Dự thảo xử phạt hành chính các vi phạm trong giáo dục điều chỉnh nhiều vấn đề, trong đó nổi lên nhiều băn khoăn hơn cả là những mức xử phạt liên quan đến dạy thêm, học thêm và xúc phạm người dạy, người học.

Sau 5 năm, mức phạt dự kiến tăng 10-20 triệu đồng

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa công bố nhằm thay thế cho Nghị định 138 đã ban hành cách đây 5 năm.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: Khi triển khai thực hiện đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục được giao nhiều quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức hoạt động. Vì vậy, cần bổ sung một số hành vi bị xử phạt hành chính đối với cơ sở giáo dục khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thêm vào đó, một số hành vi trái pháp luật đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa có quy định để xử phạt; một số quy định mới được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục chưa có chế tài. Vì vậy, cần bổ sung hành vi vi phạm để có cơ sở pháp lý xử phạt. Chưa kể, khung tiền phạt của một số hành vi không còn phù hợp, cần sửa đổi để đảm bảo sức răn đe…

Băn khoăn xử phạt dạy thêm

Thầy T.K, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm cho rằng phạt tiền “từ 6-8 triệu đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa” là chưa hợp lý.

“Tôi làm chủ nhiệm lớp thì sẽ không dạy thêm cho chính lớp mình, mà nếu có dạy thêm cho các em thì sẽ không thu bất kỳ một khoản nào. Tuy nhiên, với một số môn thi đại học, thời lượng học trên lớp chỉ có 1-1,5 tiết/ tuần, bản thân học sinh sẽ phải đi tìm lớp ở ngoài để học nếu trường không tổ chức”.

Không đồng tình việc phạt “từ 8-10 triệu đồng đối với trường trung cấp, CĐ sư phạm, cơ sở giáo dục ĐH tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông”, thầy T.K cho rằng các trường đại học cũng có thể tổ chức các trung tâm bồi dưỡng kiến thức và tận dụng nhân lực là các giảng viên, giáo viên phục vụ cho việc dạy thêm, học thêm trên tinh thần tự nguyện.

Riêng hành vi “cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào nội dung dạy thêm”, thầy T.K đề nghị tăng nặng hình phạt, thay vì chỉ 6 – 8 triệu không đủ sức răn đe. “Cắt kiến thức trên lớp chỉ để mang đi dạy thêm là hành vi ăn cắp cái đáng lẽ học trò được hưởng để mang bán lại cho các em ấy”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Thái Bình thì cho rằng việc đưa ra các mức xử phạt giáo viên dạy thêm là cần thiết nhưng không phải là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc này.

“Phạt giáo viên xong họ vẫn dạy, thậm chí rồi phụ huynh những gia đình có nhu cầu có thể sẽ chấp nhận việc phải tăng tiền cho cô để sẻ chia việc nộp phạt. Thậm chí các phụ huynh còn tự thành lập nhóm rồi mời giáo viên dạy”.

Theo vị này, quan trọng nhất để giải quyết chuyện dạy thêm, học thêm vẫn là ở phụ huynh.

Còn hiệu trưởng trường THPT ở quận 1 ở TP.HCM, cho rằng vấn đề quan trọng là xác định mức độ vi phạm của giáo viên, hoặc phát hiện ra giáo viên vi phạm để đưa vào khung xử lý.

Như vậy, điều quan trọng không phải là tiền mà hướng dẫn bộ máy cơ sở làm thế nào để thực hiện. “Việc tiền phạt từ 5-10 triệu sẽ không vấn đề gì nếu một lớp dạy thêm thu được 30 triệu/tháng”.

Theo cô, vấn đề của dự thảo là phải yêu cầu thủ trưởng đơn vị, các cấp quản lý xác định những hiện tượng vi phạm để đưa vào khung xử lý như thế nào. Cụ thể như thế nào là xâm phạm thân thể học sinh, vị phạm trong phạm vi như thế nào để không xử ép đối tượng bị phạt và đảm bảo quyền lợi học sinh.

“Phạt như thế nào không quan trọng mà quan trọng là đưa ra danh mục đúng người đúng việc, đặc biệt là đối với những cán bộ quản lý chưa chắc tay thì việc xác định lỗi sẽ rất khó khăn”- cô khẳng định.

La rầy, trách mắng học sinh có phải là xúc phạm danh dự?

Trong Dự thảo quy định giáo viên có hành vi xâm phạm người học sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng (với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự) hoặc 20-30 triệu đồng (với hành vi xâm phạm thân thể).

Cô giáo N.L, một giáo viên tiểu học tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng quy định này rất mơ hồ và “phải định mức thế nào được coi là xúc phạm để quy ra hình phạt”.

“Giáo viên lên lớp chỉ mong có tinh thần thoả mái nhất để dạy bảo các con. Bây giờ mà sợ nọ kia, sợ lỡ lời không khéo có thể bị phạt,thì còn tinh thần làm việc không? Và xem xét sự xúc phạm dưới con mắt trẻ thì rất khó, mà phụ huynh cũng chỉ phản ánh dựa trên lời kể của con em mình. Như vậy sẽ không khách quan”.

Còn cô Nguyễn Kim Cúc, giáo viên một trường THPT tại Đà Nẵng nhận xét những mức phạt nói trên là hơi nặng, và cô đặt vấn đề xúc phạm nhân phẩm học sinh đến đâu sẽ bị xử lí?

Đồng quan điểm, thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên tiểu học tại TP.HCM băn khoăn: “Học sinh đến lớp không học bài, làm bài,… giáo viên nhiều lần nhắc nhở, trao đổi với phụ huynh nhưng vẫn không thay đổi. Nếu học sinh đó tiếp tục vi phạm, giáo viên la rầy, trách mắng, liệu có bị xem là xúc phạm nhân phẩm, danh dự hay không?”.

Theo thầy Sơn, quy định “hành vi xâm phạm thân thể người học” cũng cần đưa ra các mức độ để xác định nặng hay nhẹ.

“Trong quá trình giảng dạy, có rất nhiều phụ huynh yêu cầu giáo viên “cứ đánh cho cháu nên người” hoặc “bé không học bài, làm bài thì cứ phạt”. Việc đánh học sinh là sai, nhưng nếu giáo viên đánh khẽ vào tay hoặc la rầy một câu để nhắc nhở thì cũng hết sức bình thường”.

Thầy Sơn cho rằng, ngày nay, vị thế của người thầy trong mắt phụ huynh và học sinh đã bị giảm sút. “Bởi các em biết rằng nếu thầy cô vi phạm sẽ bị kỉ luật, bị xã hội lên án, thậm chí có khi do áp lực dư luận buộc phải xin nghỉ việc”. “Do đó, nếu lấy Nghị định xử phạt vi phạm hành chính để làm “thước đo”, liệu học sinh có còn coi trọng thầy cô hay không?

Khi lo âu, bất an vì những ràng buộc trong Nghị định, giáo viên đến lớp chỉ hoàn thành cho xong nhiệm vụ. Học sinh có làm bài, học bài hay không, giáo viên không dám nhắc nhở, xử lý thì chất lượng học tập sẽ ra sao?”.

Cô Phạm Thúy Hà, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi TP.HCM phân tích: Việc xử phạt giáo viên xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh đã được theo Luật viên chức là khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc. Còn biện pháp xử lý là phạt hành chính không dễ thực hiện được. “Việc xác định lỗi như thế nào để phạt hành chính sẽ phải lắng nghe từ nhiều phía. Để xác định có lỗi hay không sẽ phải dựa vào pháp luật, phải giám định và tòa án xử lý nên việc phạt là không phải đơn giản”.

Ngăn ngừa quan trọng hơn

Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng dự thảo khá chi tiết và chặt chẽ, tuy nhiên sẽ rất khó để xử lý vấn đề dạy thêm học thêm, bởi ngoài đối tượng là nhà giáo, giảng viên thì sẽ có nhiều đối tượng thực hiện điều này. Vấn đề này không xảy ra ở các trường tư thục, trường quốc tế mà phần lớn diễn ra ở các trường công lập. Như vậy học thêm thì có phải là nhu cầu chính đáng hay chương trình dạy như thế nào mà con em phải học thêm?

Ông Sơn cho rằng ở môi trường giáo dục hãy để các thầy cô thể hiện lòng tự trọng chứ không phải dùng biện pháp hành chính. Muốn như vậy, hãy thay đổi tận gốc là vấn đề thu nhập của giáo viên, môi trường làm việc có sự tôn trọng và tự do học thuật, chương trình dạy học giảm tải kiến thức và tăng cường trải nghiệm chứ không phải giảm số môn, giảm số trang.

Nhìn nhận một cách thực tế, cô Phạm Thúy Hà cho rằng về xử phạt hành chính trong lĩnh vực dạy thêm, trước đây đã có Nghị định 138 quy định về vấn đề này nên việc xử phạt theo Dự thảo này không mới. Theo cô, điều quan trọng nhất là không nên để sự việc xảy rồi mới đưa ra mức phạt mà nên ngăn chặn từ đầu.

“Đầu năm học nhà trường triển khai và nhắc các quy đinh này để giáo viên “ngấm”. Còn khi sự việc đã xảy ra thì phải xử lý, chứ không phải đặt ra một biện pháp rồi áp dụng vì việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời của họ”.

Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, từ khi có Nghị định 138, hầu như cũng chưa có vụ việc xử lý vi phạm nào đáng kể. Theo ông, đây chỉ là một công cụ để quản lý, không phải “đè” giáo viên ra để phạt. Thực tế khi có Nghị định 138, hầu như các địa phương chưa xử lý vụ việc nào, còn thanh tra thì mới 30 địa phương xử lý được một số vụ việc. Trong khi đó, hiện tượng mặt trái của dạy thêm học thêm vẫn gây bức xúc. Dự thảo hiện còn được lấy ý kiến đóng góp tới ngày 25/11. Ban soạn thảo sẽ tiếp tuc ghi nhân các ý kiến đóng góp để điều chỉnh cho phù hợp.

Thanh Hùng – Lê Huyền

Tại sao có thể đưa vấn đề “nhà giáo ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” vào Luật Giáo dục sửa đổi trong khi đây chỉ là tình trạng cá biệt? Tôi nghe điều này mà thấy thật đau lòng”– luật sư Trương Thị Hòa (TP.HCM) phát biểu tại hội thảo góp ý Dự án Luật giáo dục sửa đổi do Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 2/10.

Bà Hòa kiến nghị không đưa vấn đề “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” vào Luật Giáo dục sửa đổi.Tại Điều 69, các hành vi nhà giáo không được làm dự kiến quy định như sau: Nhà giáo không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; Gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học; Xuyên tạc nội dung giáo dục; Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

Xử phạt vi phạm giáo dục bằng tiền: Lo học sinh hết coi trọng thầy cô
Cô Trương Thị Lệ Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) phân tích nhiều nước quy định rất cụ thể một giáo viên chỉ được dạy chính ở cơ sở công lập, còn nếu dạy thêm thì có thể dạy ở bên ngoài. Vì vậy, vấn đề giáo viên dạy thêm có thực hiện được hay không là do quản lý. Bên cạnh đó, mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Do đó, cô Hà cũng kiến nghị đưa nội dung “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” ra khỏi dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : Daỵ thêmgiáo viênHọc thêmLương Giáo Viên

Các tin liên quan đến bài viết