Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP) Nguyễn Văn Kim cho hay, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng, trong đó số quan chức giàu rất nhiều và nguồn gốc giàu cũng xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau.

Tại buổi toạ đàm về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam sáng nay, ông Nguyễn Văn Kim nhận định các chính sách pháp luật của ta về PCTN đã từng bước đáp ứng yêu cầu của quốc tế.

‘Quan chức giàu rất nhiều’
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP) Nguyễn Văn Kim

Nhưng theo ông Kim, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đấu tranh PCTN, ngoài việc phát hiện, xử lý thì việc quan trọng hơn cả là tìm ra nguyên nhân, gốc rễ để dẫn đến tình trạng tham nhũng, thay vì xử lý từng cá nhân và đối tượng liên quan.

Ngay trong việc xử lý cán bộ, theo ông Kim, cốt lõi phải dựa vào thước đo là quy định của pháp luật, còn xử lý về mặt Đảng và Nhà nước chỉ dừng lại ở quy mô, phạm vi của nó. Quan trọng hơn là dùng pháp luật để xác định cán bộ có phạm tội hay không để xử lý bằng chế tài, bằng quy định hình sự.

Nhắc đến Luật PCTN sửa đổi vừa được thông qua, ông Kim đề cập đến quy định về xử lý tài sản không giải trình rõ nguồn gốc và bảy tỏ sự nuối tiếc vì cho đến phút chót, vấn đề này chưa được như mong muốn.

Ông cho rằng dù rất mong muốn nhưng ta rất khó khăn trong xử lý câu chuyện này, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng khách quan là yếu tố quan trọng hơn cả.

Theo ông, việc quản lý những tài sản lớn trong xã hội thì cơ chế chưa thật chặt chẽ. Ngoài ra, tài sản của công dân cũng chưa được quản lý hiệu quả nên những giao dịch, dịch chuyển liên quan tài sản, những bất minh trong hoạt động kinh tế, dân sự ta đều chưa xử lý được.

Nguyên nhân khác được ông Kim nêu ra là do nền kinh tế sử dụng tiền mặt vẫn đang chiếm tỷ lệ rất lớn. Dòng tiền giao dịch trong xã hội chủ yếu là tiền mặt nên khó kiểm soát.

“Dù có luật Phòng, chống rửa tiền nhưng để khẳng định đâu là tiền sạch, đâu là tiền có vấn đề rất khó. Ví dụ, giờ cứ tiền chuyển về từ nước ngoài là ta hoan nghênh và coi là tiền sạch, kể cả tiền không rõ nguồn gốc. Vì thế, việc quản lý vấn đề này đang đối mặt với nhiều khó khăn”, ông Kim nói.

Liên quan đến xử lý tài sản của cán bộ trong trường hợp không giải trình rõ nguồn gốc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của TTCP cho rằng, nếu làm tốt thì sẽ hữu hiệu, nhưng ngược lại, mặt trái của nó sẽ tạo ra những hệ luỵ rất đáng tiếc, bởi nó liên quan đến quyền tài sản của công dân.

Ông cũng cho biết, thực tế hiện nay, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng. Một là doanh nghiệp, những người làm ăn. Hai là người dân nỗ lực phấn đấu. Đặc biệt, số còn lại là quan chức, số quan chức giàu rất nhiều.

Theo ông, nguồn gốc giàu cũng xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau, có hoạt động minh bạch, nhưng những thông tin phản ánh về khối tài sản của quan chức cũng không ít.

Đặc biệt, ông nhắc đến tình trạng quan chức giàu bất minh từ việc vi phạm, lợi dụng cơ hội từ vị trí công tác của họ đem lại. Bởi vậy, ông Kim cho rằng, đấu tranh chống tham nhũng là đấu tranh với chính tật xấu của những người cầm cân nảy mực, họ cũng phải tự thay đổi mình.

1.000 tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ mỗi năm

Theo ông Francesco Checchi, cố vấn khu vực về PCTN UNODC Đông Nam Á – Thái Bình Dương, tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên thế giới.

Ông Francesco Checchi cho biết, mỗi năm ước tính khoảng 1.000 tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ trong khi 2.600 tỷ USD bị đánh cắp thông qua hành vi tham nhũng – một con số tương đương với 5% GDP toàn cầu.

Tại các nước đang phát triển, ước tính số ngân sách bị mất đi do tham nhũng lớn gấp 10 lần tổng giá trị viện trợ phát triển chính thức (theo đánh giá của Chương trình phát triển LHQ).

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : quan chứctham nhũngVụ trưởng Vụ pháp chế

Các tin liên quan đến bài viết