầu cả hai đều bị tuy tố, là điều chưa từng có tiền lệ và đáng tiếc”, hãng tin The Star dẫn thông cáo của nghị sĩ Malaysia Ramkarpal Singh ngày 14/3.
Nghị sĩ Ramkarpal, cũng là một luật sư, nói rằng việc Tổng Chưởng lý Malaysia từ chối hủy truy tố đối với Đoàn Thị Hương “làm dấy lên câu hỏi về quyền hạn của Tổng Chưởng lý”.
Bình luận trên được đưa ra sau phiên tòa biện hộ của Đoàn Thị Hương sáng ngày 14/3 tại tòa thượng thẩm Shah Alam. Tại phiên tòa, công tố viên đã thông báo quyết định của Tổng Chưởng lý về việc bác đề nghị hủy truy tố, trả tự do cho Đoàn Thị Hương.
Tuy nhiên, công tố viên không nêu rõ lý do cho quyết định này mặc dù hôm 11/3, Tổng Chưởng lý Malaysia bất ngờ hủy truy tố, trả tự do cho bị cáo Indonesia Siti Aisyah – người cũng đối mặt cáo buộc giết người trong nghi án sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol.
Ông Ramkarpal nói, ngay từ đầu, Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah đều bị cáo buộc phạm tội giết người, điều đó cho thấy Tổng Chưởng lý tin rằng có đủ bằng chứng chống lại hai bị cáo trước khi truy tố họ và cho họ quyền biện hộ. Nghị sĩ này cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải Tổng Chưởng lý đồng ý với đề nghị của phía Indonesia hủy truy tố đối với Aisyah vì cho rằng thủ phạm thực sự trong vụ án là những nghi phạm Triều Tiên hay không.
“Nếu như vậy, tại sao ngay từ đầu Tổng Chưởng lý buộc tội Siti Aisya”, ông Ramkarpal nói. Nghị sĩ này nói thêm: “Tổng Chưởng lý có quyền chấm dứt quá trình tố tụng đối với Siti Aisyah, nhưng tại sao không làm tương tự với Đoàn Thị Hương. Cả hai đều bị truy tố như nhau. Đoàn Thị Hương có quyền hiến pháp để được đối xử như Siti Aisyah, và cô ấy cũng có quyền được pháp luật bảo vệ”.
Ông Ramkarpal nhấn mạnh, Tổng Chưởng lý không đưa ra lý do cho quyết định tiếp tục xét xử Đoàn Thị Hương, do vậy, Đoàn Thị Hương sẽ không bao giờ biết được vì sao cô ấy bị phân biệt đối xử với Siti Aisyah. “Trong trường hợp này, người ta sẽ đặt ra hoài nghi về thẩm quyền của Tổng Chưởng lý, đặc biệt là khi tính mạng một con người bị đe dọa”, ông Ramkarpal nói.
Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah là hai nghi phạm bị Malaysia bắt giữ do bị nghi ngờ liên quan đến vụ đầu độc công dân Triều Tiên Kim Chol tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2/2017. Các công tố viên Malaysia đã đề nghị truy tố hai bị cáo với tội danh giết người bất chấp việc các bị cáo nói rằng họ bị lừa tham gia vào một phi vụ mà họ nghĩ rằng cảnh quay phim truyền hình thực tế.
Theo kế hoạch, hai bị cáo sẽ bắt đầu phần biện hộ của mình trong phiên tòa sáng 11/3. Tuy nhiên, phiên tòa này mở đầu bằng một diễn biến bất ngờ khi Tổng Chưởng lý Malaysia quyết định hủy truy tố, trả tự do cho Aisyah. Phiên biện hộ của Hương phải hoãn đến hôm qua 14/3, song Tổng Chưởng lý từ chối đề nghị hủy truy tố, trả tự do cho Hương. Nhóm luật sư của Đoàn Thị Hương tiếp tục đề nghị hoãn phiên biện hộ sang ngày 1/4 do sức khỏe cả thể chất và tinh thần của Hương không tốt.
Theo Dân Trí