304.000 tỉ mà bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc tham ô, chiếm đoạt từ SCB tương đương 6% GDP Việt Nam, nhiều hơn tổng tài sản của cả 5 tỉ phú giàu nhất Việt Nam cộng lại.
Tòa nhà Sherwood Residence, số 127 Pasteur, quận 3, TP.HCM, cũng là nhà của bà Trương Mỹ Lan, nơi các lái xe chở hàng trăm ngàn tỉ từ SCB về
Sau khi kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát được ban hành với những sai phạm và hậu quả thiệt hại gây ra là “vô tiền khoáng hậu”, dư luận đang rất quan tâm số tiền khổng lồ mà bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc tham ô, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB đã đi đâu?
Kết luận cho thấy ngoài chỉ đạo nhóm thân tín ở Vạn Thịnh Phát và SCB lập hồ sơ khống vay tiền, thì bà Lan còn chỉ đạo rút tiền ra khỏi nhà băng này bằng nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi.
Hoán đổi, biến tài sản đang thế chấp thành của riêng
Kết quả điều tra xác định trong 875 khách hàng đứng tên giúp cho nhóm bà Lan vay 1.284 khoản ở SCB có 440 cá nhân, 435 pháp nhân. Các pháp nhân đều là công ty “ma”, do bà Lan chỉ đạo cấp dưới dựng lên để đứng tên làm thủ tục giải ngân.
Để có tài sản thế chấp hợp thức các khoản vay với số tiền lên đến hơn 1 triệu tỉ và “rút ruột” ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan đã dùng nhiều khối tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý và nâng khống giá trị lên nhiều lần.
Với chiêu “mua chuộc” công ty thẩm định giá, tài sản thế chấp cho các hợp đồng vay khống của Vạn Thịnh Phát đã bị “thổi giá” lên gấp nhiều lần nhằm rút được số tiền lớn.
Theo kết luận, với 1.284 khoản vay còn dư nợ của nhóm Vạn Thịnh Phát có 1.166 mã tài sản thế chấp được định giá 1.265.504 tỉ đồng.
Trong đó Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá 726/1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách phân bổ hơn 643 ngàn tỉ. Tuy nhiên số tài sản này được định giá lại thực chất chỉ có giá trị hơn 253 ngàn tỉ.
Cơ quan điều tra dẫn chứng tại kết luận: “điển hình” của việc đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị thực là các khoản vay liên quan tài sản bảo đảm ở dự án Mũi Đèn Đỏ.
Khu vực dự án công viên Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM) và cánh cổng bị khóa lại (ảnh bên trong cánh cổng)
Cụ thể ngân hàng đã giải ngân 137 khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là dự án Mũi Đèn Đỏ hiện còn dư nợ hơn 133.000 tỉ (chiếm 22% tổng dư nợ gốc của nhóm Vạn Thịnh Phát).
Dự án này khi được đưa vào thế chấp cho các khoản vay được định giá tài sản đảm bảo trên sổ sách là hơn 584.000 tỉ. Tuy nhiên thực tế các tài sản này chỉ được định giá khoảng 22.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo “rút ruột” của SCB bằng việc hoán đổi, sau đó rút các tài sản đảm bảo có giá trị pháp lý ra khỏi ngân hàng sử dụng cho mục đích cá nhân của chủ tịch Vạn Thịnh Phát.
Kết quả điều tra xác định trong số 1.284 khoản vay của nhóm bà Trương Mỹ Lan – Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có 240 tài sản bảo đảm cho 430 khoản vay bị hoán đổi. Điển hình có khoản vay hoán đổi tài sản tới 12 lần, kết luận nêu.
Giá trị tài sản khi đưa vào thế chấp được định giá trên sổ sách là hơn 487.000 tỉ, nhưng sau khi bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm, đến nay giá trị trên sổ sách là hơn 351.000 tỉ.
Cả trăm ngàn tỉ đã đi đâu?
Theo kết luận, trong số 240 tài sản bảo đảm bị hoán đổi, có 67 tài sản đã bị xuất hẳn ra khỏi hệ thống quản lý của SCB, có nhiều tài sản có giá trị lớn, chuyển thành nhóm Vạn Thịnh Phát sở hữu như: tòa nhà Sherwood Resident tại 127 Pasteur; tòa nhà 66 Phó Đức Chính, TP.HCM.
Cơ quan điều tra còn xác định nhiều tài sản lớn đã được chuyển nhượng cho bên khác hoặc chuyển sở hữu nước ngoài nên không thể kê biên được.
Quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật.
Những người được thuê này đều có quan hệ họ hàng hoặc là cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Một phần tiền được giải ngân từ các khoản vay của SCB được Vạn Thịnh Phát đưa vào nhóm công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn… đều là công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên…
Ngoài ra nhóm của bà Trương Mỹ Lan còn thành lập nhiều “công ty ma” để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…
Bà Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế” phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài…
Một phần tiền rút từ SCB, Vạn Thịnh Phát đầu tư và sở hữu các dự án bất động sản, như khu dân cư Bonville diện tích hơn 56.000m2 ở khu đô thị mới Nam thành phố, huyện Bình Chánh; khu dân cư Sterling Residence rộng hơn 264.000m2 thuộc khu đô thị mới Nam thành phố, huyện Bình Chánh; khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7 với quy mô 1.177.000m2…
Khi vụ án bị khởi tố, liên quan bà Trương Mỹ Lan và các bị can, C03 thu giữ tổng số tiền hơn 589 tỉ và 15 triệu USD. Cơ quan điều tra cũng tiến hành phong tỏa 43 tài khoản của các bị can và các cá nhân đứng tên hộ bị can mở tại các ngân hàng. Tổng số tiền bị phong tỏa gần 1.900 tỉ và 8,5 triệu USD.
Đáng chú ý cơ quan điều tra đã kê biên 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan bà Trương Mỹ Lan; kê biên hơn 857 triệu cổ phần SCB của bà Lan và các cá nhân đứng tên giúp chủ tịch Vạn Thịnh Phát; 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan.
Kê biên 22 tài sản là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân do các pháp nhân đứng tên.
Kết luận điều tra xác định bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng.
Rửa tiền
Theo kết luận, mỗi khi cần tiền mặt, chủ tịch Vạn Thịnh Phát yêu cầu lãnh đạo SCB giải ngân cho các khoản vay khống, rồi chuyển vào các tài khoản “ma” đã được lập sẵn từ trước đó.
Lái xe riêng sẽ chở tiền về nhà riêng của bà Trương Mỹ Lan hoặc trụ sở tập đoàn với số tiền hàng trăm ngàn tỉ.
Kết quả điều tra xác định sổ tay ghi chép và lời khai của Bùi Văn Dũng (lái xe riêng), Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý bà Lan) từ ngày 26-2-2019 đến ngày 12-9-2022, theo chỉ đạo của bà Lan, ông Dũng đã vận chuyển tiền từ Ngân hàng SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của nữ doanh nhân này khoảng 108.000 tỉ đồng và 14,7 triệu USD.
Số tiền mặt trên được rút ra khỏi SCB không chỉ từ khoản vay tín dụng của ngân hàng, mà còn có nguồn từ phát hành trái phiếu.
Những chuyến xe chở tiền khỏi nhà băng được giao cho bà Lan hoặc đưa cho một số cá nhân theo chỉ đạo của chủ tịch Vạn Thịnh Phát – kết luận nêu.
Ngoài các hành vi đã kết luận, bà Trương Mỹ Lan và chồng là tỉ phú Hong Kong Chu Lập Cơ còn bị cơ quan điều tra cáo buộc có hành vi “rửa tiền”. Vợ chồng chủ tịch Vạn Thịnh Phát cùng 6 người khác đã bị khởi tố về tội “rửa tiền” nhưng được tách ra để điều tra trong giai đoạn 2.
Trong 22 người đã bị khởi tố để điều tra trong giai đoạn 2, lái xe Bùi Văn Dũng và Trần Thị Hoàng Uyên bị điều tra về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Nguồn: tuoitre.vn