Nữ hoàng miền Tây Trương Thị Lệ Khanh, người từng là nữ tỷ phú số 1 trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giàu kỷ lục nhờ những quyết định chấn động của ông Donald Trump.
Cổ phiếu VHC của CTCP Vĩnh Hoàn của bà trùm cá tra Trương Thị Lệ Khanh tiếp tục trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi trở thành cổ phiếu hiếm hoi vượt qua đỉnh hồi tháng 4 – thời điểm TTCK ghi nhận chỉ số VN-Index đạt mốc lịch sử 1.204 điểm.
Trong 4 tháng qua, giá cổ phiếu VHC tăng vọt từ dưới 50.000 đồng lên 96.000 đồng/cp như hiện tại.
Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện là chủ tịch HĐQT Thủy sản Vĩnh Hoàn và là cổ đông lớn nhất, nắm giữ gần 39,6 triệu phần VHC (gần 43%), trị giá gần 3,8 ngàn tỷ đồng, lọt top 15 người giàu nhất trên TTCK.
Tương tự, cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh cũng tăng rất mạnh, từ mức 2.300 đồng/cp lên 5.600 đồng/cp trong vòng chưa tới 3 tháng qua.
Sở dĩ VHC và HVG nói riêng và nhiều cổ phiếu thủy sản khác tăng mạnh trong thời gian qua là bởi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng (riêng HVG dần thoát được nợ nần) trong khi triển vọng kinh doanh khá sáng sủa.
Theo báo cáo của CTCK BVSC, cuộc chiến thương mại leo thang không ngừng giữa Mỹ và Trung Quốc mang đến cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn.
Việc Mỹ mới đây công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ trong khi 11 nước không đạt được xem là một thông tin hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp nội địa.
Trung Quốc và Thái Lan cũng đủ điều kiện. Tuy nhiên, trong gói đánh thuế mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 10% lên sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi cuộc chiến Mỹ – Trung được dự báo sẽ kéo dài, thì đây được xem là cơ hội hiếm có để các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa Việt Nam giành nốt thị phần nhỏ còn lại tại nước Mỹ.
Vĩnh Hoàn và Hùng Vương thậm chí còn được hưởng lợi lớn hơn bởi nằm trong số ít các doanh nghiệp hưởng thuế chống bán phá giá bằng 0. Nếu kết quả cuối cùng của POR14 (có hiệu lực từ tháng 4/2019) không có gì thay đổi, Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh và Thủy sản Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh sẽ tiếp tục hưởng lợi trong năm 2019.
Các báo cáo gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp thủy sản khác như Minh Phú (MPC), Navico, Cửu Long An Giang,… đều có kết quả kinh doanh tốt và triển vọng sáng sủa.
Cùng chung niềm vui với thủy sản, một số cổ phiếu nhóm ngành dệt may, đồ gỗ,… cũng đang có xu hướng tăng giá. Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này được xem là sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng được dự báo tăng mạnh sau quyết định cấm vận Iran của ông Donald Trump, theo đó sẽ kéo nguồn cung giảm.
Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền đổ vào vẫn khá lớn, giờ đang lan tỏa ra các cổ phiếu vừa và nhỏ, thay vì vào nhóm blue-chip. Các cổ phiếu dầu khí hàng đầu như GAS, PVDS, PVS, PLX, OIL,… vẫn diễn biến tích cực.
Nhóm cổ phiếu dệt may tăng điểm mạnh như Thành Công, TNG, VGT,…
Trong nhóm cổ phiếu chủ chốt, nhiều cổ phiếu hạ nhiệt như Vingroup, Vietcombank, Hòa Phát, Vinamilk,… khiến thị trường chùng xuống.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn tươi sáng hơn trong các dự báo.
CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá tích cực và trước mắt xu hướng vẫn nghiêng về tăng. Theo đó khả năng rất lớn là VN-Index sẽ kiểm định đường MA 200 ngày hiện ở 1025,15 điểm.
VPBS duy trì quan điểm thị trường có thể sẽ tiếp tục tăng hướng đến vùng 1040 ở chỉ số VN-Index trong tuần này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/9, VN-index giảm 0,55 điểm lên 1010,74 điểm; HNX-Index giảm 0,07 điểm xuống 115,52 điểm. Upcom-Index tăng 0,32 điểm lên 53,99 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 310 triệu đơn vị, trị giá 6,1 ngàn tỷ đồng.
Nguồn: vietnamnet