Bộ Ngoại giao Việt Nam lại lên tiếng phản đối những hành vi của phía Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế.
Việt Nam tiếp tục phản đối Trung Quốc tổ chức du lịch trái phép
Lưới đánh cá trên tàu của ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc cắt nát tương vào một ngày đầu tháng 3-2016 

Ngày 13-3-2017, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tổ chức tuyến du lịch trái phép đến quần đảo Hoàng Sa và việc tàu Hải cảnh Trung Quốc truy đuổi một tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 95215 TS ở khu vực đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hành động như vậy đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký tháng 10-2011”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay và không tái diễn những hoạt động đó, đóng góp xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. Cùng ngày 13-3, Trung Tân xã – hãng thông tấn nhà nước lớn thứ hai của Trung Quốc – dẫn lại bài của Hoàn cầu Thời báo cho biết các chuyên gia Trung Quốc dự báo số người Trung Quốc đi du lịch ra quần đảo Hoàng Sa sẽ tăng nhanh thêm trong tương lai vì “tinh thần ái quốc”!? Tờ South China Morning Post của Hong Kong trong khi đó còn cho biết trong kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc ở Bắc Kinh đang diễn ra, các đại biểu của tỉnh Hải Nam đã giới thiệu tài liệu du lịch theo kiểu “vận động chính sách”. Theo đó, giới chức tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc, đang có kế hoạch triển khai các tour du lịch bằng đường hàng không, ngoài đường biển đã khai thác liên tục, tới quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Quần đảo hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và quân sự hóa bất chấp phản đối của khu vực và quốc tế. Chính quyền tỉnh Hải Nam đã liệt các tour du lịch đường hàng không vào loại hình du lịch ưu tiên. Giới chức tỉnh này đang cố gắng nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội Trung Quốc và các ban ngành liên quan. Theo Trung Tân xã, phía Trung Quốc khai thác du lịch ra quần đảo Hoàng Sa từ năm 2013 và đến nay đã có hơn 20.000 người theo tàu du lịch loại lớn ra đấy. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV thậm chí từng phát sóng một phóng sự quảng bá du lịch đảo Hoàng Sa thông qua hình ảnh chiếc tàu du lịch cỡ lớn có tên “Giấc mơ Nam Hải” chở những đoàn khách đến tham quan quần đảo, lặn biển và câu cá. Kể từ tháng 12-2016, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay dân sự trái phép từ Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam, tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, lộ trình này chủ yếu phục vụ các quan chức và các binh sĩ đồn trú phi pháp.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : biển ĐôngBộ Ngoại giao Việt namchủ quyềnluật pháp quốc tếngư dânquần đảo Hoàng Satrung quocviệt nam

Các tin liên quan đến bài viết