Số người thiệt mạng do tranh giành đất đai giữa các cộng đồng ở Nigeria bất ngờ đã tăng lên hơn 200 người khiến mọi người đều bất ngờ.
Theo hãng tin Reuters, ông Simon Lalong, thống đốc bang Plateau, đã xác nhận rằng có hơn 200 người đã thiệt mạng vào cuối tuần trước vì bạo lực ở bang Plateau thuộc miền trung Nigeria.
Tại cuộc họp báo vào tối muộn 26-6 với Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari, thống đốc Lalong thừa nhận con số thống kê mới nhất, tăng rất nhiều so với con số 86 do cảnh sát công bố mấy ngày qua, đã khiến cho vụ việc bạo lực này trở thành một trong những sự cố đẫm máu nhất trong năm nay tại Nigeria.
Những vụ tấn công qua lại giữa các cộng đồng nêu trên là “rất đáng lo ngại và đáng báo động”, theo lời thống đốc Lalong bởi nó phản ánh tình trạng xung đột xã hội, tôn giáo đang leo thang ở nhiều tiểu bang heo hút của Nigeria.
Ông cũng lưu ý về thách thức nhân đạo và thiệt hại kinh tế khi phải “đối đầu với tình trạng hàng ngàn người bị buộc di tản tránh bạo lực, nhà cửa và cây trồng của họ bị đốt cháy và phá hủy hoàn toàn”.
Cuộc tấn công đẫm máu có tổ chức nhằm vào khoảng chục ngôi làng tại bang Plateau xảy ra đêm 23-6.
Người phát ngôn cảnh sát bang Plateau, Terna Tyopev cho biết có tổng cộng 11 ngôi làng bị các tay súng tấn công.
Những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm các làng Razat, Ruku, Nyarr, Kura và Gana-Ropp của huyện Gashish thuộc vùng Barkin Ladi, bang Plateau.
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh sau vụ việc này.
Chính quyền bang Plateau đã ban bố lệnh giới nghiêm tại các khu vực bị tấn công do lo ngại bạo lực leo thang. Thống đốc Simon Lalong cho biết ông đã chỉ đạo cho các lực lượng an ninh nỗ lực hơn nữa để chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào các cộng đồng ở vùng nông thôn của bang này.
Bang Plateau nằm ở khu vực miền Trung Nigeria, là nơi tiếp giáp cả khu vực miền Bắc đông người Hồi giáo sinh sống và miền Nam nơi tập trung nhiều người Cơ đốc giáo.
Tiến sĩ Aminu Gamawa của Nigeria, trên đài DW của Đức, cho rằng vấn đề xung đột mang màu sắc tôn giáo và quyền lợi kinh hoàng ở đất nước này đòi hỏi sự can thiệp nhiều hơn của chính quyền trung ương bởi nó thường xuyên bị kích động bằng sự thù hận của các cộng đồng tại địa phương lẫn âm mưu trục lợi chính trị của một số người”.
Nguồn: tuoitre.vn