Năm 2018 đánh dấu một bước ngoặt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, cú giảm vào giờ chót của cổ phiếu Vingroup cũng như sự trồi sụt của tỷ phú Trần Đình Long phần nào phản ánh được những biến động khôn lường trong năm.
Chứng khoán lạc nhịp
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2018, hàng loạt cổ phiếu blue-chips trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó có Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ bị bán tháo khiến chỉ số Vn-Index đảo chiều, chốt ở mức 892,54 điểm, giảm 9,32% so với cuối năm 2017.
Cả hai cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng là VIC và Vincom Retail (VRE) đều giảm mạnh trong phiên khớp lệnh đóng cửa phiên cuối năm. VIC giảm sàn 6,9% xuống còn 95.300 đồng/cp, trong khi VRE giảm 4,5% xuống 27.900 đồng/cp.
Như vậy, TTCK đã ghi nhận một loạt phiên giảm điểm mạnh ở trong hai tuần cuối cùng của năm 2018, không những góp phần xóa bay toàn bộ những thành quả ghi nhận hồi đầu năm mà còn bị giảm so với năm trước đó.
Chứng khoán 2018 cũng ghi nhận sự biến động mạnh nhất trong 10 năm kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và cũng là năm đầu tiên TTCK suy giảm.
VN-Index cuối 2018 giảm 9,3% so với cuối 2017. |
Trong 4 năm trước đó, chỉ số VN-Index đều tăng điểm và phản ảnh tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2018 chỉ số này đã ngược dòng hoàn toàn so với những diễn biến kinh tế.
Trong khi 2018 ghi dấu ấn khá tốt về tăng trưởng GDP với mức tăng 7,08%, cao nhất từ 2008 trở lại đây thì VN-Index lại giảm sâu hơn 9,3%.
Trong năm 2018, VN-Index từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10/4/2018), nhưng sau đó lại có quá trình sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (ngày 30/10/2018).
TTCK dường như có sự lạc nhịp với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có phần phản ánh đúng những lo ngại trên thị trường. Đó là những ảnh hưởng tiêu cực có thể có từ một cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết và có thể còn diễn biến phức tạp.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở thuộc top đứng nhất thế giới, với tỷ trọng giữa thương mại và GDP xấp xỉ 200%. Đây có thể là lý do khiến giới đầu tư lo ngại bởi bất kỳ điều gì dù lớn dù nhỏ xảy ra trên thế giới đều tác động ngay lập tức và to lớn đến Việt Nam.
Việc Mỹ tăng lãi suất đã và đang ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ, khiến tăng trưởng chậm lại, triển vọng kinh tế không còn sáng sủa như trước. Đây cũng là xu hướng sẽ xảy ra ở một số khu vực trên thế giới. Nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại cũng có nghĩa là nhu cầu tiêu dùng giảm và ảnh hưởng tới những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu trên sàn chứng khoán sẽ gặp khó.
Những thách thức và điểm sáng năm 2019
Một điểm đáng lưu ý là dòng vốn trên TTCK không còn được dồi dào như trước kia, thanh khoản tụt xuống mức thấp trong nhiều tháng qua, chỉ quanh quẩn 3.000-5.000 tỷ đồng/phiên, thay vì 10.000 tỷ đồng/phiên như hồi đầu năm, thậm chí có phiên lên đến cả tỷ USD.
Khối ngoại bán ròng trong nhiều tháng liền, nhiều quỹ đầu tư rút vốn khỏi các doanh nghiệp lớn vốn được được đánh giá rất cao như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long.
Sự chìm nổi của tỷ phú USD Trần Đình Long hay cú giảm mạnh vào giờ chót của cổ phiếu Vingroup (VIC) cũng phần nào phản ánh diễn biến trên TTCK năm 2018. Sau khi hoàn thành đại dự án thép Dung Quất, ông Long kỳ vọng HPG sẽ có doanh thu tăng gấp đôi, lợi nhuận tăng mạnh và Hòa Phát sẽ từ “người cao 1m7 thành 3m4”.
Các tỷ phú trên sàn chứng khoán 2018. |
Sự tăng giá bùng nổ của cổ phiếu HPG hồi đầu năm đã nhanh chóng giúp doanh nhân gốc Hải Dương này lọt danh sách tỷ phú USD của Forbes hồi tháng 3. Tuy nhiên, sự sa sút giá cổ phiếu HPG đã khiến ông Long rớt khỏi danh sách này trong tháng 12 và tụt xuống vị trí thứ 5 trong bảng những người giàu nhất trên TTCK Việt với túi tiền chỉ còn hơn 16,5 ngàn tỷ đồng.
Ngành thép của ông Trần Đình Long là một trong những nơi chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Ngành thép Việt Nam đối mặt với nhiều vụ kiện và bị áp thuế bảo hộ của Mỹ.
Riêng với tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán Phạm Nhật Vượng, 2018 là một năm thành công. Trừ cú giảm sốc trong phiên cuối cùng, cổ phiếu Vingroup đã ghi nhận một năm tăng điểm khá ấn tượng cùng với hàng loạt những thành tựu mà doanh nhân này đạt được.
Trong năm 2018, ông Vượng đã có bước đi chiến lược với hàng loạt dự án khủng: Vinfast với sự ra mắt của ô tô thương hiệu Việt đình đám tại Paris; điện thoại thương hiệu Việt Vsmart; hoàn thành tòa nhà cao nhất Việt Nam Landmark81; ra mắt VinTech, VinFa, VinUni, VinCity,…
Năm 2018, ông Vượng cũng đã tách mảng bất động sản thành thương hiệu Vinhomes (VHM) và đưa hàng tỷ cổ phiếu VHM lên sàn. Vinhomes trở thành ông trùm địa ốc Việt với tổng vốn hóa có lúc ước tính lên tới gần 15 tỷ USD.
Tăng bùng nổ trong nửa đầu năm, nhiều cổ phiếu trong đó có Vingroup của ông Vượng hay Hòa Phát của ông Long cũng như sàn chứng khoán nói chung đã chịu áp lực giảm rất mạnh về cuối năm.
Trong năm tới, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội. Đó là những chính sách kiến tạo của Chính phủ, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh; là những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP (TPP1), EVFTA,…
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức. Một thách thức lớn là sự bất ổn trên thị trường thế giới, một cuộc chiến Mỹ – Trung căng thẳng có thể khiến dòng vốn lưu chuyển trên thế giới tụt giảm. Vấn đề thâm hụt ngân sách, thu không đủ chi thường xuyên trả nợ vẫn tiếp diễn là rào cản lớn cho đầu tư phát triển.
Những rào cản đối với kinh tế tư nhân, sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp khi hội nhập, năng lực về khoa học công nghệ còn yếu,… có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung.
VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối năm ở mức 892,54 điểm, giảm 8,27 điểm (-0,92%) so với phiên trước và giảm 91,7 điểm (-9,32%) so với cuối năm 2017. HNX-Index tăng nhẹ 0,25 điểm (0,24%) so với phiên trước lên mức 104,23 điểm, nhưng giảm 12,63 điểm (-10,81%) so với cuối năm 2017.
Nguồn: vietnamnet