Chỉ cách đám cưới 2 ngày tôi mang lễ sang nhà trai trả và tuyên bố hủy hôn. Dù nhà anh có giàu có đến đâu tôi cũng không bao giờ chấp nhận hành động của mẹ anh.
Tôi năm nay 34 tuổi, làm giáo viên tiểu học. Tôi muộn chồng cũng vì mải học hành, bên cạnh đó hoàn cảnh gia đình nhiều trục trặc.
Bố mẹ tôi là tiểu thương bán thịt ngoài chợ, hai người mới ly hôn cách đây 5 năm. Mẹ tôi không chịu được cảnh bố tôi rượu chè bê tha, ngoại tình lăng nhăng.
Lớn lên trong hoàn cảnh bố mẹ cãi vã, tôi luôn cảm thấy bị trầm cảm. Có lẽ vì thế tôi khá kỹ càng trong vấn đề tìm bạn đời. Tôi sợ mình gặp phải người chồng không tốt.
Sau khi hoàn thành tấm bằng thạc sĩ, tôi được mai mối, quen biết Hải – một thủy thủ tàu biển, chuyên đi nước ngoài. Anh kém tôi 2 tuổi.
Gia đình của anh thuộc hàng nề nếp, kinh tế khá giả. Mẹ là giáo viên về hưu. Thấy anh phù hợp với mong muốn của mình nên tôi quyết định tiến xa hơn.
Tôi hỏi Hải rất nhiều về mẹ anh ấy. “Mẹ anh có khó tính không? Có hay xét nét không?”. Hải nói mẹ anh hiền lành, sống tử tế, được mọi người quý mến. Nghe người yêu nói, tôi cũng yên tâm phần nào.
Do tính chất công việc, anh thường xuyên xa nhà, phần lớn cả hai hẹn hò, nói chuyện qua điện thoại.
Anh sống tình cảm, chu đáo, dịp lễ, ngày kỷ niệm đều nhờ em gái mua quà mang sang tặng tôi. Nhờ thế dù yêu xa nhưng chúng tôi luôn thấy ấm áp, ngọt ngào.
Tìm hiểu gần 1 năm, đúng dịp anh về Việt Nam nghỉ 6 tháng, chúng tôi dự kiến làm đám cưới.
Thế nhưng, bố mẹ anh không thích bạn gái của con trai. Ngày đầu ra mắt, khi hỏi han về hoàn cảnh của tôi, họ sa sầm mặt, tỏ thái độ coi thường ra mặt.
Họ không ngại ngần nói dù tôi có học cao đến cỡ nào cũng không thay đổi được gốc gác, xuất thân gia đình. Trong mắt họ, nhà bán thịt không xứng đáng để kết thông gia.
Bị bố mẹ anh miệt thị mà lòng tôi ức nghẹn, nước mắt chực trào ra. Tôi lập tức đứng dậy, xin phép ra về.
Tất nhiên, tôi không thể tiếp tục mối tình đó nên quyết định chấm dứt. Sau cú sốc, tôi lấy lại cân bằng, lao đầu vào công việc.
Tôi an ủi bản thân, dù số phận có ra sao, mình cũng đã cố gắng để vươn lên. Tôi không có quyền lựa chọn bố mẹ sinh ra nhưng có quyền định đoạt cuộc sống của mình.
2 tháng sau khi chia tay Hải, anh bất ngờ đến tìm tôi, tha thiết mong nối lại. Anh hứa sẽ khiến bố mẹ phải chấp nhận cho hai đứa tổ chức hôn lễ. Lúc này, yếu lòng trước sự chân thành của anh, tôi gật đầu.
Không hiểu Hải về thuyết phục bố mẹ bằng cách nào, mà 3 hôm sau gia đình anh hẹn sang nhà tôi bàn chuyện cưới xin.
Mẹ chồng có hỏi người lớn bên nhà tôi về tiền thách cưới. Mẹ tôi nói không quan trọng, gia đình anh muốn để bao nhiêu cũng được, miễn sao hai con sống với nhau thuận hòa.
Ngày ăn hỏi, nhà trai mang đến 7 tráp lễ. Họ hàng hai bên ai cũng nở nụ cười, chúc cho con cháu mình hạnh phúc. Tuy nhiên, mẹ chồng tôi khuôn mặt cáu kỉnh, u ám.
Ngày trọng đại con trai, mẹ chồng thường mặc áo dài tươm tất nhưng đằng này bà mặc bộ quần áo cũ, đầu tóc rối bù.
Kết thúc lễ hỏi, gia đình nhà gái chuẩn bị quà đáp lễ cho nhà trai thì mẹ anh xua tay, kêu mọi người về. Bà nói oang oang, cố tình để tôi nghe thấy: “Lấy mấy đồ đó làm gì, để nhà nó ăn”.
Tôi nhìn Hải, ứa nước mắt. Bác ruột tôi tức giận, định lên tiếng đáp trả nhưng tôi ra hiệu ngăn lại. Khi nhà trai ra về, mẹ tôi mở phong bì lễ nhà trai mang sang. Bà bất ngờ thấy bên trong là phong bì không.
Mẹ tôi nóng nảy, tối đó sang nhà Hải nói chuyện. Hỏi mẹ Hải làm vậy liệu có phải do quên hay có ý gì? Không ngờ mẹ Hải bĩu môi nói: “Nhà cô tham lam, chỉ nghĩ đến tiền. Tôi làm vậy để thử mấy người đó”.
Lời nói của mẹ anh như giọt nước tràn ly, hai bên mâu thuẫn, lời qua tiếng lại, ra sức chỉ trích nhau. Về nhà, mẹ tôi đau đớn, thương con gái mà ngã bệnh.
Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định mang lễ sang nhà trai trả và tuyên bố hủy hôn khi chỉ còn 2 ngày nữa là cưới. Hải hẹn gặp, xin tôi bỏ qua, đừng rời xa anh ấy.
Tôi mệt mỏi quá, mong độc giả cho tôi lời khuyên.