Tiếp viên của hãng hàng không AirAsia |
Hãng AirAsia, trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia) trở thành một trong những hãng đầu tiên tham gia cuộc chiến chống tệ nạn toàn cầu khi cho biết sẽ đào tạo 5.000 – 10.000 nhân viên, bao gồm thành viên phi hành đoàn. “Chúng tôi muốn các nhân viên của mình biết cách xử lý khi có ai đó đến với họ và nói ‘cứu tôi với’” – bà Yap Mun Ching, giám đốc điều hành AirAsia Foundation, nói với hãng tin Reuters. “Đôi lúc các nạn nhân không biết mình bị bán. Họ chỉ nhận ra điều đó trên đường và muốn được giúp đỡ. Hầu hết họ không biết phải tìm đến ai” – bà Ching cho biết thêm. AirAsia phối hợp với Airline Ambassadors International – tổ chức chống buôn người trong ngành hàng không, tổ chức đào tạo tại bốn cơ sở chính của AirAsia tại Kuala Lumpur, Bangkok, Jakarta và Manila. Cả bốn đều là những điểm nóng của nạn buôn người trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, nhân viên của AirAsia sẽ được học cách phát hiện những nạn nhân của nạn buôn người như với phụ nữ hoặc trẻ em thường có dấu hiệu hoảng loạn, sợ hãi hoặc xấu hổ. Trước đó, một số nước như Mỹ đã áp dụng quy định đào tạo bắt buộc về chống buôn người đối với hơn 70.000 nhân viên hàng không kể từ năm 2013. Tuy nhiên việc chống buôn người vẫn chưa mấy phổ biến trong ngành hàng không.Trong khi đó, hàng không là một trong những phương tiện đắc lực của bọn buôn người giúp chúng vận chuyển hàng ngàn nạn nhân mỗi năm. Vào tháng 6 vừa qua, Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm đã kêu gọi các hãng hàng không tham gia cuộc chiến chống buôn người trong cuộc họp đầu tiên của ngành hàng không về vấn đề này.