Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam cho phép bảo quản từ xương sọ đến gân, van tim, mạch máu, khớp, da, tinh trùng…
Chiều nay, GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, Ngân hàng mô của bệnh viện vừa được Bộ Y tế cấp phép là ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam.
Ngân hàng mô chính thức hoạt động từ 13/6, đến nay đã bảo quản gần 1.000 mảnh xương sọ, hàng trăm mẫu tinh trùng. 1/3 số xương sọ đã được ghép trở lại cho các bệnh nhân.
GS Giang cho hay, ngân hàng mô đầu tiên trên thế giới được thành lập từ năm 1949 tại Hoa Kỳ để bảo quản da và xương. Tại Đông Nam Á, Myanmar đã có ngân hàng mô từ năm 1981, kế đó là Thái Lan (1984), Singapore (1988), Indonesia (1990)…
Bác sĩ vô trùng mô xương sọ trước khi đưa vào Ngân hàng mô bảo quản |
Tại Việt Nam, trong nhiều thập kỷ qua, không có ngân hàng mô chính thống ngoài một số cơ sở tự bảo quản một số mô để ứng dụng lâm sàng như xương, gân (ĐH Y Hà Nội); da, xương (Viện bỏng Quốc gia), mảnh mô xương sọ ghép tự thân, xương ghép đồng loại (ĐH Y Phạm Ngọc Thạch).
Mỗi năm có hàng nghìn bệnh nhân có nhu cầu ghép gân, xương đồng loại, ghép van tim, mạch máu tuy nhiên nguồn mô trong nước không đủ, phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài rất đắt đỏ và cũng không sẵn có.
Trong khi ngay trong nước, rất nhiều trường hợp người cho chết não hiến tặng các phần thi thể, nếu được thu nhận và xử lý, bảo quản đúng tiêu chuẩn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân có nhu cầu.
Ngoài ra, từ nhu cầu tự thân, cũng rất nhiều người có nhu cầu bảo quản gân, xương, tinh trùng, da… Khi ngân hàng mô ra đời sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị kĩ thuật cao và nhu cầu tự thân của người dân.
Ngân hàng mô ra đời cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho các ca ghép tạng, đặc biệt là ghép gan khi lưu trữ các đoạn mạch của người hiến chết não. Khi ghép gan, bác sĩ cần nhiều đoạn mạch để nối dài thêm các cuống mạch gan, trong khi mạch nhân tạo rất đắt và độ tương thích với cơ thể không cao.
Ngân hàng mô đầu tiên tại Việt Nam sẽ đảm nhận việc thu nhập, xử lý, bảo quản, phân phối, vận chuyển các sản phẩm mô được cấy ghép cho các cơ sở y tế, phục vụ nghiên cứu, đào tạo; hợp tác, trao đổi mô với các ngân hàng mô khác trên thế giới.
Thực tế bất kỳ mô nào từ cơ thế con người cũng có thể được thu nhận và sử dụng cho nghiên cứu và điều trị lâm sàng. Mô lấy từ cơ thể người được sử dụng để sửa chữa và thay thế các mô bị bệnh hoặc bị mất của cơ thể.
Hệ thống tủ bảo quản -86 độ C trong Ngân hàng mô |
Các loại mô thường được thu nhận và sử dụng là: Giác mạc, da, xương, sụn, khớp, gân, van tim, mạch máu, màng ối,…
Ngoài ra ngân hàng mô còn bảo quản các tế bào bình thường (phôi, tinh trùng, noãn) và khối u, tế bào gốc từ tủy xương, tế bào gốc dây rốn, mô mỡ, mô tinh hoàn, mô buồng trứng…
Tại Việt Nam, đến nay mô xương sọ là một trong những mô phổ biến nhất được bảo quản. Mô xương sọ lấy ra trong các phẫu thuật giải áp không thể lắp lại ngay, cần chờ 3-6 tháng.
Trong thời gian này, mảnh xương cần phải được bảo quản tạm thời để khi tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho phép, bác sĩ sẽ lắp lại cho chính bệnh nhân nhằm khắc phục tình trạng khuyết sọ.
Trước đây khi chưa có kỹ thuật bảo quản lạnh, các mảnh xương này thường phải vùi dưới da bụng của bệnh nhân. Tuy nhiên kỹ thuật này có nhiều bất lợi cho cả bệnh nhân và thầy thuốc vì phải thực hiện 2 cuộc mổ phụ.
Mặt khác, mảnh xương nằm dưới da bụng có thể làm cho bệnh nhân khó chịu, vết mổ có thể nhiễm trùng, bản thân mảnh xương có thể bị ăn mòn. Với kỹ thuật bảo quản lạnh sâu, các mảnh xương sọ giờ có thể bảo quản ngoài cơ thể thời gian dài.
Nguồn: vietnamnet