Từ năm 2014 – 2018, Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu thuộc Bộ đã tổ chức trên 50 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Nhưng dự án vẫn đầy rẫy sai phạm, nhiều cá nhân bị khởi tố.
Vừa đưa vào khai thác đã hư hỏng
Chính phủ vừa có báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực giao thông vận tải.
Tại báo cáo này, Chính phủ đề cập cụ thể trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị về việc chất lượng dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chưa bảo đảm và tình hình xử lý theo yêu cầu. Đây là dự án vừa làm xong đã đầy ổ voi ổ gà, nhiều cá nhân bị khởi tố, bắt giam.
Cao tốc Đà Nẵng – Quãng Ngãi hỏng hóc sau khi thông xe. |
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài là 139,2km do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh đến các hư hỏng xảy ra tại dự án và trách nhiệm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng tại dự án sau khi đưa công trình vào khai thác.
Theo báo cáo, trong quá trình vận hành, khai thác tuyến đường đã xuất hiện một số hư hỏng cục bộ mặt đường bắt đầu từ thời điểm tháng 9/2018 với tổng diện tích hư hỏng khoảng 89,10m2/3.100.000m2 tổng diện tích mặt đường (chiếm khoảng 0,003%).
Các hư hỏng này đã được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC, các nhà thầu liên quan sửa chữa, khắc phục ngay trong năm 2018. Từ năm 2018 đến nay, tiếp tục phát hiện thêm khoảng 2.691,06m2 hư hỏng cục bộ mặt đường.
Phần diện tích hư hỏng này đang được VEC (với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án theo quy định) chỉ đạo các nhà thầu kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, xây dựng phương án để tiếp tục sửa chữa, khắc phục theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
“Việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng này thuộc trách nhiệm của các nhà thầu bằng kinh phí bảo hành công trình của nhà thầu theo quy định của hợp đồng và quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ”, Chính phủ cho biết.
Đến thời điểm hiện nay, VEC chưa xác nhận hết bảo hành công trình đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án theo quy định tại khoản 5 Điều 36 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ và đang chỉ đạo các nhà thầu lập hồ sơ, kế hoạch để tiến hành sửa chữa, khắc phục trong thời gian tới bằng kinh phí bảo hành của nhà thầu.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nhà thầu thi công vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng đối với phần công việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành.
Đối với công tác sửa chữa các hư hỏng mặt đường, công trình, báo cáo của Chính phủ cho biết: Hiện tại, toàn bộ các hư hỏng mặt đường, công trình đã được VEC chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác tuyến đường khắc phục tạm thời để đảm bảo giao thông. Tuy nhiên, việc sửa chữa chính thức chưa được VEC tổ chức thực hiện do dự án thuộc hiện trường vụ án điều tra, VEC chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tại Văn bản số 4516/C03-P13 ngày 13/9/2019 gửi VEC .
Bộ thanh kiểm tra 50 cuộc trong 5 năm
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải về chất lượng công trình.
Theo đó, đối với dự án, Bộ Giao thông vận tải thực hiện vai trò là Bộ quản lý chuyên ngành và là người quyết định đầu tư dự án, có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác quản lý chất lượng của chủ đầu tư, của các nhà thầu tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình,… ; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình,… .
Trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình.
Từ năm 2014 đến năm 2018, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan tham mưu thuộc Bộ đã tổ chức trên 50 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với dự án. Sau mỗi cuộc thanh, kiểm tra, Bộ Giao thông vận tải đều có văn bản chỉ đạo VEC chấn chỉnh.
Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải là một thành viên của Hội đồng, tham gia các hoạt động của Hội đồng đối với dự án.
Trong quá trình thực hiện dự án, Hội đồng đã có nhiều ý kiến bằng văn bản về công tác quản lý chất lượng công trình. Cơ quan Thường trực Hội đồng tổ chức kiểm tra dự án với tần suất 3 – 6 tháng/lần (tùy thuộc vào tiến độ thi công thực tế), tại các đợt kiểm tra của Cơ quan Thường trực Hội đồng và các chuyên gia đã chỉ ra những tồn tại của dự án cần khắc phục. Các ý kiến của Hội đồng, Cơ quan Thường trực Hội đồng và các chuyên gia đã được Bộ giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan tiếp thu, tổ chức thực hiện.
Báo cáo đánh giá Bộ Giao thông vận tải đã “thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình”.
Liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư dự án về chất lượng công trình, báo cáo cho rằng: Chủ đầu tư dự án (VEC) có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình; kiểm tra và giám sát trong quá trình thi công xây dựng công trình, tổ chức nghiệm thu hoàn thành các hạng mục công trình, hoàn thành công trình xây dựng,… theo đúng các quy định pháp luật về xây dựng .
Tư vấn giám sát và các nhà thầu có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình, tổ chức thi công, giám sát thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình, nghiệm thu công trình hoàn thành,… theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, quy định của hợp đồng và các quy định pháp luật về xây dựng.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố hình sự 19 người liên quan tại VEC, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguồn: vietnamnet