Đã 30 năm trôi qua, nhưng ký ức về trận hải chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam vẫn in đậm trong lòng các cựu binh.

Các anh vẫn đang tri ân các liệt sĩ và viết tiếp câu chuyện phi thường về sự anh dũng để tin yêu và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, chủ quyền biển đảo.

Khắc cốt 64 liệt sĩ Trường Sa

Những ngày này, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988 (thuộc Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng) cùng các nhà báo, giới văn nghệ sĩ đang tất bật với các công việc để thực hiện Lễ tưởng niệm 30 năm trận chiến bảo vệ Trường Sa và tri ân 64 liệt sĩ hi sinh tại Trường Sa ngày 14-3-1988.

Cứ vào tháng 3 thường niên, cảm xúc về trận hải chiến vẫn nguyên vẹn trong lòng các cựu binh Trường Sa. Đầu tháng 3-1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng xuống quần đảo Trường Sa với nhiều tàu chiến. Hải quân Việt Nam nhận định, Hải quân Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh các cụm đảo, trong đó Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao có vị trí quan trọng nên phải quyết tâm giữ vững.

Cựu chiến binh Trường Sa động viên, chia sẻ, trao kỷ vật đến thân nhân liệt sĩ

Ngày 13-3-1988, tàu HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125 được lệnh từ đảo Đá Đông nhanh chóng đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau nhiều tiếng hành quân, tàu HQ 605 đến Len Đao và cắm cờ Việt Nam trên đảo san hô. Tàu HQ 604 và tàu HQ 505 từ đảo Đá Lớn lúc 9 giờ ngày 13-3 tiến về đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin. Hai tàu Việt Nam thả neo được 30 phút thì tàucủa Trung Quốc đến bao vây.

Chiều tối 13-3, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ 604 và yêu cầu ta rời khỏi đảo. Ta kiên trì neo giữ tại đảo để bảo vệ chủ quyền thì bị các chiến hạm của Trung Quốc uy hiếp. Tàu HQ 604 cùng các cán bộ chiến sĩ (CBCS) đưa tàu áp sát để chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma, cắm cờ Việt Nam và triển khai bảo vệ đảo. Hải quân Trung Quốc điều nhiều tàu đến uy hiếp, bao vây.

Đến sáng 14-3, các tàu Trung Quốc bất ngờ nổ súng đánh chiếm Gạc Ma. Dù thương vong nhưng CBCS tàu HQ 604 cương quyết bảo vệ đảo, bảo vệ cờ. Thuyền trưởng tàu là đồng chí Trần Đức Thông – Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 cùng một số chiến sĩ hy sinh. Tàu HQ 604 bị chìm. Trên đảo Gạc Ma chỉ còn lại 3 CBCS đã dũng cảm chiến đấu, tạo thành một vòng tròn bất tử.

Tại đảo Cô Lin, lúc 8 giờ 15 ngày 14-3, CBCS tàu 505 vừa dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu CBCS tàu 604 vừa bị đánh chìm. Và CBCS tàu HQ 505 hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin cho đến ngày nay.

Ở đảo Len Đao, lúc 8 giờ 20 ngày 14-3, tàu Trung Quốc bắn chìm tàu HQ 605 khiến các CBCS của ta phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn. Các CBCS tiếp tục đấu tranh kiên quyết và bảo vệ thành công Len Đao.

Cuộc tấn công cưỡng chiếm các đảo của tàu Trung Quốc làm cho Hải quân Việt Nam tổn thất nặng nề, khiến 64 CBCS hy sinh; những người còn sống đều bị thương, một số bị Trung Quốc bắt. Sau này, Nhà nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khẩn trương đẩy mạnh việc xây dựng, bảo vệ quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc và củng cố, giữ vững các vị trí đảo đến ngày nay.

Các đồng chí Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương được truy tặng và phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Hàng chục tập thể, cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý…

Anh Trần Văn Dũng (ngụ TP.Đà Nẵng) bên di ảnh của em trai là liệt sĩ Trần Văn Việt

Ngày 13 và 14-3-2018, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tổ chức cuộc hội ngộ 30 năm của CBCS Hải quân từng công tác, chiến đấu tại quần đảo Trường Sa; tổ chức lễ cầu siêu tâm linh cho 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến bảo vệ Trường Sa cũng như các liệt sĩ khác hi sinh khi làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Đây là dịp để các cựu binh Trường Sa gặp gỡ, ôn lại truyền thống, chia sẻ với nhau trong cuộc sống; tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ các thân nhân liệt sĩ…

Trong số các cựu binh, có nhiều người tham gia trận hải chiến như ông Lê Văn Thoa (ngụ TP.Quy Nhơn, Bình Định), Trương Văn Hiền (SN 1956, ngụ xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk), Nguyễn Văn Chương (ngụ thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, Đắk Lắk), Dương Văn Dũng (SN 1966, ngụ P.Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng)…

Chung tay vì gia đình liệt sĩ, cựu binh Gạc Ma

Sau khi dùng vũ lực tấn công tàu và CBCS của ta, Trung Quốc bắt 10 CBCS là những người bị thương, lênh đênh trên biển rồi đưa về Trung Quốc giam giữ. Tiền tuyến bi thương nhưng đã thể hiện sự chiến đấu, hy sinh anh dũng, hiên ngang của Hải quân Việt Nam.

Ở hậu phương, gia đình, người thân các CBCS mong ngóng dai dẳng, giống như bức thư của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam gửi đến các gia đình liệt sĩ vào ngày 28-3-1988 sau trận chiến bảo vệ chủ quyền có đoạn viết: “Bằng những vũ khí tự vệ, CBCS ta trên các tàu đã anh dũng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên biển và quần đảo Trường Sa. Các tàu cứu hộ của ta đã bất chấp hiểm nguy, bất chấp hi sinh, ngày đêm bằng mọi biện pháp tìm kiếm, cấp cứu đồng chí mình bị nạn. Nhưng đến nay vẫn còn 74 đồng chí (64 liệt sĩ và 10 CBCS bị thương, bị bắt – PV) đang bị mất tích, trong đó có đồng chí là con em của gia đình ta. Đây là sự hi sinh lớn lao của nhân dân ta trong đó có gia đình ta, vì sự toàn vẹn của lãnh thổ, sự độc lập của dân tộc…”.

Bức thư của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam gửi đến các gia đình liệt sĩ vào ngày 28-3-1988 sau sự kiện trận chiến bảo vệ Trường Sa

Năm 1991, các CBCS bị bắt được trả về nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và sự can thiệp của các tổ chức nhân đạo quốc tế. Ngày trở về của anh Dương Văn Dũng cùng các CBCS là bắt đầu những cuộc hội ngộ đẫm nước mắt của thân nhân các liệt sĩ. Các cựu binh ngậm ngùi lặng lẽ chia sẻ nỗi đau với thân nhân các liệt sĩ…

Các cựu binh đều mang trong mình thương tật, sống dở chết dở. Mỗi người mỗi cảnh ngộ nhưng trong lòng cùng chung niềm đau, sự tiếc thương vô hạn dành cho đồng đội. Các anh vật lộn chống chọi quá khứ bi thương, vượt khó để hòa nhập vào cuộc sống, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.

Có không ít người phải lấy bệnh viện làm nhà, lấy thuốc men làm nguồn sống. Sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, anh Dũng đã trút hơi thở cuối cùng lúc 16 giờ 20 ngày 26-2-2017. Anh Nguyễn Văn Tấn – Trưởng Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng kể lại, khi còn điều trị trong bệnh viện, mỗi lần đồng đội đến thăm, anh Dũng từng nói: “Thân thể mình lẽ ra đã cùng với các đồng chí hòa vào Biển Đông, chảy quanh các đảo ở Trường Sa, bảo vệ vùng biển, đảo chủ quyền. Mình được trở về, sống đến ngày hôm nay là điều may mắn”.

Người mẹ Hồ Thị Lai (ngụ Đà Nẵng) với kỷ vật của con trai là liệt sĩ Trương Quốc Hùng

Và trước lúc đi xa, nói với các đồng đội vây quanh mình, anh Dũng mong mỏi mọi người tiếp tục vượt qua nghịch cảnh, khắc phục khó khăn để sống tốt và quan trọng nhất là chung tay để giúp đỡ các thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Thực tế trong suốt 30 năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng xã hội, các cựu binh Trường Sa đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa và nhân văn để tri ân các liệt sĩ, chia sẻ, hỗ trợ các thân nhân liệt sĩ và cựu chiến binh.

Theo congan.com.vn

Từ khóa : biển đảogạc mahải chiếnhải quântrường sa

Các tin liên quan đến bài viết