Chính phủ Israel đang cân nhắc lại một thỏa thuận cho Trung Quốc thuê cảng biển Haifa 25 năm vì các lý do an ninh và chính trị.
Theo giới phân tích, những quan ngại chính trị liên quan đến đầu tư Trung Quốc tại cảng biển lớn thứ 3 của Israel là nguyên nhân khiến chính phủ nước này cân nhắc lại thỏa thuận với Bắc Kinh.
Động thái trên được đưa ra sau khi Hội đồng an ninh quốc gia Israel tái thẩm định thỏa thuận năm 2015 giữa Bộ Giao thông Israel và Tập đoàn Shanghai International Port Group (SIPG) về Cảng Haifa.
SIPG đã cam kết đầu tư 2 tỉ USD để biến Haifa thành cảng lớn nhất Israel. Đổi lại, chính quyền Israel sẽ giao cho SIPG quản lý cảng này trong 25 năm.
Theo báo Jerusalem Post, Chính phủ Israel rõ ràng chịu sức ép từ Washington vì Hải quân Mỹ đã đánh tiếng rằng các hoạt động của họ có thể thay đổi một khi SIPG kiểm soát cảng dân sự Haifa vào năm 2021.
Haifa là thành phố cảng lớn nhất của Israel, nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và Israel. Thỏa thuận đầu tư với một doanh nghiệp Trung Quốc tại đây không khỏi khiến giới tình báo và an ninh lo ngại.
Haifa không phải cảng duy nhất của Israel có dính đến tiền Trung Quốc. Một công ty con của China Habour Engineering thắng thầu 876 triệu USD xây một cảng ở thành phố Ashdod bên bờ biển Địa Trung Hải.
Ông Oded Eran, cựu nhân viên ngoại giao Israel, nhận định ngày càng nhiều quốc gia lo lắng về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, và cách Bắc Kinh có thể dùng nó để đạt mục tiêu chính trị trong một số hoàn cảnh nhất định.
“Trường hợp của Israel, quan ngại chủ yếu là an ninh… cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, do đó cần phải bảo vệ tài sản quốc gia” – ông Eran bình luận.
Còn chuyên gia Liu Naiya thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, thì cho rằng tính toán của Israel đằng sau cảng Haifa đơn thuần là chính trị.
“Lý do đằng sau là Mỹ muốn cản trở hợp tác giữa Trung Quốc và Israel. Đây luôn là cách Washington dùng để phá hợp tác quốc tế của Trung Quốc” – vị này chỉ trích.
Nguồn: tuoitre.vn