Hai ông lớn xăng dầu PVOIL và PVGAS vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu và lợi nhuận ước tính đều giảm so với cùng kỳ năm trước.
Tổng Công ty Dầu Việt Nam – PVOIL (OIL) vừa tổng kết 6 tháng đầu năm. PVOIL ghi nhận sản lượng kinh doanh xăng dầu trong kỳ đạt hơn 2,4 triệu m3/tấn. Với kết quả đó, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của PVOIL đạt 43.478 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 470 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 thì kết quả này lại khá tốt.
Trước đó, cổ đông PVOIL đã thông qua kế hoạch năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 50.000 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 600 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Công ty đã đạt xấp xỉ 87% kế hoạch doanh thu và 78,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Hai “ông lớn” xăng dầu giảm lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm.
Kết phiên giao dịch ngày 7/7, cổ phiếu OIL đạt 10.500 đồng/cp, tăng 19% so với mức giá hồi đầu năm.
Một đơn vị khác trong họ dầu khí là Tổng công ty Khí Việt Nam – PVGAS (GAS) ước đạt 45.117 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.035 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng trong quý II, PVGAS ước đạt 2.618 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái . Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp đầu ngành khí trong vòng 6 quý.
Tại ĐHCĐ thường niên 2023 mới đây, cổ đông của PVGAS đã thông qua kế hoạch năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 76.441 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế giảm hơn 56%, xuống còn 6.539 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, PVGAS đã hoàn thành 59% kế hoạch doanh thu và hơn 92% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Trên thị trường, kết phiên giao dịch ngày 7/7, cổ phiếu GAS đạt 96.000 đồng/cp giảm 12% so với hồi đầu năm.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
*UBCKNN: UBCKNN phạt tiền 85 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần (CTCP) Văn phòng phẩm Hải Phòng do không công bố thông tin báo cáo tài chính bán niên năm 2022.
Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thương mại Địa Ốc Xanh cũng bị phạt 85 triệu đồng do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Trong khi đó, CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê bị phạt tổng số tiền 120 triệu đồng do công bố thông tin định kỳ không đúng thời hạn quy định.
* VNZ: Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Công ty Cổ phần VNG vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022 (7.801 tỷ đồng).
* VNM: CTCP Sữa Việt Nam vừa công bố kết quả kinh doanh quý II ước đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,9% so với quý trước. Lãi sau thuế ước đạt 2.220 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ và tăng 16,5 % so quý trước.
* VHC: HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn vừa thông qua việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về lộ trình phát hành cổ phiếu ESOP và trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2022. Theo đó, Vĩnh Hoàn dự kiến phát hành gần 3,7 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2022 (ESOP), tương ứng tỷ lệ 2%.
* TVN: Tổng Công ty Thép Việt Nam vừa công bố kết quả khả quan trong quý II/2023, với lãi trước thuế của công ty mẹ hơn 133 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế ước đạt 194 tỷ đồng, bằng 373% kế hoạch năm, nhưng giảm 40% so với cùng kỳ.
Thông tin giao dịch
* DNE: Ông Nguyễn Văn Tuấn – Thành viên HĐQT CTCP Môi trường Đô thị Đà Nẵng đăng ký bán thỏa thuận toàn bộ gần 1,2 triệu cổ phiếu DNE đang nắm giữ từ ngày 10/7-8/8/2023.
* EIB: Phiên 7/7, thị trường ghi nhận hơn 34 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất khẩu Việt Nam (Eximbank) được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị gần 730 tỷ đồng.
* ILA: Ông Đặng Xuân Hữu – Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần ILA đã mua xong 1 triệu cổ phiếu ILA trong thời gian từ 8/6/-4/7/2023. Giao dịch thành công đã nâng tỷ lệ sở hữu của ông Hữu tại ILA từ 0,05% (9.800 cp) lên 5,45% (hơn 1 triệu cp). Cùng thời gian, Chủ tịch HĐQT Võ Xuân Phong cũng đã mua xong 1,5 triệu cổ phiếu ILA, nâng tỷ lệ sở hữu từ 1,43% (265.100 cp) lên 9,53% (gần 1,77 triệu cp).
* MCP: Cổ đông lớn của CTCP In và Bao bì Mỹ Châu là ông Nguyễn Đức Hiếu bán ra gần 1,1 triệu cổ phiếu MCP nhằm cơ cấu lại khoản đầu tư, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại MCP từ hơn 2,2 triệu cổ phiếu (15,26%) xuống còn 1,2 triệu cổ phiếu (8,05%).
Cùng ngày, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội mua thành công gần 1,1 triệu cổ phiếu MCP – đúng bằng số cổ phần ông Hiếu bán, nâng tỷ lệ sở hữu 4,74% lên 11,94% và trở thành cổ đông lớn của MCP từ ngày 5/7.
* CII: CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã bán gần 25 triệu cổ phiếu của CTCP Hạ tầng Nước Sài Gòn (SII) trong tổng số gần 32,7 triệu cổ phiếu đang nắm giữ.
VN-Index
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/7, VN-Index tăng 11,85 điểm (+1,05%) lên mức 1.138,07 điểm; HNX-Index tăng 0,74 điểm lên 225,82; UPCoM-Index giảm 0,43 điểm, còn 84,66 điểm.
Theo Chứng khoán DSC, phiên hồi phục ngày 7/7 của VN-Index là ấn tượng, nhưng cũng một phần không nhỏ đến từ nền tảng “kéo” một số cổ phiếu trụ như VCB, cũng như đà tăng của một nhóm số nhóm ngành riêng lẻ trên thị trường. Nói cách khác là tình trạng phân hóa mạnh của thị trường.
Tâm lý có phần tích cực hơn từ nhà đầu tư cá nhân cộng với lượng lớn tiền gửi tiết kiệm đáo hạn chính là yếu tố chuyển hướng dòng tiền quay lại TTCK, hỗ trợ hai mảng môi giới và cho vay ký quỹ. Số lượng tài khoản mở mới tháng 5 đạt đỉnh trong 9 tháng, cao gấp 4 lần so với tháng trước.
Theo Chứng khoán VNDIRECT, sau tuần phục hồi vừa qua, chỉ số VN-Index đang tiến sát tới vùng kháng cự 1.140-1.150 điểm. Thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi hàng bắt đáy giá rẻ về tài khoản. Do đó, nhà đầu tư nên “chậm lại quan sát” và “hạn chế mua đuổi” cổ phiếu ở vùng giá cao. Điều này là cần thiết khi mà thị trường đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II với nhiều gam màu xám.
Nguồn: vietnamnet