Hút thuốc bên ngoài một quán cà phê ở Bắc Kinh (Trung Quốc) |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố các dữ liệu về tình hình tiêu thụ thuốc lá toàn cầu vào dịp Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5). Theo đó, chỉ tính những người trưởng thành tại Trung Quốc, mỗi năm mỗi người đốt 4.124 điếu, tức trung bình mỗi người hút 11 tới 12 điếu/ngày. Xếp ngay sau Trung Quốc là quốc gia châu Âu Belarus với 3.831 điếu/năm. Danh sách thống kê trên 182 quốc gia và lãnh thổ của WHO cho thấy Li Băng xếp thứ ba (3.023 điếu/năm), Macedonia (2.732) và Nga (2.690). Ngược lại, các nước khu vực châu Phi ít hút thuốc nhất thế giới. Những người trưởng thành tại Guinea, quốc gia phía tây châu Phi, mỗi năm chỉ hút trung bình 15 điếu. Quần đảo Solomon ở phía đông Papua New Guinea chỉ hút 26 điếu/năm, tương tự là Kiribati (28 điếu), Uganda (41 điếu) và Rwanda (53 điếu). Có thể thấy ở các nước phát triển, dù tình hình nghiện thuốc có thuyên giảm nhưng vẫn còn hút khá nhiều thuốc. Ví dụ người trưởng thành ở Pháp xếp thứ 61 với 1.023 điếu/năm, sau người Mỹ (thứ 57), còn người Đức xếp thứ 33. Những quốc gia giảm lượng tiêu thụ thuốc lá rõ rệt bao gồm Anh, giảm 27% số người hút từ năm 1974 tới nay, và hiện xếp thứ 74 về tiêu thụ thuốc với trung bình 826 điếu/năm. Báo cáo mới đây cũng cho thấy trên phạm vi toàn cầu, 40% nam giới hút thuốc so với 9% phụ nữ. Tuy nhiên, xu hướng phụ nữ hút thuốc lại có biểu hiện gia tăng đáng lo.WHO ước tính tới năm 2030, thuốc lá có thể dẫn tới cái chết của 2,5 triệu phụ nữ, so với 1,5 triệu như hiện nay. Đối với đàn ông, Indonesia là nơi có tỉ lệ đàn ông hút thuốc nhiều nhất (76%), tức cứ 10 người đàn ông Indonesia thì 7 – 8 người thích phì phèo. Đàn ông Jordan xếp ngay phía sau (70%), tiếp đến là Nga (59%) và Trung Quốc (47%). Cũng theo WHO, hơn 5 triệu người chết mỗi năm do tác hại của việc hút thuốc, trong đó phụ nữ chiếm 1,5 triệu người như đã nêu. Có tới 75% số phụ nữ hút thuốc sinh sống tại các quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình.