Trong khi bất động sản biến động rất mạnh năm qua thì chứng khoán, vàng, tiền ảo lại có xu hướng giảm khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ khi trót rót tiền vào đây.

2018 là một năm thành công với kinh tế Việt Nam khi vượt mốc tăng trưởng GDP 7%/năm, kỷ lục trong 10 năm qua. Tuy nhiên, với nhà đầu tư cá nhân, đó lại không phải một năm thuận lợi khi hầu hết kênh đầu tư vốn đều gặp khó khăn, thậm chí chứng khoán, tiền ảo còn sụt giảm mạnh.

Bại sản vì tiền ảo

“Đầu năm tôi đầu tư hơn 400 triệu vào tài khoản tiền ảo của mình, nay chỉ còn chưa đến 100 triệu đồng. Giờ bán thì không nỡ, chỉ mong giá tăng trở lại để thu hồi vốn chứ không ham có lãi từ mảng này”, anh Xuân Huy (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) buồn bã chia sẻ về khoản đầu tư của mình vào các loại tiền ảo.

Anh Huy chỉ làm một trong rất nhiều nhà đầu tư cá nhân bị cuốn vào vòng xoáy tiền ảo năm qua. Ngay khi đổ tiền vào thì thị trường này lao dốc, xen vào đó là những lần tăng mạnh khiến nhiều người lỡ mắc kẹt như anh Huy ôm mộng thị trường tăng trở lại.

Tính trong năm 2018, hầu hết tiền ảo đều đã giảm trên 70% giá trị. Đáng kể trong đó là bitcoin, loại tiền ảo được ưa chuộng nhất thế giới đã giảm gần 80% từ mức giá trên 17.000 USD/coin xuống nay chỉ còn trên 3.800 USD. Hay như Ethereum đã giảm hơn 10 lần từ giá xấp xỉ 1.500 USD/coin xuống chưa tới 150 USD. Tương tự là các loại tiền ảo phổ biến khác như Bitcoin Cash; Stellar, Litecoin… cũng giảm rất mạnh.Đà giảm này khiến hầu hết nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường thua lỗ phần lớn tài khoản của mình. Thậm chí, thanh khoản giảm đáng kể đang khiến nhiều người khó có thể rút chân ra khỏi thị trường.

Rót tiền vào đâu thu lời nhất năm qua?
Tiền ảo trở thành những khoản đầu cơ thua lỗ nặng nhất trong năm 2018.

Chứng khoán biến động mạnh

Từng chia sẻ hồi giữa năm 2018, TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh thị trường chứng khoán Việt hiện nay vẫn chưa dành cho các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người chưa có nhiều kiến thức về thị trường.

Những hạn chế về thông tin xác thực, chưa có kiến thức mua-bán, đánh giá tác động từ các chính sách sẽ khiến hầu hết nhà đầu tư cá nhân thua lỗ trên thị trường chứng khoán.

Thực tế, 2018 cũng là năm đầy biến động của chứng khoán trong nước, không ít nhà đầu tư gặp cảnh “cứ mua vào thì giảm giá”.

Năm qua, VN-Index – chỉ số chứng khoán lớn nhất đại diện cho sàn HOSE đã đạt ngưỡng 1.204 điểm, cao nhất trong hơn 20 năm hoạt động. Nhưng sau đó là những phiên sụt giảm mạnh khiến thị trường bốc hơi hàng tỷ USD.

Kết thúc năm 2018, chỉ số lớn nhất của thị trường đã giảm gần 10% so với đầu năm, và giảm 25% so với vùng đỉnh hồi tháng 4.

Đáng nói, ngoại trừ nhóm cổ phiếu thuộc ngành thủy sản và dệt may. Hầu hết cổ phiếu trong các nhóm lớn như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bất động sản… cổ phiếu vốn hóa lớn từng thu hút dòng tiền của giới đầu tư đều giảm 20-50% so với giá đỉnh hồi đầu năm.

Sốt ảo bao trùm bất động sản

Bất động sản năm qua đón nhận những đợt sóng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, khác với những năm trước, điểm nóng của thị trường ít tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mà chủ yếu ở các tỉnh vùng ven và những địa phương trong quy hoạch đặc khu kinh tế.

Phú Quốc và Vân Đồn là hai điểm nóng của thị trường năm qua nhờ nằm trong quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế.

Giữa năm 2018, giá đất tại Phú Quốc tăng liên tục lên tới 10-20 lần. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), có lô đất giá 800 triệu, nhưng chỉ sau 3 năm đã lên tới 18 tỷ đồng tại đây. Đất nền tại các dự án của Vân Đồn cũng tăng gấp 5-6 lần so với 2 năm trước.

Rót tiền vào đâu thu lời nhất năm qua?
Năm 2018 chứng kiến những đợt sốt đất rất mạnh tại các địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế.

Tại TP.HCM, cơn sốt lớn kéo dài từ tháng 4/2017 đến 2018, giá đất khu Đông liên tục nóng và neo ở vùng giá đỉnh. Các báo cáo về thị trường BĐS TP.HCM năm qua cũng cho thấy khu Đông có tỷ lệ tiêu thụ cao nhất đạt trên 80%.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng có ít nhất 2 đợt sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven và huyện ngoại thành.

Bên cạnh những khoản lợi nhuận “kếch xù” một số nhà đầu tư có được nhờ việc lướt sóng kịp thời những đợt sốt đất cũng là những khoản thua lỗ với giá trị tương tự từ những người chậm chân, nhảy vào khi thị trường đã quá nóng.

Vàng, ngoại tệ đi ngang

Trái với những đợt sóng lớn của thị trường vàng thế giới, vàng trong nước năm qua liên tục giao dịch ổn định trong ngưỡng 36,5 triệu đồng/lượng.

Đầu năm, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 36,47-36,67 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) thì đến phiên giao dịch cuối năm, giá này đã giảm 140.000 đồng mỗi lượng còn 36,33 – 36,55 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng thế giới năm qua biến động khá nhiều do ảnh hưởng từ các đợt điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc… Có lúc giá vàng thế giới đã đạt đỉnh gần 1.360 USD/ounce nhưng cũng có lúc xuống đáy trên 1.173 USD vào cuối tháng 8. Tính đến cuối năm, giá vàng thế giới dao động trong ngưỡng 1.280 USD.

Rót tiền vào đâu thu lời nhất năm qua?

Trong khi vàng đi ngang thì ngoại tệ cũng chỉ có một đợt sóng lớn vào quý III khi tỷ giá USD tăng mạnh trên cả thị trường chính thức và tự do. Có lúc tỷ giá quy đổi VNĐ/USD trên thị trường chính thức lên mức 23.400 đồng/USD vào tháng 8, nhưng đến ngày 31/12/2018, tỷ giá này tại các ngân hàng lớn chỉ còn 23.160 – 23.250 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 2% trong một năm qua.

Trong khi đó, dù đã gần chạm ngưỡng 24.000 đồng/USD vào cuối tháng 8, tỷ giá đồng tiền này trên thị trường tự do hiện cũng đã giảm về mức 23.400 đồng, tăng hơn 3% so với đầu năm.

Cùng với việc Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh sử dụng các công cụ để điều hành tỷ giá năm qua thì việc đổ tiền vào các loại ngoại tệ sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận cho giới đầu tư như mọi năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh

Trong khi các kênh đầu tư phổ biến hoặc biến động quá mạnh hoặc đi ngang thì những người mang tiền đi gửi tiết kiệm năm qua cũng đã mang về khoản lợi nhuận từ 7-8% khoản đầu tư.

Đặc biệt, sau đợt giảm lãi suất hồi giữa năm, đến cuối năm 2018 hàng loạt ngân hàng lớn, nhỏ đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm bằng tiền đồng. Nhiều ngân hàng thương mại đưa ra mức lãi suất tiết kiệm lên tới 8%/năm.

Thậm chí, vào những ngày cuối cùng của năm 2018, ngân hàng SHB còn đưa ra mức lãi suất huy động lên tới 8,7%/năm với khoản tiền trên 2 tỷ đồng gửi kỳ hạn 18 tháng. Nhiều ngân hàng như Vietcapitalbank, SHB, hay OCB… niêm yết lãi suất tiền gửi dài hạn đạt trên 8%.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV hay Agribank cũng đưa ra mức lãi suất phổ biến xấp xỉ 7% mỗi năm cho các khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bắt động sảnchứng khoándầu tưTiền Ảovàng

Các tin liên quan đến bài viết