Lời tòa soạn: Sau ngày khai giảng 5/9, dư luận tiếp tục quan tâm tới một clip về dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1 theo giải pháp Công nghệ giáo dục; cụ thể là bài học đầu tiên của sách tiếng Việt 1 với việc dạy trẻ đọc theo mô hình ô vuông, tam giác. Sáng 7/9, VietNamNet nhận được bài viết của độc giả Hoàng Nguyễn Việt Tiến (Đức Trọng, Lâm Đồng) chia sẻ quan điểm cá nhân của mình tới VietNamNet xung quanh câu chuyện học đánh vần theo giải pháp Công nghệ Giáo dục. Để rộng đường dư luận, VietNamNet giới thiệu ý kiến của phụ huynh có con đang theo học với giải pháp giáo dục này.
Đọc ô vuông, tam giác không phải là thay đổi chữ viết
Về video dạy trẻ em học bằng phương pháp đọc chữ “ô vuông, tam giác”, nhiều người không hiểu toàn diện vấn đề đã cho rằng: Đây là cách dạy lạ lùng, nước mình sắp thay đổi chữ viết, sắp chuyển từ “a bê xê” sang hình vuông, tam giác; sẽ mất chữ tiếng quốc ngữ truyền thống…
Xin thưa, mục đích của việc đếm ô vuông, tam giác là để đếm tiếng, học cách tách lời nói thành các tiếng, chứ chưa phải học cách đánh vần, học chữ. Học sinh sẽ được học chúng trong vòng vài tuần đầu, sau đó sẽ chuyển sang học bảng chữ cái như bình thường. Như vậy, sẽ không có chuyện dạy đếm hình thay các chữ cái truyền thống. Việc học này chỉ diễn ra giai đoạn đầu nhằm học cách đếm, tách tiếng.
Học sinh dân tộc Khơ-Me tại Trường TH Dương Hòa (Kiên Lương, Kiên Giang) hứng thú với tiết học tiếng Việt 1 theo tài liệu công nghệ giáo dục trong giờ học năm 2013. |
Quy trình diễn ra như sau: Giáo viên sẽ cho một bài thơ, ca dao để học sinh học thuộc trước. Cũng giống như bài hát, trẻ dễ thuộc dù chưa biết chữ, thơ, ca dao thường rất dễ thuộc.
“Tháp – Mười – Đẹp – Nhất – Bông – Sen”. Trong câu trên có 6 tiếng, ứng với đó sẽ là 6 hình (hình vuông hay tam giác không quan trọng, chỉ là số lượng sáu tiếng phải ứng với sáu hình). Sau đó, cô giáo chỉ vào từng ô vuông để các cháu đọc theo nhằm biết cách tách ra từng tiếng. Việc dạy cái hình vuông này là để cho học sinh biết được mỗi tiếng ứng với một hình. Như vậy trẻ không đọc thừa chữ, thiếu chữ. Không có chuyện nhìn hình vuông mà đọc được chữ. Đó là do các cháu học thuộc lòng trước mà thôi.
Hiện nay, đang có ít nhất 2 bộ sách dạy lớp 1 là bộ sách theo chương trình đại trà của Bộ GD-ĐT (thường gọi là chương trình 2000) và một bộ theo chương trình Công nghệ giáo dục.
Giữa 2 cách dạy theo 2 bộ sách trên, hiện vẫn đang tranh cãi rất nhiều vì cách học nào cũng có ưu nhược điểm.
Theo các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành, sách Tiếng Việt lớp 1 đại trà ưu thế hơn về phát triển các kỹ năng một cách toàn diện như đọc thành tiếng, viết chính tả, đọc hiểu, nói nghe…
Nhưng học theo sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ Giáo dục có ưu thế rất nổi bật về kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả. Mục tiêu của giải pháp Công nghệ giáo dục này là để học sinh nhận biết đúng bản chất từ âm tới chữ, giúp học sinh chưa biết đọc biết viết có thể biết đọc biết viết nhanh hơn.
Điều này không những tạo nền móng tốt cho trẻ mà còn giúp trẻ tự tư duy (bớt học vẹt) và sau này trẻ học những ngôn ngữ khác như tiếng Anh cũng sẽ tốt hơn.
Ở các khu vực miền núi, với các trẻ em người dân tộc thiểu số (học tiếng Việt xem như ngôn ngữ thứ 2), việc học theo giải pháp này giúp các cháu tiếp cận nhanh, tỷ lệ tái mù chữ rất thấp so với học theo phương pháp hiện hành.
Giải pháp này do nhiều chuyên gia nghiên cứu ra và tồn tại đến nay là do có thành công nhất định, chứ không phải thất bại. Chưa có ai ghi nhận trẻ bị mù chữ hay viết lạc, đọc lạc sau khi phát âm theo cách này. Chắc chắn, khi đưa vào giảng dạy những giáo trình này đã được đánh giá, thẩm định, sửa chữa nhiều năm bởi những người có chuyên môn.
Ngữ liệu trong sách Tiếng Việt 1, tập 3, tài liệu Tự học của giải pháp Công nghệ giáo dục. |
Mặc dù có hạn chế, nhưng về cơ bản, đây là giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, hỗ trợ học sinh trong việc học tiếng Việt.
Tôi có con và các cháu đang theo học sách này. Con tôi ở nhà học theo phương pháp này khá tốt và nhanh. Còn nội dung một số bài học trong sách này có điểm chưa chuẩn, chưa hợp lý hoàn toàn (về các câu chuyện được cho là phản cảm như Quả bứa, Mẹ đi chợ về…; một số từ ngữ còn vùng miền, chưa phổ thông như quện, gà qué…), thì tôi cũng tán thành cần phải chỉnh lý và sửa đổi để thật chuẩn và phù hợp với trẻ em.
Còn nếu bạn không đồng tình, có thể chọn giải pháp khác (như đã nói: Mỗi giải pháp có ưu và nhược điểm).
Lùi lại để suy xét
Vấn đề cốt lõi là các vị phụ huynh đang đặt vị trí là chính mình để tiếp nhận, đánh giá giải pháp này, mà không phải ở vị trí đứa trẻ. Vì vậy, đừng áp đặt suy nghĩ của người lớn lên trẻ con mà cứ đinh ninh rằng tụi nhỏ không thể tiếp nhận được vì cứ suy nghĩ phương pháp mới quá rắc rối với mình (chứ không hẳn rắc rối với trẻ con).
Những người đã quen với phương pháp cũ rất khó để chấp nhận phương pháp mới vì họ không thể dạy con ở nhà được nếu áp dụng phương pháp mới. Trẻ con như tờ giấy trắng. Phương pháp mới hay cũ thì trẻ đều có khả năng tiếp nhận như nhau.
Vì vậy không nên áp đặt suy nghĩ của người lớn lên trẻ con mà cứ đinh ninh rằng trẻ không thể tiếp nhận được vì suy nghĩ phương pháp mới quá rắc rối với mình (chứ không rắc rối với trẻ con, tụi nhỏ chưa biết gì cả!).
Lấy ví dụ cụ thể, để phụ huynh học được phương pháp mới này, trước tiên họ phải tạm quên phương pháp cũ, rồi học lại phương pháp mới. Như vậy họ sẽ cảm thấy rắc rồi phức tạp hơn.
Tóm lại, tư duy người lớn còn bảo thủ, không muốn thay đổi vì nó lạ với mình, Thiết nghĩ, đích đến quan trọng là trẻ có thể đọc thông viết thạo. Bố mẹ nếu có thời gian rảnh, có thể dạy cho con những thứ khác: kỹ năng sống, cách ứng xử, cách vui chơi…
Vụ ồn ĩ của “cư dân mạng” và sự im lặng của ngành giáo dục
Câu chuyện đánh vần “ô vuông, tam giác” nóng lên sau ngày khai giảng là một lần nữa “tiếp nối” chuyện đã xôn xao trong 2 tuần qua từ clip hướng dẫn cách hướng dẫn đọc âm “cờ” của các con chữ “c, q, k”. Câu chuyện đang bị đưa đẩy ngày càng xa và cứ vài ngày lại có diễn biến mới; thậm chí có những gán ghép như “Việt Nam sắp đổi sang chữ ô vuông, hay gán ghép với đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của PGS Bùi Hiền,v.v…, thậm chí là những kích động khác.
Không ít người dùng Facebook đang like (thích), share (chia sẻ) và đặc biệt là chửi, chửi rất thậm tệ, quyết liệt những thứ mà mình… chưa hiểu gì cả. Chưa bàn về sự đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, giải pháp nào sẽ tốt hơn…, nhưng thái độ lao vào to tiếng mạt sát thứ mình không biết rõ chắc chắn là một thái độ không hợp lý. Điều này chẳng khác gì dùng những ngôn ngữ phản giáo dục nhất trong tiếng Việt để… bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Tài liệu dạy học tiếng Việt CNGD dù có những tranh cãi nhưng đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kĩ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu.
Hãy bỏ thời gian nghiên cứu một tí trước khi tranh cãi, tranh luận vấn đề. Trong chuỗi tranh luận ồn ã chưa dứt trên mạng xã hội, đã có thầy giáo làm clip trang bị một số kiến thức căn bản về tiếng Việt và chữ Quốc ngữ; một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ, khoa học giáo dục cũng trình bày quan điểm cá nhân kể cả ủng hộ hay phản biện những vấn đề liên quan tới giải pháp giáo dục này; không ít người đã từng là học sinh theo giải pháp Công nghệ giáo dục hoặc phụ huynh có con đã, đang theo học…lên tiếng về những kết quả giáo dục mà bản thân mình hay con em mình có được…
Theo các thông tin trên báo chí, giải pháp Công nghệ giáo dục đã được áp dụng gần 40 năm, ban đầu từ trường Thực Nghiệm ở Hà Nội, đến nay đã lan tới gần 50 tỉnh, thành; năm học 2018 – 2019 có khoảng 800.000 học sinh đang theo học bộ sách Tiếng Việt 1 này. Sang năm học tới đây, ngành giáo dục sẽ thay sách mới. Dù hiện nay đã có nhiều người đã từng theo học sách của Công nghệ Giáo dục, hay có con em mình đang theo học sách này, thì những phụ huynh khác vẫn còn băn khoăn về câu chuyện trong tương lai. Bởi vậy, sự lên tiếng của ngành giáo dục lúc này là rất cần thiết, bên cạnh sự ầm ĩ trên mạng trong những ngày qua.
Xuất hiện gần 40 năm, giải pháp Công nghệ Giáo dục mới được thẩm định – Năm 1979 cải cách giáo dục lần thứ 3, cả nước thống nhất học sách cải cách, chỉ có Trường Thực nghiệm Công nghệ Giáo dục học sách của GS Hồ Ngọc Đại (ngôi trường do chính GS sáng lập). – Năm 2006, GS Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa Công nghệ giáo dục quay trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số”. GS đi Lào Cai vận động chính quyền địa phương đưa sách giáo khoa Tiếng Việt – Công nghệ giáo dục vào dạy. – Năm 2008, Bộ GD-ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh. – Năm 2013, Bộ GD-ĐT bỏ thuật ngữ “thí điểm”, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn. -Sau khi nghe báo cáo của các đoàn khảo sát, ngày 19/4/2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. Ngày 12, 13/5/2017, Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã họp để đánh giá tài liệu này. |
Nguồn: vietnamnet